Điểm tựa của hội viên phụ nữ làng Mook Trê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, song suốt 14 năm qua, bà Hồ Thị Quyết luôn hết lòng vì hội viên cũng như công tác Hội, góp phần đưa chi hội 14 năm liên tục đạt danh hiệu Chi hội xuất sắc”-bà Rơ Lan H’Mil-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Dom (huyện Đức Cơ), nhận xét. Với những đóng góp của bản thân, mới đây, Chi hội trưởng Phụ nữ làng Mook Trê Hồ Thị Quyết đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Vượt qua khó khăn

Hơn 30 năm về trước, cô gái Hồ Thị Quyết rời quê hương Nghệ An tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới và trở thành nhân viên của Trung đoàn 706 (Binh đoàn 15). “Những năm đó, cuộc sống vô cùng khó khăn, cái ăn, cái mặc đều thiếu thốn, rồi thêm sốt rét ác tính hoành hành khiến nhiều người không yên tâm bám trụ. Vì vậy, ngoài phụ trách công tác tài chính, trong vai trò Bí thư Đoàn, tôi còn thường xuyên gần gũi, động viên anh em yên tâm gắn bó với đơn vị, cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”-bà Quyết chia sẻ.

 

Bà Quyết dành thời gian chăm sóc cháu ngoại. Ảnh: A.H
Bà Quyết dành thời gian chăm sóc cháu ngoại. Ảnh: A.H

Nhưng rồi những trận sốt rét ác tính chẳng chừa một ai, chúng khiến những thanh niên vốn khỏe mạnh, trẻ trung cũng trở nên vàng vọt, xanh xao. Năm 1989, vì liên tục bị sốt rét khiến sức khỏe yếu, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, bà đành xin nghỉ việc. “Những trận sốt rét hành hạ mình trong suốt 10 năm tiếp theo, có khi 1 tháng phải nằm viện đến 20 ngày. Riết rồi, tôi được anh em trong bệnh viện “phong” cho chức… Giám đốc Bệnh viện!”-bà Quyết cười.

Chỗ dựa và động lực duy nhất của bà lúc bấy giờ chính là chồng và con. Nhưng cuộc sống dường như luôn muốn thử thách sức chịu đựng của người phụ nữ này. Khi kinh tế dần ổn định cũng là lúc những bất hạnh lại ập đến với gia đình bà, chồng bị tai nạn giao thông dẫn đến mất sức lao động; tiếp đến cô con gái lớn không suôn sẻ trong chuyện hôn nhân dọn về sống chung nhà cùng với đứa cháu ngoại chưa đầy 5 tuổi bị bại não… Trở thành trụ cột trong gia đình có tới 4 thế hệ cùng sinh sống, bà buộc mình phải kiên cường và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Không chỉ quan tâm, chăm sóc mẹ già 92 tuổi và trẻ nhỏ trong nhà, bà còn tiếp quản luôn việc nương rẫy của gia đình. “Tranh thủ sáng sớm hoặc chiều muộn, tôi chạy xe máy vào trong rẫy-cách nhà khoảng hơn 1 km-để sắp xếp công việc, rồi lại về lo việc ở nhà, rồi việc của chi hội. Ông xã tuy không làm việc tay chân được nhưng cũng phụ trông coi vườn điều cùng với 400 trụ tiêu và 700 cây cà phê”-bà Quyết bộc bạch.

Hết lòng với hội viên

Dường như ở bà, tôi cảm nhận có một sức mạnh rất lớn tiềm ẩn trong cơ thể vốn gầy gò. “Làm thế nào bà có thể làm nhiều việc cùng lúc như thế?”- tôi hỏi. Bà khiêm tốn: “Cũng nhờ chị em tín nhiệm và giúp đỡ nhiều về vật chất cũng như tinh thần nên tôi mới làm tốt được. Hơn nữa, từ khi tham gia công tác Hội, bản thân cũng khỏa lấp được những nỗi buồn!”.

Không phụ sự tin tưởng của chị em, suốt 14 năm làm Chi hội trưởng, bà luôn đồng hành cùng hội viên, tích cực tuyên truyền chị em chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động chị em không nghe, không tin theo lời kẻ xấu, không vượt biên; chăm lo phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm… Hơn thế, căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương cũng như tâm tư, nguyện vọng của hội viên, bà luôn đưa ra những nội dung tuyên truyền sao cho phù hợp, gắn liền với thực tế đời sống hàng ngày, kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân với xã hội. Đặc biệt, hình thức tuyên truyền cũng đa dạng, phong phú, làm sao mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, nhất là hội viên người dân tộc thiểu số. “Thời điểm hiện tại, tôi tập trung vận động chị em khắc phục hạn hán, sử dụng nguồn nước hiệu quả…”-Chi hội trưởng Phụ nữ làng Mook Trê cho hay.

Ngoài ra, trong vai trò Chi hội trưởng, bà cũng đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho 76 chị được vay vốn với số tiền trên 1,6 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Đồng thời, vận động hội viên tham gia xây dựng quỹ chi hội, tổ tiết kiệm, “hũ gạo tiết kiệm”… để giúp đỡ lẫn nhau. Mới đây, bà còn phát động hội viên trong chi hội đóng góp gần 12 triệu đồng để giúp cho hội viên Hà Thị Kim Cúc sửa chữa căn nhà bị cháy. Đặc biệt, chi hội làng Mook Trê hiện là chi hội duy nhất đã xây dựng được Câu lạc bộ “Phụ nữ sản xuất giỏi” với 65/78 thành viên. “Tham gia câu lạc bộ, nhiều chị em được tiếp cận với khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, đồng thời được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế”-bà Quyết khẳng định.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm