9X đam mê nông nghiệp sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đang là Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Thống Nhất (TP. Pleiku), anh Đinh Quang Tuấn bất ngờ xin nghỉ công tác về nhà khởi nghiệp bằng nghề trồng rau sạch. Đến nay, nhóm của anh đã xây dựng được một cơ sở trồng rau sạch rộng 1.000 m2, mỗi tháng thu nhập vài chục triệu đồng. 
Bỏ việc nhà nước về làm nông
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Đinh Quang Tuấn (SN 1992, trú tại tổ 2, phường Thống Nhất) viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Năm 2013, anh xuất ngũ trở về tham gia công tác Đoàn ở địa phương. Qua quá trình phấn đấu, anh được kết nạp vào Đảng, rồi được bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Thống Nhất. Đến khi vợ sinh con, anh xin nghỉ việc ra làm ngoài để có thu nhập tốt hơn.
 Anh Đinh Quang Tuấn (bìa trái) giới thiệu mô hình trồng dưa leo mini Nhật Bản với khách tham quan. Ảnh: N.S
Anh Đinh Quang Tuấn (bìa trái) giới thiệu mô hình trồng dưa leo mini Nhật Bản với khách tham quan. Ảnh: N.S
Công việc anh Tuấn chọn là thi công nhà lồng cho những trang trại trồng rau sạch hoặc những hộ chơi phong lan. Để phục vụ công việc, anh thường xuyên lên mạng internet cập nhật thông tin về kỹ thuật, phương pháp, quy cách, tiêu chuẩn mới. Trong quá trình này, anh bắt đầu chú ý đến mô hình trồng rau thủy canh. Ngoài kiến thức trên mạng, anh còn bỏ công tìm đến những người có nhiều kinh nghiệm trồng rau thủy canh để học hỏi. Sau khi đã nắm vững kỹ thuật, anh bàn với gia đình về việc xây nhà lồng để trồng rau thủy canh nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt.
Không nản chí, anh kiên trì thuyết phục và cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho mượn mảnh đất để làm nhà lồng. Khó khăn này vừa vượt qua thì khó khăn khác lại xuất hiện. “Khi đó, trong tay tôi chỉ có 70 triệu đồng, một số người bạn ủng hộ ý tưởng đã góp thêm 70 triệu đồng nữa nhưng khi thiết kế nhà lồng, chi phí đội lên đến 350 triệu đồng. Chúng tôi đang lo lắng không biết tìm đâu ra nguồn bù vào thì may mắn là gia đình đã cho mượn bìa đỏ để đi vay ngân hàng”-anh Tuấn kể.
Tháng 9-2017, cơ sở sản xuất rau sạch bằng phương pháp thủy canh trong nhà lồng rộng 400 m2 của nhóm anh Tuấn bắt đầu đi vào hoạt động, chủ yếu trồng rau muống, xà lách và các loại rau cải đang được ưa chuộng trên thị trường. Bình quân mỗi tháng, cơ sở xuất ra thị trường 1 tấn rau các loại với giá khoảng 40.000 đồng/kg, sản phẩm đã được khách hàng đánh giá cao vì không có hóa chất. Ban đầu, khách hàng của anh chủ yếu là những người thân quen, một số đại lý bán rau sạch trên địa bàn TP. Pleiku. Sau đó, để hỗ trợ tối đa cho việc kinh doanh, nhóm của anh đã tạo nhiều kênh bán hàng thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo nên dần dần lượng khách hàng được mở rộng, mang lại thu nhập cao hơn cho các thành viên.
Đa dạng hóa sản phẩm
Sau một thời gian sản xuất rau thủy canh, nhóm anh Tuấn bắt đầu cảm thấy khó khăn mới nảy sinh. Đó là quy mô cơ sở nhỏ, sản phẩm còn đơn điệu nên chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ngoài ra, đối với khách nhỏ lẻ ở xa thì việc giao hàng không mang lại lợi nhuận do chi phí xăng xe cao. Vì thế, dù sản phẩm của nhóm được đánh giá cao song vẫn chưa thắng nổi rau chợ, khiến việc kinh doanh đi vào bão hòa và giảm dần theo thời gian.
Trang trại rau thủy canh của anh Tuấn. Ảnh: N.S
Trang trại rau thủy canh của anh Tuấn. Ảnh: N.S

Ngày 21-1-2020, sản phẩm dưa leo mini Nhật Bản của anh Đinh Quang Tuấn được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Lâm Đồng) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Không đầu hàng khó khăn, anh Tuấn quyết tâm tìm hướng cải thiện tình hình. Một thời gian sau, anh quyết định làm thêm một nhà lồng để trồng dưa leo mini Nhật Bản, là sản phẩm đang rất được ưa chuộng trên thị trường. Theo lý giải của anh Tuấn, mặt hàng dưa leo sẽ hỗ trợ cho việc bán rau cũng như cải thiện vấn đề giao hàng ở những nơi xa. Nghĩ là làm, nhờ một người quen cho mượn đất, tháng 11-2019, nhà lồng trồng dưa leo mini Nhật Bản với diện tích 600 m2 đã đi vào hoạt động. Ngay vụ đầu tiên, anh Tuấn đã thu được trên 2 tấn dưa leo. Với giá từ 25.000 đồng/kg đến 30.000 đồng/kg, vừa bán vừa mời khách ăn thử chào hàng, anh cũng thu về khoảng 25 triệu đồng. Và đúng như tính toán của anh, rau sạch của cơ sở cũng vì thế mà tiêu thụ tốt trở lại.
Theo anh Tuấn, việc trồng dưa leo mini Nhật Bản không hề khó, chỉ tốn nhiều công chăm sóc. Cụ thể, hạt giống sau khi ươm đưa vào trồng trong giá thể chỉ 35 ngày là cho thu hoạch, mỗi chi của cây có từ 8 đến 12 trái. Thời gian thu hoạch dưa kéo dài liên tục trong 30 ngày. Chưa bằng lòng với thực tại, anh Tuấn đang lên kế hoạch liên kết với những trang trại trồng thực phẩm sạch khác trên địa bàn để thành lập hợp tác xã nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phong phú của người tiêu dùng.
Nói về sản phẩm dưa leo mini Nhật Bản do cơ sở của anh Tuấn sản xuất, bà Nguyễn Thị Hương-chủ một cửa hàng trái cây sạch ở TP. Pleiku-nhận xét: “Sản phẩm này hết sức lạ mắt, ăn có độ giòn, vị thơm mát, ngọt dịu, rất ngon và có thể chế biến được nhiều món. Do sản phẩm không có chất kích thích và thuốc trừ sâu nên có thể bảo quản trong thời gian dài, được các bà nội trợ rất ưa chuộng”.
 NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.