Đời giếng, phận người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đằng sau những gàu nước trong veo, thanh mát luôn thấm đẫm bao giọt mồ hôi của những phận người gắn đời mình với giếng cổ.

Trời vừa hừng đông, đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) ngập tràn không khí nhộn nhịp của mùa du lịch biển. Từng tốp du khách nối nhau lên ngọn núi Thới Lới hùng vĩ để đón tia nắng bình minh. Xa xa, khuất sau lùm cỏ hoang dại um tùm ven kè chắn sóng, hình ảnh ông lão bên giếng cổ hiện lên với sự khoan thai, mộc mạc như đánh tan nhịp điệu hối hả của tinh mơ trên đảo.

 

Ngày nào cũng vậy, ông Dương Kiên hì hục với 4 can nước đầy từ giếng cổ.
Ngày nào cũng vậy, ông Dương Kiên hì hục với 4 can nước đầy từ giếng cổ.

Âu cũng là cái nghiệp

Người đàn ông ấy là Dương Kiên (72 tuổi; ngụ thôn Đông, xã An Vĩnh) - người được mệnh danh là "đệ nhất phu nước" ở Lý Sơn.

Bên giếng cổ Xó La, ông Kiên gắng gồng đôi tay chai sần và đã không còn rắn chắc. Thả chiếc gàu lọt thỏm xuống mặt nước, khua tay đảo đều đôi ba vòng, ông bặm môi, 2 tay ghì chặt sợi dây rồi gắng sức mới có thể nhấc bổng gàu nước đầy tràn lên khỏi miệng giếng.

Phả làn hơi thở hổn hển, gương mặt lộ những nếp nhăn, ông gượng nở nụ cười giải thích với chúng tôi: "Độ 10 năm trước, mấy gàu nước này chẳng nhằm nhò gì với tôi. Thậm chí, 2 tay tôi có thể kéo cùng lúc 2 gàu. Tính ra cũng ngót nghét 40 năm tôi hành nghề này ở giếng cổ Xó La. Đây là giếng được xây dựng từ thời vua Gia Long".

Ông Kiên tâm sự rằng đến với nghề là duyên, còn tự nhiên nó vận vào như một sợi dây buộc chặt hàng chục năm trời. Âu cũng là cái nghiệp. Chuyện bắt đầu từ sau năm 1975, cả gia đình dắt díu nhau rời đảo mà đi làm ăn. Lên Tây Nguyên được đôi ba năm kiếm kế sinh nhai, thất bát thì lại kéo nhau về nơi chôn nhau cắt rốn.

"Hồi đó, tay trắng. Đặt chân về lại đảo tủi hổ lắm. Thế rồi tình cờ thấy một số người trong thôn tay xách nách mang lỉnh kỉnh thùng ra giếng Xó La múc nước đổi cho bà con thôn khác lấy tiền nên tôi làm theo. Dần dà, cuộc sống ổn định nhờ nghề đổi nước nên vợ chồng dẹp bỏ hẳn ý nghĩ tha phương cầu thực. Cơm ăn, áo mặc của 2 vợ chồng cùng 6 đứa con cũng nhờ vào nguồn nước vô tận ở giếng cổ đem lại. Hồi xưa còn gánh bộ 2 thùng trên vai, tầm 20 năm đổ lại đây thì chở bằng xe đạp" - ông Kiên bộc bạch.

Trên nẻo đường mưu sinh, song hành cùng "đệ nhất phu nước" Dương Kiên trước đây luôn có hình bóng của người vợ - bà Phan Thị Ý. Bà cũng là một phụ nữ có tuổi nghề đổi nước xếp vào hàng bậc nhất. Căn bệnh thần kinh tọa quái ác đày đọa khiến bà từ giã cái nghề đã đeo bám 2 vợ chồng suốt mấy chục năm qua.

 

Cùng với ông Kiên, ông Mai Văn Thu cũng là phu nước hiếm hoi còn bám trụ với nghề.
Cùng với ông Kiên, ông Mai Văn Thu cũng là phu nước hiếm hoi còn bám trụ với nghề.

