(GLO)- Từ đầu tháng 9 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ đã tăng 4 lần liên tiếp. Giá xăng dầu tăng cộng với ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.
Theo công bố của Liên bộ Công thương-Tài chính, bắt đầu từ 16 giờ ngày 26-10, giá xăng dầu tại Gia Lai tính theo giá khu vực vùng 2 được áp dụng như sau: xăng RON95-III có giá 24.810 đồng/lít (tăng 1.490 đồng/lít), xăng RON92-II có giá 23.570 đồng/lít (tăng 1.460 đồng/lít), dầu diesel 0.05S giá 19.080 đồng/lít (tăng 1.190 đồng/lít). Đây là mức tăng giá cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Tăng chi phí sản xuất, sinh hoạt
Thị trường bán lẻ hàng hóa luôn nhạy cảm trước diễn biến tăng giảm của giá xăng dầu. Bởi lẽ, giá xăng dầu trực tiếp tác động đến chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Ông Huỳnh Văn Phong-Phó Tổng Giám đốc Comexim Gia Lai-dẫn chứng: Chi phí vận tải của Công ty đến từ 2 nguồn: một là chi phí thuê chở hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai, hai là chi phí vận tải phục vụ phân phối hàng hóa nội tỉnh. Chi phí vận tải tăng chắc chắn làm gia tăng chi phí hoạt động của Công ty. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố khiến giá hàng hóa tăng trong thời gian qua. “Trên thực tế, giá nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã tăng 5-7% từ nhiều ngày nay do các nhà sản xuất tăng giá cung cấp, không phải do tác động của cước vận tải trong đợt tăng giá xăng dầu lần này. Bối cảnh sản xuất gặp nhiều khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao khiến giá cung ứng sản phẩm trên thị trường tăng cũng là điều dễ hiểu”-ông Phong khẳng định.
Từ đầu tháng 9-2021 đến nay, giá xăng dầu đã tăng liên tiếp 4 lần. Ảnh: Đức Thụy |
Giá xăng dầu tăng cũng tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Anh Nguyễn Thế Nhân (tổ 8, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho hay: Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng mạnh khiến chi phí vận chuyển hàng hóa bằng ô tô của anh tăng cao. Trong khi đó, trước áp lực cạnh tranh, các nhà sản xuất nhỏ như anh chưa thể tăng giá bán hàng vì còn phải duy trì nguồn khách hàng. “Nếu lấy mốc giá xăng từ đầu năm thì đến nay đã tăng khoảng 7.000 đồng/lít. Đó là một khoản chi phí tăng đáng kể đối với những ai có công việc phải thường xuyên di chuyển hoặc vận chuyển bằng ô tô”-anh Nhân chia sẻ.
Tương tự, chị Phạm Thị Thu (tổ 1, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho biết: “Sau đợt tăng giá xăng dầu lần này, tôi khá lo ngại thị trường hàng hóa sẽ có biến động tăng theo, nhất là sắp vào mùa mua sắm cuối năm. Hiện tại, dịch Covid-19 đã ít nhiều khiến thu nhập gia đình tôi giảm sút. Nếu đối mặt với áp lực chi phí sinh hoạt tăng thì sẽ khó tránh khỏi gây ra khó khăn trong cân đối chi tiêu của gia đình”.
Chưa tăng giá cước vận tải
Ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai-chia sẻ: Chi phí nhiên liệu xăng dầu chiếm 40-45% giá thành vận tải. Do đó, khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang khiến phần lớn doanh nghiệp vận tải khách phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng bởi nhu cầu đi lại còn thấp thì có thể sẽ chưa tăng giá phục vụ ngay.
Giá xăng dầu liên tục tăng gây khó khăn cho người dân. Ảnh: Đức Thụy |
Thực tế này được phản ánh rõ trong một số loại hình doanh nghiệp vận tải khách công cộng đang hoạt động khai thác như: taxi, xe khách nội tỉnh, xe buýt… Bà Trần Thị Ánh-Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Gia Lai-cho hay: Đợt điều chỉnh giá xăng dầu này có mức tăng mạnh. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn như hiện tại, nhu cầu đi lại bằng taxi không nhiều. Vì thế, việc tăng giá phục vụ trong giai đoạn này là phương án không hợp lý, khó kích cầu được tiêu dùng. Nhận định như vậy nên taxi Mai Linh vẫn giữ nguyên mức giá phục vụ. “Thực tế các chi phí tăng sẽ tác động trực tiếp đến lợi nhuận của Công ty. Tuy nhiên, để thu hút người lao động cũng như các nhà đầu tư hợp tác, Công ty đã đề xuất các chính sách hỗ trợ như: giảm thuế, cắt thu một số khoản để nhà đầu tư duy trì liên kết với công ty, tính toán lại mức phân chia phần trăm doanh thu với tài xế... Việc không tăng giá phục vụ trong bối cảnh mọi chi phí đều tăng cũng là cách để doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế”-bà Ánh nói. Tương tự, ông Nguyễn Tường Cọt-Giám đốc Bến xe Đức Long Gia Lai cũng chia sẻ: Trước mắt, đơn vị sở hữu vẫn chưa có kế hoạch điều chỉnh giá dịch vụ xe buýt mặc dù lâu nay vẫn phải bù lỗ cho hoạt động xe buýt.
Đối với vận tải hàng hóa, đa phần các doanh nghiệp xác định chưa thể tăng giá phục vụ để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng. Ông Nguyễn Văn Đạt-Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Đạt Hiền (huyện Chư Păh) cho biết: “Doanh nghiệp nào hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn, nếu không chia sẻ với nhau trong lúc này, nhất là với các đối tác lâu năm sẽ rất khó cho nhiều bên. Vì thế, chúng tôi san sẻ với nhau để cố gắng duy trì, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thực tế, nhu cầu càng ngày càng thu hẹp lại, nguồn hàng từ Gia Lai đi các tỉnh đa phần là nông sản thì hiện tại vận chuyển cũng không nhiều”.
“Đa phần các doanh nghiệp, chủ xe đều tự tiết giảm chi phí để bù lại giá nhiên liệu tăng và các chi phí liên quan khác nhằm giữ ổn định giá cước trong thời điểm này. Doanh nghiệp vận tải đang cố gồng để vượt qua khó khăn và chia sẻ, hỗ trợ người tiêu dùng”-ông Nguyễn Hồng Hải nhìn nhận.
THẢO NGUYÊN - LÊ HÒA