Ảm đạm chợ huyện Ia Grai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tọa lạc ở vị trí đắc địa nhưng chợ huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) lại rơi vào cảnh ế ẩm triền miên. Chợ có diện tích hơn 11.000 m2 với tổng số 180 lô, nhưng trên thực tế số lô đang hoạt động ít hơn số đăng ký rất nhiều. Tình trạng tiểu thương bỏ lô sạp để ra phía đường bên cạnh chợ thuê mặt bằng kinh doanh càng lúc càng nhiều. Có những lô trong nhà lồng trước kia là mặt tiền thì nay sử dụng làm kho hàng, che khuất các lô phía trong nên việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn.

Dạo quanh chợ mới thấy cảnh mua bán ở chợ vô cùng ảm đạm. Hàng thực phẩm tươi sống, hàng đồ khô lác đác khách mua, còn hàng quần áo, giày dép thì cả buổi không ai đi ngang qua. Theo nhiều hộ kinh doanh lâu năm tại chợ cho biết, việc quy hoạch lô sạp không được quy củ, hàng khô, hàng thịt, hàng cá, hàng rau khá lộn xộn.

Bà Trần Thị Đào cho hay: Cách đây chừng 3 năm, khu bán thịt có hơn 20 người bán, hiện chỉ còn 7 người; 10 người bán cá cũng đã nghỉ. “Họ bỏ sạp ra mấy đường bên hông chợ thuê mặt bằng để bán. Mấy năm trước, mỗi ngày, tôi bán 2 con heo (tương đương khoảng hơn 1 tạ thịt heo), giờ thì ngày bán chưa tới 40-50 kg. Chúng tôi đã kiến nghị Ban Quản lý chợ về việc này. Lâu lâu có Đội quản lý trật tự đô thị và môi trường đi dẹp tình trạng mua bán dưới lòng lề đường, bắt xe đậu đỗ sai quy định, nhưng cũng không thể ngăn được các hộ kinh doanh thuê mặt bằng mua bán trong nhà. Đã có chợ thì các hộ kinh doanh phải vào chợ, chứ không thể để người bán hàng tươi sống ngồi ngoài đường được”-bà Đào nói.

Nhiều quầy sạp trong chợ huyện Ia Grai bỏ trống được người bán sử dụng làm kho, chỗ vứt rác. Ảnh: V.T

Nhiều quầy sạp trong chợ huyện Ia Grai bỏ trống được người bán sử dụng làm kho, chỗ vứt rác. Ảnh: V.T

Bà Vũ Thị Phường-hộ kinh doanh hàng quần áo-chia sẻ: “Nhiều ngày, tôi ngồi tới trưa mà không có một người nào vào xem hàng. Trung bình mỗi ngày kiếm 100-200 ngàn đồng chẳng đủ để chi phí sinh hoạt trong gia đình. Nhiều người bán ế quá treo bảng sang quầy nhưng chẳng ai dám vào, đành đóng cửa bỏ không”.

Bà Phường cho biết thêm, trước mặt lô của bà bán ngày trước là đường đi rất thoáng, khách nhìn vào là thấy luôn, còn bây giờ lại có 1 sạp dùng làm kho chất hàng, đồ đạc, xe cộ để tùm lum. Đó là chưa nói đến công tác vệ sinh ở chợ rất kém, nhiều người không có ý thức cứ phóng uế bừa bãi, còn nhà vệ sinh duy nhất ở chợ thì đã hư hỏng và đóng cửa từ lâu. Nhiều khi, bà cũng muốn đóng sạp nhưng rồi nghĩ đến số tiền đã đầu tư vào hàng hóa nên đành ra chợ hàng ngày, bán được đồng nào hay đồng đó.

Tương tự, quầy hàng thực phẩm khô của bà Nguyễn Thị Thống cũng bị che khuất bởi các quầy sạp bên cạnh đã ngừng kinh doanh và tận dụng làm chỗ chất hàng. “Bây giờ, tôi chỉ trông chờ vào mối sỉ là các quán ăn, chứ khách lẻ họ đến mua ở các cửa hàng bên hông chợ. Ngày trước, tôi bán được khoảng chục triệu đồng/ngày. Còn bây giờ mỗi ngày được 2 triệu đồng là mừng lắm rồi”-bà Thống nói.

Việc chợ xuống cấp, hàng hóa không nhiều đã hình thành thói quen mua bên ngoài. Bà Huỳnh Thị Thu Hoài (tổ 3, thị trấn Ia Grai) cho hay: “Bây giờ, hàng hóa, thực phẩm tươi sống người ta bán đầy hai bên đường, khá tiện để mua. Nhiều khi, tôi chỉ mua có bó rau hay con cá mà phải gửi xe, rồi lội vào trong chợ thì rất mất công. Mùa nắng vào chợ còn đỡ, chứ mùa mưa nhếch nhác, hôi hám vô cùng”.

Tất cả các cổng ra vào chợ không hề có một bảng hiệu nào. Ảnh: V.T

Tất cả các cổng ra vào chợ không hề có một bảng hiệu nào. Ảnh: V.T

Ông Đỗ Xuân Hồi-Phó Trưởng ban Quản lý chợ Ia Grai-cho biết: Gần đây, một số hộ đã chuyển hướng kinh doanh, số khác dọn ra ngoài đường bày bán nên chợ mới thưa thớt người mua. Theo quy định, hộ kinh doanh được cấp phép thì có quyền hoạt động mua bán theo đúng đăng ký. Hầu hết các hộ ra thuê mặt bằng ở các tuyến đường xung quanh chợ đều làm thủ tục này để đối phó. Do đó, lực lượng chức năng chỉ có thể xử lý khi những hộ này mua bán lấn chiếm lòng lề đường, chứ không thể buộc họ dừng kinh doanh để chuyển vào chợ. Đây là vấn đề khó mà nhiều năm rồi chưa thể giải quyết được.

“Vừa rồi, lực lượng Công an đã triển khai cho các hộ ký cam kết không mua bán lấn chiếm vỉa hè để từng bước đưa hoạt động này đi vào nền nếp. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền lợi cho những hộ kinh doanh trong chợ, chính quyền địa phương cũng đã xây dựng các kế hoạch kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán khu vực chợ huyện”-ông Hồi cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

(GLO)- Mạng lưới giao thông kết nối đang được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường đến vùng khó đang dần hoàn thiện mang đến cơ hội phát triển, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.