Gừng chết, nông dân "đứng ngồi không yên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ còn 2 tháng nữa là đến kỳ thu hoạch nhưng nhiều hộ nông dân ở huyện Ia Grai trồng gừng theo hợp đồng với Công ty cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam đang đứng ngồi không yên khi gừng chết hàng loạt.

Cuối tháng 3-2017, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Ia Grai đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu gừng với Công ty cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Đak Lak. Theo nội dung hợp đồng, Công ty sẽ cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân này. Các hộ dân thanh toán trước 50% số tiền, 50% còn lại sẽ trả nốt sau khi thu hoạch.

 

Nông dân kiểm tra các bao gừng còn sống sót.                       Ảnh: P.L
Nông dân kiểm tra các bao gừng còn sống sót. Ảnh: P.L

Hợp đồng cũng nêu rõ, giống gừng Công ty cung cấp đảm bảo đạt tiêu chuẩn với sản lượng tối thiểu là 2,5 kg/bao, nếu không đủ sẽ bù vào để đạt sản lượng tối thiểu. Toàn bộ sản lượng gừng trồng sẽ được thu mua với giá 18.000 đồng/kg và không phân loại. Bên cạnh đó, Công ty cũng cam kết, trong 3 tháng đầu nếu gừng bị bệnh, chết thì sẽ cung cấp thêm giống, phân bón cho các hộ  mà không phải bỏ thêm khoản chi phí nào.

Sau khi hợp đồng được ký, phía Công ty đã cung ứng giống gừng, vật tư như thỏa thuận. Các hộ đã trồng và chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của Công ty. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng, gừng bắt đầu có dấu hiệu chết. Đến nay, một số diện tích gừng đã chết hàng loạt, không còn khả năng cứu vớt. Liên lạc với phía Công ty, các hộ chỉ nhận được câu trả lời chung chung kèm với lời hứa. Ông Nguyễn Văn Thảo (tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với phía Công ty, tuy nhiên lúc gọi được lúc không. Khi liên lạc được thì cũng chỉ nhận được lời hứa của Công ty sẽ qua xem xét. Bên cạnh đó, phía Công ty còn hứa nếu năm sau tiếp tục trồng thì sẽ cung cấp giống và vật tư mà gia đình không phải bỏ thêm khoản chi phí nào. Còn nguyên nhân vì sao gừng chết thì chỉ được trả lời chung chung là có thể do kỹ thuật không đảm bảo, giống không đạt, thời tiết mưa nhiều”.

Nhìn tiền của, công sức nhiều tháng trời “đổ sông đổ bể”, các hộ nông dân không khỏi xót xa. Các hộ này cho biết, khi gừng mới có dấu hiệu chết, Công ty chỉ cho 1-2 đợt thuốc để phun, sau đó phải tự bỏ tiền mua. Tuy nhiên, gừng vẫn cứ chết. Hiện tại, những bao gừng còn sống tuy đã được 6-7 tháng nhưng sản lượng ước chỉ đạt 0,8-1 kg/bao. Số lượng gừng còn sống đến thời điểm hiện tại cũng chẳng còn bao nhiêu. Được biết, chi phí mà các hộ phải bỏ ra để đầu tư cho mỗi bao gừng là hơn 21 ngàn đồng, chưa kể công trồng và chăm sóc. Ông Thảo cho biết thêm: “Gia đình tôi đã vay ngân hàng 250 triệu đồng để đầu tư trồng 20.000 bao gừng và đã chuyển cho Công ty 140 triệu đồng. Gia đình cũng đã bỏ thêm 10 triệu đồng để mua thuốc phun cho gừng. Ngoài tiền thì công trồng và chăm sóc chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều”.

Trên địa bàn huyện Ia Grai có khoảng 10 hộ ký hợp đồng trồng gừng với Công ty cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam, tập trung ở thị trấn Ia Kha, Nông trường Ia Grai và xã Ia Sao. Chỉ còn 2 tháng nữa là đến kỳ thu hoạch nhưng người dân lo lắng diện tích gừng còn lại có thể “trụ” được tới lúc đó? Ngoài ra, người dân cũng đang lo không biết doanh nghiệp có thu mua sản phẩm như đã cam kết trong hợp đồng?

Minh Thoan-Phương Lộc

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.