Anh Đỗ Trung Hòa thu tiền tỷ từ vườn chuối tiêu hồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Đỗ Trung Hòa (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã từng bước vượt qua khó khăn và thành công với vườn chuối tiêu hồng.

Mô hình không những mang lại thu nhập cho gia đình anh cả tỷ đồng trong năm 2023 mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế cho nông dân huyện Chư Pưh.

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Ia Hrú, chúng tôi đến tham quan vườn chuối tiêu hồng của anh Đỗ Trung Hòa-nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Chư Pưh. Mặc dù đang bận rộn với việc chăm sóc, thu hoạch chuối để kịp giao cho thương lái nhưng anh Hòa vẫn vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi.

Anh cho biết: “Gia đình tôi từng giàu có nhờ cây hồ tiêu. Thời kỳ cao điểm, gia đình có hơn 13 ngàn trụ hồ tiêu cho thu hoạch mỗi năm hàng chục tấn tiêu khô. Tuy nhiên, đến năm 2017, vườn hồ tiêu bị nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt, đẩy kinh tế gia đình vào cảnh khó khăn. Sau khi cân nhắc, tôi chuyển dần diện tích hồ tiêu chết sang trồng chanh dây, bơ, mít… Tuy nhiên, các loại cây này khó chăm sóc mà giá cả thì thiếu ổn định”.

Không nản chí, sau nhiều lần tham quan, học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu thị trường tiêu thụ, anh Hòa nhận thấy chuối tiêu hồng khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Vì thế, năm 2020, anh đầu tư khoảng 100 triệu đồng để trồng thử nghiệm 1 ngàn cây chuối tiêu hồng bằng loại giống được nhân bằng phương pháp cấy mô. Anh cũng tận dụng tối đa các phế phẩm nông nghiệp và phân chuồng đã ủ để xử lý vi khuẩn có hại bón cho vườn cây.

Nhờ đó, vườn chuối tiêu hồng của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, cho quả to, đẹp, được thương lái đến tận vườn đặt mua với giá cao. Sau gần 1 năm, vườn chuối tiêu hồng trồng theo hướng hữu cơ của gia đình anh cho thu hoạch đợt đầu tiên với sản lượng 25 tấn. Với giá bán 4 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, anh Hòa lãi hơn 50 triệu đồng.

Vườn chuối tiêu hồng của anh Đỗ Trung Hòa (bìa phải) luôn cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: T.C

Vườn chuối tiêu hồng của anh Đỗ Trung Hòa (bìa phải) luôn cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: T.C

Nhận thấy cây chuối tiêu hồng dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, hiệu quả kinh tế cao nên anh Hòa đã đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, vườn chuối của gia đình có hơn 10 ngàn cây. Anh đầu tư gần 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tự động trên toàn bộ diện tích. Nhờ vậy, thu nhập từ vườn chuối tăng mạnh qua các năm. Nếu như năm 2022, gia đình thu được 250 triệu đồng thì năm 2023 đạt khoảng 1 tỷ đồng.

“Cây chuối có chu kỳ thu hoạch khoảng 5 năm. Chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng những năm sau chỉ tốn công chăm sóc, đầu tư phân bón. Trong khi đó, năng suất chuối luôn ổn định, không lo mất mùa như những loại cây trồng khác.

Ngoài ra, loại cây này có thể thu hoạch từ gốc đến ngọn mà không phải bỏ bất kỳ một bộ phận nào. Quả chuối thì bán cho thương lái, còn mầm và thân cây được dùng để làm thức ăn cho heo, bò hoặc ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng”-anh Hòa chia sẻ.

Theo anh Hòa, trồng chuối tiêu hồng tốn ít công chăm sóc, thu hồi vốn nhanh. Ảnh: Tấn Chi

Theo anh Hòa, trồng chuối tiêu hồng tốn ít công chăm sóc, thu hồi vốn nhanh. Ảnh: Tấn Chi

Theo anh Hòa, chuối tiêu hồng khi chín quả có màu vàng đẹp, hương vị thơm ngon, quả chắc nên được thị trường ưa chuộng. Để chuối đạt chất lượng cao nhất, có mẫu mã đẹp cần tuân thủ các yếu tố như: đất đai phù hợp, giống tốt, sạch bệnh, không bị lẫn chuối tiêu xanh; đồng thời, phải luôn đảm bảo đủ nước tưới, đủ phân cũng như không lạm dụng phân bón, thuốc hóa học.

Cùng với đó, cần tỉa bỏ bớt cây con, chỉ giữ lại 1 cây khỏe mạnh để thay thế cây mẹ. Khi chuối ra hoa, trổ buồng, cần sử dụng túi ni lông bọc buồng để tránh tác động của thời tiết, sâu bệnh hại.

Theo ông Huỳnh Xuân Huy-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hrú: Anh Đỗ Trung Hòa là tấm gương điển hình về phát triển kinh tế ở xã Ia Hrú. Anh đã nắm bắt được nhu cầu thị trường để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Không chỉ vậy, anh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho các hộ nông dân và giúp đỡ người nghèo, người dân tộc thiểu số về giống cây trồng. Hiện mô hình trồng chuối tiêu hồng của anh Hòa đang được Hội Nông dân xã triển khai nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.