Đổi nước kiếm cơm

Khi bóng lão Kiên khuất dần về phía cảng, một "phu nước" khác sẽ đến giếng cổ. Đó là ông Mai Văn Thu, 53 tuổi - người có thâm niên với nghề này không thua kém ông Kiên.

Cùng chiếc xe đạp cà tàng lộ nguyên bộ khung gỉ sắt, ông Thu luôn hiện diện với 4 can nhựa. Đôi chân ông khập khiễng, gương mặt méo xệch một bên khiến ai nhìn cũng thương cảm. Động tác ông không còn nhanh nhẹn, mỗi lần thả dây chỉ thu về lưng chừng gàu nước. Kéo được gàu nước lên, phải nghỉ một lúc ông mới đổ được vào trong miệng thùng. Hình ảnh ấy đã trở nên quen thuộc với người dân đảo Lý Sơn.

Không ai nhớ chính xác ông Thu gắn bó với nghề này bao nhiêu năm? Họ chỉ nhớ ông từng là chàng ngư dân trẻ, sau một lần vươn khơi bất ngờ lên cơn sốt thập tử nhất sinh nên không còn gắn bó với nghề đánh bắt hải sản. Từ đó, dân trên đảo quen hình ảnh một ông Thu cần mẫn với nghiệp đổi nước kiếm cơm.

Ông Thu kể giọng đượm buồn: "Cách đây 20 năm, tai ương bất ngờ giáng xuống khiến một nửa cơ thể tôi gần như tê liệt. Những tưởng sẽ thành kẻ vô dụng làm khổ vợ con nhưng cơ duyên đã đưa tôi đến với nghề phù hợp với thể trạng của mình. Gồng gánh trên vai cuốc bộ 4-5 km như người ta thì tôi bất lực. Đúng là cái khó ló cái khôn, sau này, tôi nghĩ ra cách vận chuyển nước bằng xe đạp. Dù không nhanh nhưng cứ tà tà dắt bộ cũng tới nơi. Nói không ngoa chứ tôi hành nghề này cũng trên dưới 18 năm. Đêm hôm khuya khoắt, bật dậy xách thùng ra giếng để chở nước mang đến cho người ta. Sập tối mới lọ mọ về nhà. Ở đây, mọi người gọi cái nghề của tụi tôi là nghề đổi nước kiếm cơm chứ chẳng ai bảo đi gánh nước bán".

 

Du khách rất ấn tượng

Trong không gian thiêng liêng của đình làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn, nơi hằng năm tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, bức ảnh chụp vợ chồng ông Dương Kiên và ông Mai Văn Thu được treo trịnh trọng. Du khách thập phương đến tham quan đảo thường rất ấn tượng với 2 "phu nước" giếng cổ này.

Ông Thu kể thời gian đầu, khi mới chân ướt chân ráo vào nghề, mỗi thùng nước đổi cho các hộ dân phục vụ sinh hoạt chỉ có giá 1.000 đồng và bây giờ là gần 8.000 đồng. Trước đây cũng nhiều người làm nhưng vì thức khuya dậy sớm, công sức đổ ra nhiều nhưng đồng tiền thu lại chẳng là bao nên dần dà bỏ nghề. Bây giờ thì chỉ còn ông và ông Kiên.

"Trước đây có 6 người. Ngoài tôi và ông Kiên còn 4 người chạy xe máy chở nước. Bây giờ, chỉ còn tôi và ông Kiên kéo nước đổi cho các hàng quán, nhà dân sinh hoạt. Nói không phải phụ chứ dù bèo bọt, vất vả thức dậy từ canh khuya nhưng gia đình tôi cũng có cơm ăn, áo mặc. Tất cả đều trông cậy vào nguồn nước không bao giờ cạn ở Xó La. Trung bình một ngày, tôi làm 3 chuyến, mỗi chuyến 4 thùng. Mỗi ngày công kiếm được gần 100.000 đồng. Hai vợ chồng chắt chiu, vun vén với quyết tâm nuôi đứa con 10 tuổi ăn học thành tài" - ông Thu trải lòng.

Theo nld

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.