6 siêu trái đất "địa ngục" có trái tim sắt tiết lộ bí ẩn hành tinh chúng ta

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những thế giới nóng bỏng, lạ lùng cách chúng ta 160 đến 440 năm ánh sáng có thể là chìa khóa để con người hiểu thêm về cách trái đất đã hình thành.

 

Các nhà khoa học từ Đại học Open (Anh) tuyên bố họ đã tìm ra cách để phân tích địa chất những ngoại hành tinh đặc biệt mà họ sàng lọc từ dữ liệu của Đài thiên văn Vũ trụ Châu Âu đặt tại Chile.

6 hành tinh được chọn là những "siêu trái đất" với kết cấu chủ yếu là đá và một "trái tim" sắt. Nói cách khác, chúng thuộc dạng hành tinh đá giống như trái đất, Sao Thủy, Sao Kim hay Sao Hỏa.

 

Một trong các 6 hành tinh đá lõi sắt được mô tả trong nghiên cứu - ảnh: THE OPEN UNIVERSITY
Một trong các 6 hành tinh đá lõi sắt được mô tả trong nghiên cứu - ảnh: THE OPEN UNIVERSITY



6 ngoại hành tinh này đều là những "thế giới địa ngục", với nhiệt độ bề mặt 1.100 – 1.800 độ C, quay rất gần những ngôi sao mẹ mang tên DMPP-1 cách chúng ta 202 năm ánh sáng, DMPP-2 cách 440 năm ánh sáng và DMPP-3 cách 160 năm ánh sáng.

Chính các tính chất này đã giúp các nhà khoa học có thể triển khai các phép đo địa chất cần thiết từ khoảng cách cực xa. Bởi khi một hành tinh quay đủ gần ngôi sao mẹ, có nhiệt độ đến mức "địa ngục", bầu khí quyển của nó sẽ dần bị xói mòn, tạo nên một đám mây khí như màn mỏng bao quanh nó.

Những tấm màn khí này lọc ánh sáng từ các ngôi sao, giúp các nhà thiên văn phát hiện sự tồn tại của chúng dễ dàng hơn. Đồng thời việc phân tích thành phần hóa học của tấm màn khí này cũng tiết lộ về các loại đá trên bề mặt hành tinh.

Độ lớn của chúng cũng là điều đặc biệt, bởi những hành tinh đá có lõi sắt cỡ lớn như trái đất hay Sao Kim, hoặc lớn hơn, là những vật thể khá khó tìm trong vũ trụ.

Vì vậy, việc phân tích địa chất của chúng có thể chính là chiếc chìa khóa để chúng ta hiểu hơn về cách mà trái đất được hình thành, cũng như sự hình thành của các hành tinh đá khác trong Hệ Mặt trời.

Trong số đó, DMPP-1 sở hữu nhiều hành tinh đá nóng có lõi sắt nhất: 3 siêu trái đất lớn hơn hành tinh của chúng ta từ 3-10 lần. Hệ DMPP-1 còn có một hành tinh nữa, quay gần nhất, mang tên DMPP-1b nhưng rất tiếc nó không thuộc dạng mà nghiên cứu này hướng đến.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.

 

A. Thư (NLĐO/Theo Daily Mail, New Scientist)

Có thể bạn quan tâm