Đại diện tỉnh Kon Tum cho biết những ngày qua, người dân rất lo lắng khi trên địa bàn đã xuất hiện 20 trận động đất, song nguyên nhân thế nào thì còn chờ nghiên cứu của các nhà khoa học, trung ương.
|
Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân gây ra các trận động đất nhỏ, động đất kích thích bắt nguồn từ việc tích nước của các hồ chứa thủy điện. Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+ |
Trong 4 ngày, trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã xảy ra liên tiếp 20 trận động đất kích thích, khiến người dân hoang mang, lo lắng. Đây cũng là lần đầu tiên địa phương này xảy ra “liên hoàn động đất” với độ lớn vượt mốc lịch sử, lên tới 4,5.
Dân hoang mang, địa phương lúng túng
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus vào cuối chiều 18/4, ông Nguyễn Văn Lộc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết trong những ngày qua, rất nhiều người dân hoang mang, lo lắng đã gọi điện lên tỉnh hỏi nguyên nhân dẫn tới các trận động đất xảy ra liên tiếp từ ngày 15/4 đến nay.
“Tuy nhiên, nguyên nhân thế nào thì chúng tôi cũng chưa rõ, bởi không có chuyên môn về lĩnh vực này. Vì thế, chúng tôi rất mong có các phân tích, nhận định của các nhà khoa học, cơ quan trung ương, để địa phương sớm đưa ra cảnh báo,” ông Lộc nói và nhấn mạnh rằng ngay trưa nay, thành phố Kon Tum cũng xảy ra rung lắc...
Trước đó, theo ghi nhận của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, từ ngày 15/4 đến nay, trên địa bàn Kon Tum đã xảy ra liên tiếp 20 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,5 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông.
Cụ thể, trong ngày ngày 15/4, tại huyện Kon Plông xảy ra 7 trận động đất với các độ lớn từ 2,7 đến 4,1; ngày 16/4, khu vực này tiếp tục xảy ra 2 trận động đất; ngày 17/4 xảy ra 5 trận động đất. Trong ngày hôm nay (18/4), khu vực huyện Kon Plông tiếp tục xảy ra 5 trận động đất, trong đó trận động đất xảy ra vào hồi 12 giờ 54 phút trưa nay, đã tăng độ lớn lên tới 4,5 - vượt mốc lịch sử, tính từ năm 1993 đến nay.
Nói về các trận động đất trên, chuyên gia động đất Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết đây là hiện tượng động đất kích thích, do hoạt động của con người gây ra, cụ thể là hoạt động của thủy điện.
Theo ông Phương, hiện tượng động đất kích thích trên xảy ra khá phổ biến. Thông thường, khi thủy điện hoạt động thì phải thực hiện tích nước hồ chứa để vận hành phát điện. Nếu lòng hồ nằm trên khu vực có những đứt gãy - tức là những vết nứt trên vỏ rắn vỏ Trái Đất và vẫn có hoạt động lẻ tẻ thì sẽ gây ra động đất.
Cũng theo ông Phương, động đất kích thích không phải tự nhiên gây ra mà do những tác động dồn nén do con người gây ra do hoạt động thủy điện. Trên thực tế, có nhà máy thủy điện tích nước xong sẽ gây ra động đất, cũng có những nhà máy thủy điện tích nước được một thời gian dài khoảng vài năm, đến khi địa chất phía dưới mất sự cân bằng thì mới nổ ra những trận động đất nhỏ lụp bụp.
|
Trận động đất có độ lớn 4,5 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông trong ngày 18/4. Nguồn: Viện VLĐC |
“Từ xưa đến nay, tất cả những trận động đất kích thích đều không mạnh, không thể gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, con người,” ông Phương chia sẻ.
Cần nghiên cứu, không thể chủ quan
Chia sẻ thêm với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus vào tối 18/4 về diễn biến của “liên hoàn động đất” trên, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu nhấn mạnh các trận động đất xảy ra tại khu vực tỉnh Kon Tum là động đất nhỏ, động đất kích thích. Tuy nhiên, tình trạng động đất đã xảy ra trong một thời gian dài và gần đây bắt đầu có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ.
“Do vậy, nhất thiết cần phải có cảnh báo. Như trường các trường hợp động đất xảy ra ở khu vực Sông Tranh (tỉnh Qảng Nam), chúng tôi cũng đã đặt một số trạm quan trắc, qua đó ghi nhận tình hình động đất có xu thế mạnh lên và có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất đúng như lo lắng của người dân,” ông Xuân Anh nói.
Trước thực trạng trên, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu nhấn mạnh ý kiến đề xuất ban đầu của đơn vị này là các địa phương cần tuyên truyền về phòng chống động đất, để người dân tại các khu vực thường xảy ra động đất có phương án chủ động, phòng tránh.
Tiếp đó, các đơn vị nghiên cứu cần phải đẩy mạnh việc quan trắc cũng như rà soát lại quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện, công trình quan trọng tại các khu vực đang xảy ra các trận động đất nhỏ, để có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể.
“Đơn như tại khu vực huyện Kon Plông, bao năm qua (tính từ năm 1993), động đất có độ lớn lớn nhất là 3,9 nhưng hiện nay đã tăng lên 4,5. Rõ ràng tình hình động đất đã có sự thay đổi so với lịch sử. Hơn thế, mọi thiên tai, động đất thì không thể coi thường. Do vậy, cần phải có nghiên cứu, đánh giá để kịp thời có phương án đối phó, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra,” ông Xuân Anh lưu ý.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cũng cho biết liên quan đến vấn đề trên, dự kiến trong ngày mai, 19/4, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ tổ chức cuộc họp khẩn với các bộ, ngành liên quan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Xây dựng, Viện vật lý địa cầu - Bộ Khoa học và Công nghệ) và các công ty quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, để đưa ra các giải pháp ứng phó..
Theo Hùng Võ (Vietnam+)