Đậm sắc màu văn hóa dân gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một không gian du Xuân với hình ảnh chợ quê, những trò chơi dân gian, âm thanh dân dã của bài chòi, tuồng bộ… tại Hội hát cầu huê do Bảo tàng tỉnh tái hiện mang đến nhiều hoài niệm cho người lớn; sự thích thú, trải nghiệm cho người trẻ.

Cầu huê mang ý nghĩa cầu an, sức khỏe, huê lợi. Vì thế, Hội hát cầu huê của người Việt còn là dịp để gửi gắm ước vọng về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, no đủ. Hội hát cầu huê năm nay được tái hiện tại sân Bảo tàng tỉnh, kéo dài từ 7 giờ đến 21 giờ ngày 13-2 (mùng 6 Tết Bính Thân) với nhiều hoạt động phong phú.  

Hội hè đầu Xuân

 

 Không gian chợ Kinh-Thượng.  Ảnh: Hoàng Ngọc
Không gian chợ Kinh-Thượng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Không gian chợ Kinh-Thượng thu hút khách du Xuân ngay từ lối vào. Những nông cụ, vật dụng sinh hoạt từ mây tre đan bày biện giản dị trong một gian hàng khiêm tốn nhưng khiến người xem không khỏi liên tưởng đến cuộc sống quê nghèo sau những chiếc đòn gánh, đôi quang thúng, chiếc nón lá hay chiếc chổi sề, con dao cau… Chợ còn được tô điểm bởi màu sắc tươi mọng của rau, củ, quả vừa thu hái từ vườn được bày cạnh những chiếc gùi lớn nhỏ. Phía sau thấp thoáng sắc màu áo váy thổ cẩm của các cô gái Bahnar, Jrai. Những món ăn dân dã của người miền xuôi, nhất là người Bình Định, như chè đậu, các loại bánh trái đã hoàn thiện bức tranh một phiên chợ quê nhộn nhịp. Chị Rơ Châm Dem (làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) bán hết rau củ nhà trồng từ khá sớm so với các gian hàng khác. Chị vui vẻ cho hay: “Năm ngoái du khách ít quan tâm đến các mặt hàng tại không gian chợ, nhưng năm nay khác hẳn, họ rất thích thú mua hàng. Hội hát cầu huê ngày càng thu hút đông khách du Xuân, bản thân mình không hiểu lắm các hoạt động văn hóa của người Kinh nhưng thấy rất thú vị, nhất là phần giao lưu văn hóa giữa người Bahnar và người Kinh”.

Không xa khu vực chợ là không gian dành cho những trò chơi dân gian với nhiều trò chơi tưởng chỉ còn lại trong ký ức. Không chỉ trẻ em mà nhiều người lớn cũng hào hứng tham gia vào các trò chơi như tìm lại ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ. Bên cạnh nhiều trò dễ chơi như rồng rắn lên mây, bập bênh, kéo co, nhảy dây, ô ăn quan…, một số trò chơi dân gian lại đòi hỏi sự khéo léo, dẻo dai từ người chơi như leo cột, đi cà kheo… Anh Nguyễn Thanh Minh-một khách du Xuân đến từ huyện Chư Pah kiên nhẫn tập cho con gái đi cà kheo, hào hứng chia sẻ: “Tôi sinh ra ở làng quê Bình Định nên không xa lạ với những trò chơi dân gian này. Nhưng con gái tôi lần đầu tiên được trải nghiệm nên cháu rất thích thú. Đây thực sự là không gian du Xuân ý nghĩa, để con trẻ hiểu được các giá trị lẫn vẻ đẹp của văn hóa dân gian”.

Không chỉ tham gia vào các trò chơi, khách du Xuân còn có dịp trải nghiệm sinh hoạt văn hóa Kinh-Thượng khi trực tiếp tham gia vào các hoạt động, như nặn tò he, viết thư pháp, đan lát, dệt vải dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Hoặc trải nghiệm nếp sinh hoạt mang đậm hồn quê Việt với hoạt động xay lúa, giã gạo, kéo xe bò hay nghe hát bội, hát bài chòi do các nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Tuồng truyền thống Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) biểu diễn. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng tôi đầu tư, chăm chút từng khu vực tái hiện đúng nhất không gian lễ cầu huê, để mọi người hiểu được nếp sinh hoạt, hoạt động văn hóa tinh thần lẫn đời sống lao động của người Việt”.

Sức sống của lễ hội dân gian

 

 Ảnh: Hoàng Ngọc
Ảnh: Hoàng Ngọc

Hội hát cầu huê được Bảo tàng tỉnh tái hiện thành công lần đầu tiên năm 2015, tạo được không gian du Xuân ấm áp, lành mạnh, gây ấn tượng cho du khách và người dân Phố núi. Hoạt động này còn được các nhà nghiên cứu đánh giá cao trên phương diện bảo tồn những giá trị văn hóa dân gian của người Việt. Tái hiện Hội hát cầu huê-loại hình văn hóa đang có nguy cơ biến mất là nỗ lực rất lớn của những người làm văn hóa, để những giá trị của văn hóa dân gian có chỗ đứng trong nhịp sống mới. Đây là năm thứ 2 thư pháp gia Lê Bình-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp TP. Pleiku tham gia Hội hát cầu huê. Anh chia sẻ: “Qua những hoạt động này, chúng tôi muốn góp phần bảo tồn một nét văn hóa Việt. Hình ảnh ông đồ bày mực tàu giấy đỏ trong ngày đầu Xuân là hình ảnh rất đẹp trong ký ức. Nó thể hiện nét đẹp Việt, hồn Việt trong việc xin chữ đầu năm. Tuy nhiên, để những giá trị cũ phù hợp với cuộc sống hiện đại, những người viết thư pháp phải có sự tìm tòi, đổi mới”.
 

 Ảnh: Hoàng Ngọc
Ảnh: Hoàng Ngọc

Những người làm văn hóa còn có tham vọng lớn hơn khi mong muốn khôi phục những lễ hội mùa Xuân của các dân tộc sinh sống tại Gia Lai để tạo ra không gian và sự giao lưu văn hóa có quy mô. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cho biết thêm: “Tái hiện Hội hát cầu huê là cái lõi để trên nền tảng ấy, chúng tôi tiếp tục duy trì, đồng thời khôi phục một số lễ hội của các dân tộc anh em đang sinh sống trên mảnh đất Gia Lai. Về lâu dài, đây sẽ là lễ hội đầu năm với không gian văn hóa sống động, lớn rộng, giàu sắc màu văn hóa các dân tộc. Hoạt động văn hóa đặc sắc này không chỉ giúp người dân hiểu hơn về các giá trị văn hóa dân gian mà còn tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong dịp đầu năm”.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm