Xuân về trên ngôi làng cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là cái Tết lớn nhất của làng Bi Ya (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa). Cái Tết không chỉ của bánh chưng, bánh Tét, của chuếnh choáng men rượu cần mà còn là của nghĩa tình chất ngất như ngọn lửa  giữa vòng xoang nắm chặt.

1
Các đoàn viên chuẩn bị bánh tét cho người dân. Ảnh: Văn Ngọc

Tối buổi tiệc mới bắt đầu, nhưng ngay từ trưa, lũ trai làng đã tụ tập ra sân bóng cùng hò nhau xẻ thịt con bò béo nhất. Lũ làng kháo nhau rằng, chưa bao giờ Bi Ya được ăn cái Tết lớn thế. Mọi năm nếu có, cũng chỉ là vài con heo, con gà, chứ chưa giờ nghĩ sẽ lại mổ bò, bánh tét, bánh kẹo… cùng những vị khách phương xa. Hôm nay, làng sẽ cùng Tỉnh đoàn, Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai và UBND huyện tổ chức một cái Tết tươm tất, hoành tráng.  Ở ngôi làng cách mạng vốn bao đời nghèo khó này, đó hẳn là một cái Tết to lắm. Nghe có “Tết về”, lũ làng từ già trẻ, gái trai đều đổ về sân bóng của làng khiến bầu không khí trở lên rộn rã hứng khởi. Anh Đinh Man (35 tuổi) hào hứng: “Cả tuần nay mình ở trên rẫy, nghe làng tổ chức Tết nên mình về luôn. Không biết từ bao giờ làng mình mới lại tụ tập đông đủ thế này. Cả năm ai cũng lo làm nương, làm rẫy nên khó mà gặp nhau đông vui lại còn có cả nhiều khách nữa”.

Những người vui nhất hôm ấy, có lẽ là các cựu chiến binh của làng. Bi Ya vốn là ngôi làng theo cách mạng cầm súng đánh giặc Pháp, giặc Mỹ. Đây là khu căn cứ mà bộ đội từng nương náu, từng được người Bahnar bao bọc, chở che giữa những khu rừng. Trải qua bao hy sinh, mất mát, ngôi làng bây giờ vẫn bị bao phủ bởi cái nghèo nhưng đã được hòa bình, yên ấm. Già Đinh Nhi (60 tuổi) bồi hồi kể: “Ngày xưa cả làng đều theo bộ đội, nuôi bộ đội. Mình mấy năm liền mang súng, mang thuốc cho bộ đội từ Ia Pa, qua Kong Chro, rồi đi đến tận An Khê. Đến khi đất nước giải phóng, dân làng mới lại trở về”. Rồi già rươm rướm kể, người Bahnar đơn giản lắm, Mỹ nó đến nó cướp làng mình, đốt nhà của mình nên người Bahnar cùng bộ đội cầm giáo, cầm mác, cầm súng đánh đuổi giặc Mỹ. Biết bao người Bahnar ở Bi Ya đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất nơi này, nhưng không ai vì thế mà khuất phục cả mà ngược lại, khí thế đánh giặc càng trở nên hừng hực.

 

Dân làng quây quần xem các tiết mục văn nghệ. Ảnh: Văn Ngọc
Dân làng quây quần xem các tiết mục văn nghệ. Ảnh: Văn Ngọc

Buổi lễ hôm ấy cũng là một dịp để các cựu chiến binh hàn huyên lại câu chuyện về màu áo lính bởi họ một lần nữa lại khoác trên mình tấm áo ấy, với những tấm huy hiệu đã phải trả giá bằng xương máu, bằng cả tuổi thanh xuân. Già Đinh Nhữ (77 tuổi) tuy đã bước đến tuổi gần đất xa trời ẫn còn nhớ như in những tháng ngày hào hùng oanh liệt đó.

Già kể, năm 23 tuổi, bộ đội vào làng xin ẩn nấp, già cũng năn nỉ được đi theo bởi thích được làm anh “Bộ đội Cụ Hồ” và đến nay già đã nhận được huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. “Bộ đội vào đây sống như người làng, có củ mài ăn củ mài, có củ mì ăn củ mì. Ngày Tết ở giữa rừng cũng đâu có gì, anh em chỉ mời nhau điếu thuốc và chúc nhau còn mạnh khỏe chờ đến ngày đất nước giải phóng thôi”-già Nhữ chia sẻ. Già cũng kể lại rành rọt giọng đầy tự hào về trận chiến ác liệt bên dòng suối Pờ Tó, nơi mà người làng Bi Ya đã hy sinh rất nhiều nhưng kiên cường đuổi được hàng trăm giặc Mỹ hùng hổ tiến vào chiếm làng.

 

Chuếnh choáng bên ghè rượu cần. Ảnh: Văn Ngọc
Chuếnh choáng bên ghè rượu cần.  Ảnh: Văn Ngọc

Không gian đang lắng đọng bởi những câu chuyện của một thời khói lửa bỗng bị phá vỡ bởi bầu không khí sôi động từ dàn cồng chiêng được đám trai làng ngân lên. Bộ chiêng quý duy nhất của làng được cất giữ trong nhà sàn từ lâu nay lại được mang ra cất những tiếng trầm bổng vang vọng. Và rồi dân làng cùng xà vào những ghè rượu cần trải dài miên man để thưởng thức món thịt bò, thịt heo nướng. Lũ trẻ con cũng quân quần bên bàn bánh tét cùng đủ thứ bánh kẹo được các vị khách mang đến. Cả khoảng sân rộng chỉ ngập tràn tiếng nói, tiếng cười và tiếng của những chiếc chiêng bing boong.

Những bàn tay siết chặt của vòng xoang bất tận hôm ấy đã nói lên tất cả. Bi Ya tuy nghèo, nhưng Bi Ya giàu lắm những nghĩa tình. Đó là cái nghĩa tình năm xưa mà lũ làng đã bao bọc, chở che bộ đội. Và hôm nay, là cái nghĩa tình mà họ lại cùng sát cánh bên nhau xua đuổi cái đói, cái nghèo ra khỏi buôn làng, như đã từng xua đuổi giặc Mỹ hung tàn… 

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm