(GLO)- Ông Nguyễn Khoa-cán bộ lão thành cách mạng, người cựu hội viên Hội Cứu tế đỏ Gia Lai năm 1940, vừa qua đời sáng 14-1-2017, thọ 98 tuổi.
Tôi được biết và thân thiết với gia đình ông Nguyễn Khoa như một cái duyên của người cầm bút. Ông và vợ ông-bà Quách Thị Hường như một cuốn từ điển sống, giúp chúng tôi có thể hiểu thêm chi tiết về phong trào cách mạng ở Gia Lai trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.
Tên trong giấy khai sinh của ông là Nguyễn Đắc, khi hoạt động cách mạng mới lấy tên là Nguyễn Khoa, bí danh là Đức Chính. Ông sinh năm 1919 tại Bàu Cạn (Pleiku, Gia Lai) trong gia đình gốc Huế làm phu ở đồn điền chè Bàu Cạn (CATECKA) của tư sản Pháp. Khi còn sống, ông kể rằng, từ năm 1930, nhà của cha ông đã là nơi họp bí mật của ông Hà Thế Hạnh, một đảng viên từ Huế vào Bàu Cạn hoạt động xây dựng phong trào yêu nước ở Gia Lai (ông Hạnh sau đó bị Pháp bắt và giam ở nhà tù Buôn Ma Thuột, năm 1933). Ông Hà Thế Hạnh có ảnh hưởng đến tư tưởng ông Khoa về cách mạng, về đấu tranh giai cấp và giải phóng dân tộc... Năm 1939, lần đầu tiên ông tham gia đấu tranh chống bọn chủ đồn điền, đòi tăng lương giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân. Đây là bước ngoặt cuộc đời đi theo cách mạng của ông. Tiếp đó, ông được ông Trần Ren, một đảng viên bí mật, giác ngộ, dìu dắt. Tháng 5-1940, ông tham gia thành lập Hội Cứu tế đỏ gồm 7 người, do ông Trần Ren làm Hội trưởng. Từ đây, ông cùng các đồng chí trong Hội Cứu tế đỏ lập thêm các hội: Tương tế, Ái hữu… để tập hợp và tuyên truyền xây dựng lực lượng cách mạng tại các đồn điền chè ở Gia Lai. Run sợ trước phong trào công nhân ở các đồn điền, bọn mật thám Pháp theo dõi. Tháng 8-1940, chúng đã lần lượt bắt và tống giam tất cả hội viên Hội Cứu tế đỏ. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Gia Lai tháng 8-1945. Tháng 6-1946, Pháp tái chiếm Gia Lai, ông tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp, rồi chống đế quốc Mỹ cho đến ngày thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Khoa đã cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng. Ông từng được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách; được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý, được tôn vinh là cán bộ lão thành cách mạng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Khi nghỉ hưu, ông bà sống đạm bạc, thanh tịnh tại khu chung cư Lê Lợi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Dù đã gần 100 tuổi nhưng bà con ở chung cư luôn cảm động khi ông gặp ai vẫn chân tình xưng hô đồng chí, vẫn luôn vui, lo chuyện của xóm giềng…
Vĩnh biệt ông Nguyễn Khoa-người chiến sĩ cách mạng lão thành. Tên ông đã ghi vào sử sách, hình ảnh giản dị của ông hẳn không phai nhòa trong ký ức mọi người. Còn tôi thì không thể nào quên lời kể của bà Quách Thị Hường về ông năm 1946: Khi ấy, ông là Chủ nhiệm Việt Minh ủng hộ kháng chiến Bàu Cạn. Hưởng ứng chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, ông đã tự đốt căn nhà gỗ của mình, hướng dẫn người dân tản cư. Trong mịt mùng bom đạn, ông bà cùng lên đường đi kháng chiến…
Còn hôm nay, khi một mùa xuân nữa lại về, ông đã thanh thản ra đi.
Quốc Ninh