Việt Nam phấn đấu tổng công suất điện gió năm 2020 đạt khoảng 1.000MW

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
 Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 tổng công suất điện gió đạt khoảng 1.000MW và đến năm 2030 là 6.200MW điện gió.
Ngày 9/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Tọa đàm phát triển điện gió ngoài khơi - Kinh nghiệm Hà Lan và cơ hội cho Việt Nam. Tọa đàm do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Hoàng gia Hà Lan tại Việt Nam tổ chức. Khoảng 150 đại biểu đại diện các doanh nghiệp thuộc Đoàn thương mại điện gió ngoài khơi Hà Lan, các cơ quan Chính phủ, các địa phương và đối tác phát triển tham dự.
 
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu chia sẻ cơ hội và thách thức phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam với các đối tác Hà Lan.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Đức Quân – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khẳng định, nhu cầu về năng lượng của Việt Nam, đặc biệt là điện năng trong giai đoạn 2020-2030 là rất lớn. Nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao, trong khi nguồn cung ứng năng lượng đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến đông với xu hướng tăng cao, thị trường năng lượng của Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới…
Trong bối cảnh đó, ông Quân cho rằng, việc xem xét khai thác các nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng với Việt Nam cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2020 tổng công suất điện gió đạt khoảng 1.000MW và đến năm 2030 là 6.200MW điện gió.
Về hiện trạng phát triển các dự án điện gió của Việt Nam hiện có 197 MW điện gió đang hoạt động; 263 MW điện gió đang được triển khai xây dựng; 412 MW đang ở trong quá trình phê duyệt thẩm định cơ sở. Khoảng 4236 MW đã được phê duyệt bổ sung và tổng công suất điện gió đăng ký là 10.729MW.
Ông Đỗ Đức Quân nhấn mạnh: Hà Lan là một trong 5 quốc gia hàng đầu trên thế giới trong nghiên cứu và phát triển điện gió ngoài khơi. Với các kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo này sẽ góp phần giúp Việt Nam lựa chọn giải pháp tối ưu cho việc phát triển điện gió ngoài khơi một cách phù hợp nhất.
"Phát triển năng lượng tái tạo cũng như điện gió ngoài khơi đã dần từng bước đóng vai trò quan trọng, cung cấp nguồn điện một cách hợp lý, đáp ứng nhu cầu điện trên thế giới. Chính phủ Hà Lan đã công bố lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi vào tháng 3/2018 với mục tiêu đạt công suất 11,5GW điện gió vào năm 2030, cung cấp khoảng 40% nhu cầu điện của quốc gia. