(GLO)- Hẳn nhiên đó là tên một bộ phim. Nhưng hai anh em ở đây là người thật việc thật. Đó là Thạc sĩ-Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Kế Toán, Phó Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc và em gái Trần Thị Phấn, Điều dưỡng viên Khoa Lão khoa; cả hai đều đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Nhận xét về anh em bác sĩ Trần Kế Toán, bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-dành nhiều lời khen ngợi: “Trong số hơn 800 cán bộ-nhân viên của bệnh viện cũng có nhiều người là anh chị em cùng công tác tại đây, nhưng bác sĩ Trần Kế Toán và điều dưỡng viên Trần Thị Phấn là hai anh em khá tiêu biểu. Bác sĩ Toán là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2011, được trao tặng nhiều Bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh và của ngành; còn Phấn cũng được đánh giá là nhiệt tình với bệnh nhân và các hoạt động phong trào. Đây là những người nằm trong lớp trẻ kế cận của bệnh viện”.
Hai anh em…
Tốt nghiệp ĐH Y Thái Bình năm 1993, một năm sau bác sĩ Trần Kế Toán về công tác tại huyện Kông Chro-Gia Lai. Năm 1998 anh thi đậu Bác sĩ Nội trú và đi học ở Huế; trong thời gian này anh tiếp tục lấy được học bổng FFI và tu nghiệp 1 năm tại Toulouse (Pháp). Năm 2003, sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Toán về công tác tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Thạc sĩ-Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Kế Toán, Phó Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc và em gái Trần Thị Phấn, Điều dưỡng viên Khoa Lão khoa. Ảnh: Phương Duyên |
Lý do đến với nghề y của bác sĩ Trần Kế Toán (người mà lẽ ra có thể đã chọn một nghề nghiệp đúng như cái tên của mình) khá điển hình: Bố anh bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhiều năm, nhưng điều kiện về y tế tại xã nhà (Nghĩa Hồng, Nghĩa Hưng, Nam Định) lại quá thiếu thốn, “đi mấy cây số từ thôn lên xã mới gặp được ông y sĩ, rồi phải đi cả chục cây số mới mua được thuốc. Lúc đó tôi mới thấy nghề y vô cùng cần thiết trong cuộc sống, mà trước hết là cần thiết cho người thân trong gia đình mình. Vì vậy, dù đang học tốt khối A, tôi vẫn quyết định chuyển sang học khối B để thi vào ngành y”-bác sĩ Toán chia sẻ.
Đó cũng chính là nguyên nhân khiến em gái anh là Trần Thị Phấn quyết định theo học hệ trung cấp tại trường ĐH Điều dưỡng Nam Định. “Tôi còn nhớ hôm đó trời đang mưa, bố tôi lại lên cơn bệnh. Giống như người chết đuối trên cạn vậy, mặt tím tái vì không thở được. Tôi vội vàng chở bố sang chỗ bác sĩ gần nhà nhưng không có thuốc, đành phải chở ra trạm xá xã, trạm lại đưa xuống Trung tâm Y tế huyện cấp cứu và cho thở máy thì mới qua khỏi. Sau lần đó tôi quyết định học điều dưỡng, mà người đầu tiên được chăm sóc là bố tôi”-Phấn kể, dù vẫn biết đây là công việc không hề nhẹ nhàng. Ra trường năm 2008, năm 2009 Phấn trở thành điều dưỡng viên Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, sau đó chuyển sang khoa Lão khoa-Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
…Và một con đường
Nói về việc ứng dụng những kinh nghiệm có được sau khi học chuyên sâu về Nội thận-Thận nhân tạo tại Pháp, bác sĩ Toán cho hay: Bệnh viện Đa khoa tỉnh bắt đầu triển khai chạy thận nhân tạo từ năm 2004 và thành lập được đơn vị Thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc. Từ chỗ nắm vững được kỹ thuật chuyên sâu của việc chạy thận nhân tạo kết hợp với điều kiện thực tế, bác sĩ Toán cùng đội ngũ y-bác sĩ tại đây đã nâng cao được chất lượng phục vụ bệnh nhân, giúp bệnh nhân giảm mệt mỏi sau những lần lọc máu. Ngoài ra, tháng 11-2011, nghiên cứu khoa học “Suy thận mãn ở bệnh nhân tiểu đường type II” của anh cũng được đánh giá cao tại Hội nghị khoa học Viện-Trường Tây Nguyên-Khánh Hòa (tổ chức tại Gia Lai), qua đó xác định được tỷ lệ tổn thương thận, thực trạng điều trị giúp làm chậm tiến triển đến suy thận mãn giai đoạn cuối ở bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trăn trở được bác sĩ Toán nêu ra: Điều kiện phục vụ còn cách rất xa so với nhu cầu của người dân. “Cả nước có khoảng 1,5 triệu dân bị bệnh về thận cần phải lọc máu, Gia Lai khoảng 15.000-20.000 người, như vậy sẽ có nhiều người không được điều trị do không có máy, không có tiền. Trong khi đó, ở Pháp máy chạy thận đã được đưa về tận làng quê”-bác sĩ Toán băn khoăn. Tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai hiện số bệnh nhân đang chạy thận khá đông, khoảng 30 bệnh nhân (mỗi tuần chạy thận 3 lần), trong khi đó trang thiết bị lại hạn chế nên đa số máy phải chạy liên tục từ 6h sáng đến tận 22h mới được nghỉ, đồng nghĩa với việc các y-bác sĩ ở đơn vị này cũng hết sức vất vả.
