(GLO)- 1. Hôm ấy, sau khi sắp xếp thời gian để về sớm, tôi tranh thủ dẫn con trai đi chơi sau mấy ngày mưa gió ẩm thấp. Tuy nhiên, sau khi mọi việc đâu vào đó thì đứa con trai 2 tuổi không chịu đi dù tôi cố gắng thuyết phục bằng mọi cách. Tôi nổi đóa, dắt ngược xe vào nhà thì cu cậu lại đòi đi! Không kiềm chế được cơn giận, tôi lấy roi ra quất cho con mấy lằn vào mông. Con tôi khóc ầm lên rồi ăn vạ, kết quả là bữa cơm tối đáng lẽ rất vui thì chẳng ai buồn nuốt. Con nín, lại cười nhưng vết roi trên mông thì vẫn còn.
Minh họa: huyền trang |
Sáng hôm sau, khi con vui vẻ hôn tạm biệt mẹ để đi nhà trẻ, bỗng dưng cả buổi sáng tôi day dứt. Thường xuyên đọc sách về nuôi dạy con, tôi biết rằng, con cái cần được yêu thương hơn là đòn roi, cần hỗ trợ để phát triển tinh thần ngang với dinh dưỡng. Vậy mà tôi nỡ tay đánh đứa con trai bé bỏng của mình. Định bụng, buổi chiều khi con đi học về, tôi sẽ ôm lấy con mà rằng: “Xin lỗi con, mẹ sai rồi…”.
2. T., bạn tôi, có chồng đang làm nghiên cứu sinh ở Pháp nên phải một nách 2 con đang tuổi ăn tuổi lớn. Vì hiểu những áp lực khi vừa kiếm sống, vừa chăm con lúc chồng vắng nhà nên người bạn đời của chị thường đặt sách về nuôi dạy con cho vợ đọc. T. vẫn thường kể về sự tinh nghịch của 2 đứa con trai khi thường xuyên bày trò trước mặt mẹ. Một hôm, đứa con lớn đang ăn cơm thì đổ đầy ra bàn ăn, bảo rằng cho bạn mèo (theo tưởng tượng) trên bàn ăn. Vì nhiều áp lực dồn nén, chị đã đánh con và đổ bát cơm đi. Ánh mắt con nhìn chị lúc chị giằng bát cơm đã ám ảnh chị suốt 3 hôm liền. Ngày thứ 4, dẫn đứa con 7 tuổi đi uống cà phê, chị nói: “Mẹ xin lỗi con, mẹ đổ bát cơm của con đi, mẹ sai rồi”. Nói xong, chị òa khóc, ôm chặt lấy con…
3. Chúng ta được học rất nhiều, được dạy rất nhiều cho đến khi tốt nghiệp đại học, học cả trong và ngoài nhà trường, nhưng rất ít nơi dạy cho ta các kỹ năng thuộc nhóm “kỹ năng sống chung với người khác” (UNESCO đã xác định đây là một trong 4 mục tiêu mà hệ thống giáo dục phải đạt được). Có một câu nói mà tôi rất tâm đắc của một phụ nữ Do Thái: “Đẻ con thì gà mái cũng biết làm, dạy con mới khó”. Từ đó, tôi thường sử dụng các phương pháp khoa học được nghiên cứu, phổ biến, có luận chứng để áp dụng trong cách dạy con và chia sẻ với bạn bè. Và hiệu quả của phương pháp dạy con không bạo lực đã đem lại kết quả ngoài sự mong đợi. L., bạn tôi, đã hồ hởi kể rằng: “Trước đây, mỗi đêm trước khi đi ngủ, nhắc nhở không được là mình đánh 2 đứa con trai; nhưng từ ngày mình ôm hôn, ra hiệu, kể chuyện với chúng, chúng rất nghe lời và nét mặt thật đáng yêu, mà bản thân mình cũng thấy nhẹ nhàng”.
Vậy nên việc của các bậc làm cha mẹ là cần chia sẻ cùng nhau việc chăm sóc con cái, tìm hiểu các phương pháp nuôi dạy con tích cực để thế hệ tương lai của chúng ta là những đứa trẻ vừa thông minh về trí tuệ, vừa thông minh về cảm xúc. Đặc biệt hơn, chúng sẽ đem những khuôn mẫu yêu thương ấy cư xử với xã hội và con cái của chúng sau này. Tôi tin rằng, đọc đến đây sẽ còn nhiều người hoài nghi, tuy nhiên bạn hãy thử dạy con kiên nhẫn bằng liệu pháp tình yêu, thay vì bạo lực. Vì sẽ không có đứa trẻ nào biết yêu thương đồng loại nếu không được dạy về tình yêu.
Tạ Ngọc Điệp