Dân khổ vì ô nhiễm môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 2 năm qua, gần 20 hộ dân ở tổ dân phố 12 và tổ dân phố 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku phải sống chung với mùi hôi bốc lên từ rác và nước thải do khu chế biến của dịch vụ tiệc cưới Hoàng Ánh gây ra. Sau khi nhận được trình báo của người dân, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường trên vẫn chưa được cải thiện.

Khổ vì ô nhiễm

Dịch vụ tiệc cưới Hoàng Ánh có địa chỉ số 20, đường Vạn Kiếp, có khu vực chế biến thực phẩm nằm quay mặt ra hẻm số 14 (nằm giữa tổ dân phố 7 và tổ dân phố 12). Hàng ngày, tại đây có khoảng hơn 20 lao động chuyên việc nấu nướng, rửa chén bát, giặt khăn màn.

 

Rác chất thành đống ngay trước khu chế biến thức ăn. Ảnh: H.T
Rác chất thành đống ngay trước khu chế biến thức ăn. Ảnh: H.T

Bên trong khu chế biến là ngổn ngang các thùng cá, xoong nồi, bát đĩa đợi xử lý được chất thành từng đống lớn. Phía trước khu chế biến là đống rác chất cao, bao gồm cả rác mới thải và lượng rác đã lâu ngày mà theo người dân do rác thải quá nhiều nên công nhân môi trường không thể dọn hết gây ứ đọng làm sinh sôi ruồi, muỗi. Bên cạnh đó, trên nền mặt con hẻm, nước thải từ khu chế biến tràn lên đen ngòm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân xung quanh.

Anh N.T. nhà cạnh khu chế biến bức xúc: “Ngày nào gia đình tôi cũng phải hứng chịu tiếng ồn từ sự va chạm của xoong nồi, chén bát, tiếng máy xay thịt, tiếng còi xe ô tô tải ra vào và mùi hôi bốc lên từ nước và rác thải. Đã lâu rồi gia đình tôi không dám mời bạn bè về chơi vì trong nhà lúc nào cũng bị mùi hôi, bụi than và ruồi muỗi. Các con của tôi 2 năm nay cũng liên tục mắc các bệnh về đường hô hấp phải thường xuyên đi bệnh viện khám và lấy thuốc về uống”.

Không chỉ riêng những hộ sống xung quanh khu chế biến Hoàng Ánh mà những hộ dân sống dọc suối Ia Linh cũng bức xúc vì thời gian gần đây, dòng suối bị ô nhiễm nặng bởi rác và nước thải từ dịch vụ tiệc cưới này và một số cơ sở sản xuất nhựa xung quanh thải ra.

Ông T.M.C. ở tổ dân phố 7 cho biết: Trước đây, nước ở dòng suối này rất trong nhưng từ ngày mở miệng cống thoát nước từ khu chế biến Hoàng Ánh chảy ra suối, bao nhiêu nước bẩn đều đổ ra khiến nước đổi màu và hôi tanh. Nhiều lúc cả gia đình đang ăn cơm hay lúc đang ngủ trưa cũng phải bật dậy dời đi chỗ khác vì mùi hôi tanh bốc lên từ suối”.

Không những thế, hầu hết các hộ dân ở xung quanh dòng suối Ia Linh đều sử dụng nước giếng. Song kể từ khi dòng suối này bị ô nhiễm nước được lấy từ giếng lên để một lúc thấy rêu xanh và cặn bã đọng lại ở đáy thau và có mùi tanh. Chỉ tay về phía hai bình lọc nước, một bình ghi chú thích “nước không được uống” bà N.T.D. tổ dân phố 7 than thở: Nước giếng nhà tôi trước đây trong và sạch, chỉ cần nấu sôi lên và lọc qua một lần là có thể dùng. Nay nước giếng không còn đảm bảo vệ sinh nữa nên chúng tôi đành phải mua thêm một bình lọc nước để lọc hai lần rồi mới dám sử dụng nhưng vẫn không yên tâm”.

Dòng suối bị ô nhiễm cũng khiến cho nhiều hộ dân không dám dùng nước suối tưới rau và không dám lội suối bắt cá. Ông T.Đ.G. tổ 12 buồn rầu: “Ngày trước, tôi thường xuyên bắt cá, ngày ít cũng được vài ba ký, ngày nhiều cũng bắt được ít nhất 6 kg cá trắng. Nhưng gần một năm nay, tôi không dám bước xuống suối nữa vì có xuống suối cũng không có cá để bắt mà lúc lên về chân tay tôi lại bị lở loét”.

Cần xử lý triệt để

Không chỉ lo ô nhiễm môi trường, người dân ở đây còn nghi ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của dịch vụ này khi thức ăn được chế biến ngay bên cạnh rác và nước thải dơ bẩn. Bên cạnh đó, người dân còn phản ánh cơ sở này còn lấn chiếm cả một con hẻm rộng 2 mét (vuông góc với hẻm số 14, đường Vạn Kiếp) do Nhà nước quy hoạch phía sau dãy nhà từ số nhà 16 (nhà bà Sương) đến số nhà 24 (nhà ông Hùng).

Đặc biệt, chủ dịch vụ này còn cho người đào thêm một con mương để dẫn nước thải và đấu nối vào mương của con đường dẫn ra suối Ia Linh làm hẹp con đường gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

“Chúng tôi đã gửi đơn lên UBND phường Thống Nhất và Đội Cảnh sát Môi trường Công an TP. Pleiku trình báo sự việc. Mấy ngày sau, UBND phường có xuống kiểm tra, nhắc nhở, Đội Cảnh sát Môi trường đã về làm việc nhưng đến nay chưa trả lời sẽ xử lý như thế nào”- ông N.T. tổ 7 bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Tứ- Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết: Sau khi nhận đơn, chúng tôi đã báo cáo sự việc lên Công an TP. Pleiku và Phòng Y tế TP. Pleiku. Hiện tại, chúng tôi đã có kết quả về việc chủ dịch vụ tiệc cưới Hoàng Ánh gây ô nhiễm môi trường sau khi Đội Cảnh sát Môi trường TP. Pleiku về kiểm tra và tiến hành xử phạt hành chính đối với cơ sở này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tiến hành xác minh và có kết quả về việc người dân tố cáo chủ dịch vụ này lấn chiếm con hẻm đã được Nhà nước quy hoạch. Tuy nhiên, đối với vấn đề cơ sở này chế biến thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì chúng tôi không có dụng cụ để kiểm tra nên đợi kết quả của Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Pleiku.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng này để sớm trả lại sự trong lành cho người dân nơi đây.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.