Xét xử vụ nhóm khủng bố tại Đắk Lắk: Đánh thức lương tri trong mỗi bị cáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại tòa, HĐXX, đại diện Viện KSND, luật sư bào chữa đã giải thích pháp luật để các bị cáo trong nhóm khủng bố nhận thức rõ hành vi sai trái của mình. Nhiều bị cáo hối hận vì tin, làm theo nhóm phản động và xin được hưởng sự khoan hồng.

Xin cơ hội làm lại cuộc đời

Chiều 18/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử 100 bị cáo trong vụ khủng bố tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) tiếp tục phần tranh tụng.

Trong phiên tòa có 19 luật sư, trợ giúp viên pháp lý. Các luật sư đã trình bày phần bào chữa cho bị cáo. Luật sư cũng giải thích việc thành khẩn khai báo, hối lỗi sẽ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ. Tình tiết này rất quan trọng đối với các bị cáo, bởi hành vi gây ra vụ khủng bố là đặc biệt nghiêm trọng.

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Tại phiên tòa, nhiều bị cáo khai do nhận thức lạc hậu, thiếu hiểu biết, bị các đối tượng phản động lưu vong ở Mỹ là Y Mút Mlô, Y Cik Niê, Y Niên Êya, Y Bút Êban (Y Bé Êban), Y Chanh Byă, Y Sôl Niê… dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền, kích động, lôi kéo, dụ dỗ tham gia tổ chức, hoạt động tích cực. Có bị cáo còn bị đe dọa giết chết cả nhà nếu không gia nhập tổ chức phản động. Quá trình tham gia vụ tấn công khủng bố, một số bị cáo sợ nhưng không dám dừng lại, vì các đối tượng cầm đầu luôn đứng phía sau thúc giục, thậm chí tuyên bố nếu ai bỏ trốn sẽ bị bắn chết.

Trước câu hỏi của HĐXX về việc vì sao không báo với chính quyền địa phương khi bị đe dọa, ép tham gia vào tổ chức, nhiều bị cáo khai, do thiếu hiểu biết và quá sợ hãi.

Một vị thẩm phán đã phổ biến rằng, khi gặp những khúc mắc, mâu thuẫn trong cuộc sống, bị cáo cần tìm người hiểu biết pháp luật hoặc chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ, giải quyết; không để các đối tượng phản động lợi dụng vấn đề này rủ rê, lôi kéo, làm việc sai trái, có lỗi với Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Khi làm sai, bị cáo sẽ bị pháp luật xử lý.

Được giải thích, nhiều bị cáo đã nhận thức sâu sắc hành vi của mình. Bị cáo Y Tế Êban nói: “Bị cáo sai rồi. Xin cho bị cáo cơ hội làm lại cuộc đời và xin hứa không bao giờ tái phạm”. Nói rồi, bị cáo Y Tế quay lại phía người bị hại, gia đình người bị hại để nói lời xin lỗi, xin tha thứ.

Khi được đại diện Viện KSND nêu phía sau bị cáo là gia đình, người thân, có nơi để ở, đất canh tác, làm ăn, bị cáo Y Thuôt Kbuôr càng nhận ra lỗi lầm của mình. Bị cáo xin HĐXX, Nhà nước, bị hại và gia đình bị hại một cơ hội để làm lại cuộc đời, cố gắng làm lụng, đền bù thiệt hại mà bản thân đã gây ra.

Nghiêm minh nhưng nhân văn

Có bị cáo khai với tòa rằng, trước khi tham gia nhóm “Lính Đêga” đã được các đối tượng trong tổ chức hứa chia đất, tài sản… Chưa hết, nhóm cầm đầu còn hứa, sau khi tấn công vũ trang nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam, sẽ có trực thăng đón qua nước ngoài tận hưởng giàu sang…

Nhưng thực tế sau khi các bị cáo góp tiền, công sức, thậm chí liều mạng, phản bội đồng bào, Tổ quốc, thì nhóm cầm đầu đã bỏ rơi, phó mặc. Giờ đây, đứng trước tòa, trước thân nhân gia đình bị hại, các bị cáo càng ân hận.

Một bị cáo trong vụ án. Ảnh: TTXVN

Một bị cáo trong vụ án. Ảnh: TTXVN

HĐXX đã ghi nhận sự thành khẩn khai báo, xin khoan hồng của các bị cáo. HĐXX sẽ đánh giá toàn bộ tài liệu chứng cứ, nguyên nhân và điều kiện phạm tội, tính chất, mức độ phạm tội để quyết định hình phạt phù hợp đối với từng bị cáo. Qua đó, vừa đảm bảo sự nghiêm minh, tính răn đe, vừa đảm bảo sự khoan hồng, tính giáo dục, nhân văn của pháp luật, đồng thời thể hiện được đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trong tình hình hiện nay.

Như tin đã đưa, đêm 10/6 rạng sáng 11/6, tổ chức khủng bố chia làm 2 nhóm với hơn 60 đối tượng mang theo súng đạn, bom xăng, dao, búa…, tấn công vào trụ sở 2 xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk), làm chết 9 người và nhiều người khác bị thương; thiệt hại tài sản hơn 2,5 tỷ đồng. Tổ chức thực hiện vụ khủng bố này là nhóm “Lính Đêga" do bị cáo H Wuên Êban (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) lập nên từ năm 2017.

Trước đó, H Wuên đã liên lạc, móc nối với các đối tượng lưu vong ở nước ngoài gồm: Y Mút Mlô cầm đầu tổ chức “Nhóm hỗ trợ người Thượng” tại Mỹ (viết tắt MSGI); Y Quynh Bdap - cầm đầu tổ chức “Người thượng vì công lý” (MSFJ) tại Thái Lan, để bàn bạc, lên kế hoạch chống phá chính quyền tại Đắk Lắk, nếu thành công sẽ mở rộng sang các tỉnh khác. Sau đó, nhóm này lôi kéo, tuyển mộ thêm người, nhận tiền từ đối tượng lưu vong ở nước ngoài và huy động các thành viên trong nhóm góp tiền mua vũ khí, lương thực…, để thực hiện vụ khủng bố.

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.