15% dân số mắc các rối loạn về tâm thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định: Sức khỏe tâm thần hiện có tầm quan trọng thứ tư, cần được quan tâm sau các bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường. Trên thế giới có hơn 400 triệu người bị mắc một trong các rối loạn tâm thần.

Các hoạt động thể chất phù hợp giúp mỗi người có đời sống tinh thần cân bằng, chất lượng sống tốt hơn SHUTTERSTOCK
Các hoạt động thể chất phù hợp giúp mỗi người có đời sống tinh thần cân bằng, chất lượng sống tốt hơn SHUTTERSTOCK
Chỉ 20% người mắc khám đúng chuyên khoa
Tại Việt Nam, các nghiên cứu, báo cáo cho thấy tỷ lệ dân số mắc bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần là 15%, điển hình như một số bệnh: trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, tự kỷ ở trẻ em, sa sút trí tuệ ở người già… Số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, chỉ khoảng 20% số người mắc bệnh đi khám đúng chuyên khoa.
Th.S-BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, nhìn nhận: “Ít người đi khám tâm thần do hầu hết cho rằng mình chỉ bị mỏi mệt cơ thể, căng thẳng, chứ không phải mắc bệnh liên quan tới tâm thần, hoặc mắc bệnh liên quan tới tâm thần song không quá quan trọng, không đáng quan tâm”.
“Nhiều người còn lo ngại nếu mình bị bệnh sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội xung quanh. Vì vậy, họ chọn cách giấu bệnh, không đi khám, chữa đúng chuyên khoa tâm thần. Hoặc nhiều người chưa hiểu đầy đủ về bệnh, họ cho rằng tâm thần phải là “điên”, đi lang thang ngoài đường, do đó thường e ngại khi đi khám chuyên khoa tâm thần”, BS Thắng cho biết.
“Không nên định kiến về bệnh tâm thần. Chỉ như vậy, vấn đề về sức khỏe tâm thần mới có thể được điều trị đúng, giúp cho cuộc sống có chất lượng tốt hơn. Bệnh tâm thần có thể chữa khỏi hoặc thuyên giảm tốt nếu được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách”, BS Thắng chia sẻ.
Cảnh báo sức khỏe tâm thần của cư dân hiện đại
BS Trần Quyết Thắng cũng cho hay: Tại Hà Nội, qua thực tế khám và điều trị cho người bệnh, nhận thấy có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như: áp lực công việc, áp lực gia đình, stress...
Với giới trẻ, bệnh lý tâm thần có thể dễ dàng mắc phải do sử dụng các loại ma túy tổng hợp. Đáng lưu ý, sự cô lập với trẻ nhỏ, thói quen sử dụng internet quá nhiều của các gia đình cũng là yếu tố có thể gây nên một số chứng bệnh về tâm thần như: rối loạn chú ý, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn sự thích ứng, trầm cảm ở trẻ.
“Người trẻ, khi gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần nếu không được điều trị bệnh kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ học sớm, vi phạm pháp luật, lạm dụng chất kích thích, chất gây nghiện, thậm chí nghĩ đến chuyện tự tử”, BS Thắng lưu ý.
Theo chuyên gia về sức khỏe tâm thần, gia đình của người bệnh cần hiểu rõ về bệnh tâm thần, tích cực hỗ trợ người thân tham gia chữa bệnh nếu mắc phải; tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người bệnh. Chấp nhận hành vi, cảm xúc dị thường của người bệnh, tỏ rõ tình yêu thương với người bệnh. Cần kiên trì, giúp đỡ, không giận dữ với người bệnh, giúp người bệnh phục hồi chức năng tâm lý xã hội và chức năng lao động nghề nghiệp.
Mỗi người dân ngoài cộng đồng cũng nên đề phòng mắc các rối loạn tâm thần bằng cách: Duy trì lối sống lành mạnh; không hút thuốc lá; không sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện; hạn chế sử dụng bia rượu. Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, hòa đồng, làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý. Tăng cường hoạt động thể chất là một trong những yếu tố quan trọng giúp phòng chống các chứng rối loạn tâm thần hiệu quả.
Tăng cường đầu tư vào sức khỏe tâm thần
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe; trong đó, sức khỏe tâm thần không chỉ là không mắc các rối loạn về tâm thần, mà còn bao hàm trạng thái tâm lý cân bằng, thoải mái mà một cá nhân có khả năng nhận thức và đạt được, từ đó có khả năng đối phó với những áp lực thông thường của cuộc sống, khả năng làm việc hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng.
WHO cũng nhấn mạnh: Sức khỏe tâm thần có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý xã hội, như chiến tranh, bệnh dịch, nạn đói, di cư, biến đổi khí hậu… Rối loạn tâm thần bao gồm: trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần khác, mất trí nhớ, thiểu năng trí tuệ và rối loạn phát triển bao gồm tự kỷ. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở nhóm tuổi 15 - 29.
Ngày 10.10 hằng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới. Năm nay, với những ảnh hưởng và thay đổi đáng kể do đại dịch Covid-19 gây ra trên toàn cầu, cuộc sống của nhiều người trong chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thách thức không chỉ về kinh tế hay tài chính, mà còn về tinh thần, tâm lý, niềm tin yêu hay hy vọng trong chính mỗi người.
Theo WHO, nhu cầu về hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới. Đầu tư vào các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần ở mỗi quốc gia cần được lưu tâm hơn bao giờ hết. Đó cũng là lý do khiến WHO đã chọn chủ đề của ngày 10.10 năm nay là: “Tăng cường đầu tư vào sức khỏe tâm thần”. 
Phương An
Theo Liên Châu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.