Ăn thuần chay có tránh được máu nhiễm mỡ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người ăn thuần chay nếu chỉ kiêng thực phẩm có nguồn gốc động vật nhưng ăn nhiều thực phẩm chiên xào, chứa chất béo chuyển hóa vẫn có khả năng rối loạn lipid máu (mỡ máu).
 
Liệu ăn thuần chay có tránh được máu nhiễm mỡ? Ảnh: SHUTTERSTOCK
Liệu ăn thuần chay có tránh được máu nhiễm mỡ? Ảnh: SHUTTERSTOCK
Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy, Phó trưởng cơ sở 3, Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, cho biết: Lipid máu nôm na được gọi là “mỡ máu”, là một thành phần quan trọng trong cơ thể. Lipid máu gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng và thường được xét nghiệm nhiều nhất là Cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, HDL-cholesterol, Triglyceride.
Trong ăn uống, còn nhiều quan niệm chưa đúng về chế độ ăn uống làm tăng hoặc giảm mức lipid máu. Một số người chuyển sang chế độ ăn thuần chay như một cách để kiểm soát mức cholesterol trong máu. Tuy nhiên, theo bác sĩ Xuân Thy, người ăn thuần chay vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh máu nhiễm mỡ. Bởi chế độ ăn uống làm tăng mức cholesterol trong máu là chế độ ăn có chứa nhiều chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa.
Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo được hình thành bằng phương pháp hydro hóa dầu ăn, phương pháp này thường xảy ra trong quá trình chiên, xào thức ăn…
 
Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo được hình thành bằng phương pháp hydro hóa dầu ăn. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo được hình thành bằng phương pháp hydro hóa dầu ăn. Ảnh: SHUTTERSTOCK
“Ngoài ra, chất béo chuyển hóa độc hại này còn thường có trong các loại thực phẩm chế biến sẵn: Các loại thực phẩm đóng hộp, các đồ ăn nhanh, khoai tây chiên, gà chiên, thịt chiên…”, bác sĩ Phương lưu ý.
Chất béo chuyển hóa cũng tồn tại trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên như các loại thịt động vật.
Chất béo bão hòa được xếp vào nhóm chất béo xấu, tương tự như chất béo chuyển hóa. Các chuyên gia y tế cho rằng một chế độ ăn có nhiều chất béo bão hòa sẽ làm tăng cholesterol xấu (LDL-c) và giảm cholesterol tốt (HDL-c) trong máu, là nguy cơ cho các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng.
Chất béo bão hòa thường có ở thức ăn nguồn gốc động vật, đặc biệt là mỡ, da, phủ tạng động vật như bò, heo, gà, vịt, ngỗng, cừu, trâu, dê…. Các loại thực phẩm khác có nhiều chất béo bão hòa như: Bơ, kem, pho mát, các sản phẩm chế biến từ sữa nguyên béo… và từ một số thực vật như dừa, sữa dừa, dầu dừa, dầu cọ, bơ thực vật, ca cao và các loại cây dầu.
Như vậy, người ăn chay nếu chỉ kiêng các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật giúp hạn chế chất béo bão hòa, mà không kiêng cữ các loại thực phẩm chiên xào dầu mỡ chứa nhiều chất béo chuyển hóa thì người ăn chay vẫn có khả năng rối loạn lipid máu.
Cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng
Bác sĩ Xuân Thy khuyến cáo để giảm nguy cơ rối loạn lipid máu nên duy trì một chế độ ăn ít chất béo bão hòa kiêng các loại mỡ, da, phủ tạng động vật, dùng dầu thực vật thay mỡ động vật, hạn chế chiên xào mà thay bằng hấp, luộc…, tăng cường thực phẩm nguồn gốc thực vật trái cây, rau củ, các loại hạt, các loại đậu, uống đủ nước, vận động đầy đủ, không hút thuốc lá và sinh hoạt điều độ, đó là một chế độ ăn uống khỏe mạnh.
“Việc kiêng cữ tuyệt đối các loại thực phẩm nguồn gốc động vật có thể gây thiếu một số chất cần thiết đối với cơ thể: Sắt, vitamin B12, kẽm, canxi, iod, protein, omega-3… Do đó khi muốn chuyển sang chế độ ăn chay để giảm mỡ máu, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng”, bác sĩ Thy nhấn mạnh.
Theo Vân Phương (TNO)

Có thể bạn quan tâm