Những con đường cổ kết nối An Khê với Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thị xã An Khê là nơi mà những lưu dân người Việt đầu tiên đến định cư tại khu vực Bắc Tây Nguyên nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên nói chung.

Vậy khi lên An Khê lập nên 2 ấp Tây Sơn nhất (An Khê) và Tây Sơn nhì (Cửu An), họ đi theo con đường nào để vượt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ? Phải chăng họ vượt qua đèo Mang (đèo An Khê ngày nay) hiểm trở, hay đi thẳng vào Phú Yên để vượt qua đèo Tô Na ngày nay rồi vòng xuống An Khê? Qua khảo sát điền dã và những sử liệu phát hiện gần đây, chúng ta dần có được câu trả lời xác đáng.

 

Đèo An Khê.  Ảnh: K.N.B
Đèo An Khê. Ảnh: K.N.B

Từ thế kỷ XVIII trở về trước đã hình thành con đường Thượng đạo đi từ Bắc vào Nam qua ấp Tây Sơn, trở thành đầu mối giao thông từ Nam ra Bắc, từ rừng xuống biển. Vào năm 1776, Lê Quý Đôn đã viết: “Các đường bộ chính từ Thượng đạo đến Trung đạo và Hạ đạo, từ núi Đồng Bò liền Tuần Cũ xuống đến đèo Bến Đá nửa ngày, lại đến Luật Dương 1 ngày, đến công trường Đồng Duệ nửa ngày, lại đến Đồng Hươu quá nửa ngày. Đồng Hươu đến Cầu Bông (An Khê ngày nay) 2 ngày. Đồng Hươu đến Tây Sơn 1 ngày, Tây Sơn xuống đường cái giáp Quán Lạc cũng 1 ngày”.

Khi lên xuống vùng Thượng và Hạ đạo để trao đổi hàng hóa, người dân nơi đây còn lưu truyền câu ca:
Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên.

Ngoài con đường vượt đèo Mang, tại Tây Sơn nhì (hiện là xã Cửu An, thị xã An Khê ngày nay) người dân nơi đây còn nhớ như in tên 3 con đường cổ nối với vùng hạ nguồn gắn với tên 3 địa danh: đèo Hố Thị, Vạn Tuế, Dốc Ván (theo tiếng địa phương là Dán).

Trước kia, đường bộ theo chiều Bắc-Nam qua phủ Quy Nhơn có hai con đường. Đường Thiên Lý đi theo miệt đồng bằng xuyên qua các làng xã gọi là đường Hạ đạo-tiền thân của quốc lộ 1 ngày nay. Năm 1672, ở Đàng Trong, chúa Nguyễn đã đặt các trạm giao thông và quy định thể lệ vận chuyển bằng các phương tiện thủy, bộ. Vì thế, đường Thiên Lý được hình thành đi qua phủ Quy Nhơn, nối với phía Bắc là phủ Quảng Ngãi-nơi đặt quán Bến Đá; phía Nam là phủ Phú Yên-nơi đặt quán ở chân đèo Trương Ninh.

Từ Bắc vào Nam, khách bộ hành đi qua các quán sau: Phía Bắc tiếp giáp với Quảng Ngãi, vào Nam giáp Phú Yên mất 5 ngày rưỡi đi bộ qua các quán: Bến Đá, Bồ Đề, Phủ Cũ, Quán Tre, Lang Kha, Quán Chùa, Quán Mới, Canh Hàn, Phú Bình, cuối cùng là chân đèo Trương Ninh giáp giới Phú Yên.

Theo Lê Quý Đôn: “Đường Thượng đạo, từ Bến Đá (Quảng Ngãi), qua các nguồn: Đồng Duệ, Đồng Hươu, Cầu Bông, ấp Tây Sơn Thượng đến Quán Lạc mất 6 ngày”. Con đường Thượng đạo đi qua nguồn: Cầu Bông, ấp Tây Sơn nhất và ấp Tây Sơn nhì mà Lê Quý Đôn đề cập để kết nối với Tây Sơn Hạ đạo phải vượt qua đèo Mang, nay là quốc lộ 19, kết nối với Duyên hải miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên, cũng như Đông Bắc Campuchia.

Từ các con đường cổ mà những lưu dân đầu tiên đến khai hoang, lập nghiệp để xây dựng nên vùng đất An Khê giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Con đường cổ năm xưa, nay được thay thế bằng quốc lộ 19, trở thành tuyến đường giao thương quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương, là điều kiện và cơ hội để lịch sử, văn hóa Tây Nguyên nói chung và An Khê nói riêng có điều kiện giao lưu, phát triển và lan tỏa.

Th.s Nguyễn Hồng Thắng

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.