Nhiệm vụ tại khoa Hồi sức tích cực-Chống độc cũng là một áp lực đối với bác sĩ Toán và đồng nghiệp. Đây là khoa tập trung những bệnh nhân bệnh nặng nhất, nơi lúc nào cũng bao trùm bầu không khí căng thẳng vì sự sống quá mong manh. Bác sĩ Toán kể về trường hợp một thiếu niên 16 tuổi ở Phú Thiện, bị gãy cổ trong một tai nạn gây liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp và phải thở máy. Điều kỳ diệu là với sự chăm sóc tận tình, hết lòng của y-bác sĩ trong khoa, thiếu niên này vẫn sống và cảm nhận được cuộc sống xung quanh nhờ thở máy suốt 5 năm-một con số kỷ lục! Vì vậy, trong một lần đến thăm bệnh viện, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã rất bất ngờ và quyết định khen thưởng đột xuất cho Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc. “Năm 2009, khi mất, cậu thanh niên được 21 tuổi”-bác sĩ Toán trầm ngâm.
Với Phấn, công việc của một điều dưỡng viên có phần nhẹ nhàng hơn nhưng cũng không ít vất vả. Khoa Lão khoa lúc nào cũng kín chỗ với 70-80 bệnh nhân tiểu đường, suy thận mãn, suy tim, phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp… Công việc của Phấn và đồng nghiệp mỗi ngày là nhận trực, giao ban, nhắc nhở và động viên bệnh nhân, phát thuốc theo y lệnh của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng, tiêm truyền… Chăm sóc người bệnh bình thường đã khó, chăm sóc bệnh nhân Lão khoa còn khó hơn vì tâm lý người lớn tuổi hay cáu gắt, bực dọc. “Lúc đi học đã xác định là vất vả, nhưng thấy anh say nghề nên mình cũng thích. Tôi đang dự định học lên ĐH để nâng cao tay nghề”-Phấn bày tỏ.
Ngành nghề nào cũng có những áp lực trong công việc, nhưng với ngành y, áp lực này còn nặng nề hơn vì liên quan trực tiếp đến sự sinh tử. “Đôi lúc căng thẳng quá muốn nghỉ phép 1 tuần, nhưng mới nghỉ được 3 ngày đã thấy nhớ công việc rồi”-bác sĩ Toán nở một nụ cười. Khi được hỏi về Y đức, anh chỉ nói thật giản dị: “Nghề nào cũng cần chữ Đức. Y đức là phẩm chất đạo đức tốt cộng với chuyên môn tốt, nếu thiếu một trong hai yếu tố trên thì không còn là Y đức nữa”. Còn Phấn chỉ tâm niệm một điều: Luôn xem bệnh nhân như bố mình.
Ông Trần Trịnh Tuất, người không ngờ bệnh tật của mình đã định hướng nghề nghiệp cho các con, mãn nguyện nói: “Gia đình có đến 8 người con nhưng tôi vẫn quyết tâm lo cho con no lành để yên tâm học hành. Giờ các cháu đều thành tài, trong đó có 2 cháu theo nghề y, tôi rất phấn khởi, tự hào. Tôi vẫn luôn dặn con, làm nghề y thì phải như lời Bác Hồ dạy: “Lương y như từ mẫu”. Phải có tâm và có đức…”.
Phương Duyên