(GLO)- “Hương trầm quyện khói tỏa quanh/Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương/Sống không mưu lợi tầm thường/Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng”. Những câu thơ giàu xúc cảm này đã luôn neo sâu trong tâm trí tôi trong suốt hơn 2 tháng kể từ ngày tham gia cùng đoàn công tác số 12 ra huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Đọc một lần là thuộc ngay khiến tôi luôn tự hỏi mình, phải chăng cũng bởi sự mến thương, cảm phục những người lính đảo đã khiến tôi ghi nhớ những câu thơ trên nhanh đến thế!
Đó là buổi trưa tại nhà giàn DK1-điểm cuối cuộc hành trình đến với quân dân huyện đảo Trường Sa do Bộ Tài chính tổ chức. Chúng tôi, 188 con người đứng trân mình giữa buổi trưa nắng chang chang như đổ lửa trên con tàu 571. Tất cả đều đứng trang nghiêm, cúi đầu. Trong khoảnh khắc thiêng liêng đó, chúng tôi thật sự xúc động khi Đại tá Lê Mạnh Tiến-Phó Tham mưu trưởng Hải quân Vùng 2 cất giọng lúc bổng, lúc trầm kể lại câu chuyện về những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại nhà giàn DK1.
Chuẩn bị thả vòng hoa bất tử vào lòng biển đảo quê hương. Ảnh: K.T |
Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa, nhưng ký ức về sự hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn in đậm trong ký ức Đại tá Lê Mạnh Tiến. “Một cái chết muôn ngàn lần sống” là tấm gương tiêu biểu về lòng dũng cảm, về tình yêu thương đồng chí đồng đội, sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đó là sự hy sinh anh dũng và cao đẹp của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng-Phó Trạm trưởng nhà giàn Phúc Tần khi anh bám sát hỗ trợ đồng đội chống chọi với sóng dữ của đại dương. Trong cận kề cái chết, anh đã nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người đồng đội yếu nhất, để rồi ra đi vào cõi vĩnh hằng chiều 5-9-1990. Và ở đó vẫn còn nhiều cán bộ, chiến sĩ khác nữa như: Vũ Quang Chương, Nguyễn Văn Án, Lê Đức Hồng, Phan Tảo, Trần Văn La, Lê Tiến Cường, Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền… đã gửi lời chào vĩnh biệt đất liền để rồi thanh thản ra đi, mãi mãi nằm lại với biển khơi, tô thắm thêm truyền thống cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là sự tiếp nối, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc.
Giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, trước anh linh của những cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã ngã xuống, chúng tôi cúi đầu tỏ lòng thành kính biết ơn công lao và sự hy sinh cao cả của các anh. Dẫu biết, vinh quang nào chẳng có mất mát, hy sinh; hạnh phúc nào không đánh đổi bằng xương máu, mồ hôi và nước mắt, nhưng vẫn chẳng thể nào nguôi được niềm thương nhớ các anh. Sự dâng hiến của các anh đã góp thêm những giá trị thiêng liêng của non sông đất nước và tinh hoa của dân tộc: Một dân tộc anh hùng không khuất phục trước ngoại bang; một dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Hàng trăm cánh hoa cúc vàng và bồ câu giấy thả xuống biển xanh, mong các anh lòng yên nghỉ trong hình bóng sóng nước, biển trời quê hương. Bài thơ “Lễ thả hoa ở Biển Đông” của nhà thơ Đặng Vương Hưng lại vọng về trong tôi như một điệp khúc: “Này vòng hoa trắng tinh khôi/Này bông hoa cúc còn tươi nắng vàng/Tâm nhang kính cẩn xếp hàng/Xin biển xanh hãy nhẹ nhàng nhận cho/Nơi đây đảo rất xa bờ/Những hồn lính biển bây giờ ở đâu?/Hải âu hay sóng bạc đầu/Cuối trời quê mẹ trắng màu mây giăng/Trời cao ơi! Có nghe chăng?/Biển sâu ơi! Hãy nhớ rằng đảo xa/Những linh hồn lính Gạc Ma/Ngàn năm hát mãi bài ca biển trời…”.
Những ngày này, cả dân tộc đang chuẩn bị kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, với tất cả tình cảm từ trong sâu thẳm của lòng mình, tôi-một con dân đất Việt-xin nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ với tấm lòng thành kính nhất.
Khoa Thành