Xây dựng thương hiệu: Doanh nghiệp còn thờ ơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xây dựng thương hiệu là việc cần thiết để thiết lập, quảng bá và duy trì hình ảnh của doanh nghiệp. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hội nhập, khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì thương hiệu đã được bảo hộ, chứng nhận sẽ khẳng định uy tín của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các doanh nghiệp tại Gia Lai vẫn còn rất thờ ơ với việc xây dựng thương hiệu cũng như đăng ký bản quyền thương hiệu.

Khi nghe câu slogan “Còn chút gì để nhớ...”, người ta nghĩ ngay đến thương hiệu cà phê lâu năm của Gia Lai với góc quán quen thuộc gần ngã tư Nguyễn Thái Học-Hùng Vương, cà phê Thu Hà. Khi nhìn thấy logo hình bầu dục màu vàng nằm ngang và có 1 gạch dọc ở giữa, người ta sẽ lập tức nghĩ đến Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Hay nếu thấy hình ảnh 2 chữ T nằm song song, 1 chữ thấp 1 chữ cao thì biết đó là thương hiệu của cà phê Thanh Thủy... Đó chính là hiệu quả của việc xây dựng thương hiệu mang lại, nó khắc sâu nhận diện của một doanh nghiệp nào đó vào tâm trí người tiêu dùng. Đối với 3.400 doanh nghiệp tại Gia Lai, có bao nhiêu doanh nghiệp tạo được ấn tượng về thương hiệu như vậy?

 

Cà phê Thu Hà, đơn vị đã đăng ký độc quyền thương hiệu.
Cà phê Thu Hà, đơn vị đã đăng ký độc quyền thương hiệu.

“80% số doanh nghiệp tại Gia Lai là doanh nghiệp siêu nhỏ, nên họ hầu như không quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu cũng như việc đăng ký độc quyền thương hiệu. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp lớn, hoặc doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu mới đăng ký độc quyền thương hiệu, nhãn hiệu quốc tế như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cà phê Thu Hà, cà phê Thùy Dung... Trong khi việc đăng ký thương hiệu chính là việc tạo nên uy tín cho thương hiệu của doanh nghiệp, cũng là động lực để doanh nghiệp giữ được chất lượng sản phẩm theo cam kết đã đăng ký thương hiệu. Việc doanh nghiệp có thương hiệu và thương hiệu được bảo hộ độc quyền là một trong những yếu tố tạo nên sự tin tưởng với đối tác”-ông Nguyễn Tuấn-Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết.

Nói về vấn đề này, ông Phạm Thanh Tuấn-Phó Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, đơn vị hướng dẫn doanh nghiệp về việc đăng ký bản quyền thương hiệu, cũng nhận định: “Doanh nghiệp tại Gia Lai thường khá chủ quan đối với việc xây dựng thương hiệu và đăng ký độc quyền thương hiệu. Bởi vậy đã xảy ra nhiều trường hợp có một số sản phẩm của doanh nghiệp, nếu xét về thời gian ra đời thì rất sớm nhưng khi đi đăng ký bảo hộ lại không được vì trùng nhãn hiệu với sản phẩm của doanh nghiệp khác, chủ yếu là nước đóng chai và cà phê. Tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra việc tranh chấp thương hiệu và việc đăng ký bảo hộ này không bắt buộc, nhưng các doanh nghiệp nên tính xa hơn để đảm bảo cho sản phẩm của mình”.

Dễ thấy, khi mới khởi nghiệp, hầu hết các chủ doanh nghiệp chủ yếu tập trung quan tâm vấn đề vốn để phát triển sản phẩm mà ít đầu tư xây dựng thương hiệu vì nghĩ rằng việc này vừa phức tạp, vừa tốn kém. Điều đó lý giải vì sao toàn tỉnh hiện mới chỉ có 170/3.400 doanh nghiệp đăng ký bản quyền thương hiệu-một con số quá khiêm tốn. Theo ông Phạm Thanh Tuấn, việc xây dựng thương hiệu là vô cùng quan trọng và việc đăng ký độc quyền thương hiệu lại càng quan trọng. Chi phí cho việc đăng ký độc quyền không nhiều, chỉ có thời gian chờ đợi được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận hơi lâu (tối thiểu là 12 tháng). So với các doanh nghiệp lâu năm thì các doanh nghiệp trẻ lại quan tâm và thực hiện tốt vấn đề này hơn, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.

Kể từ năm 2016, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được thành lập, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được thông qua, chưa kể trước đó Việt Nam cũng đã tham gia nhiều hiệp định thương mại khác, các hoạt động hội nhập này sẽ mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tại Gia Lai nói riêng (nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản), tất nhiên, theo đó, sức cạnh tranh sẽ ngày càng lớn, càng khốc liệt. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc xây dựng thương hiệu của mình, trước là tại thị trường Việt Nam, sau mới tới những thị trường nước ngoài. Việc các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng và đầu tư nghiêm túc việc xây dựng thương hiệu cũng như đăng ký bảo hộ thương hiệu chính là rào cản cho việc hội nhập hiện nay.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.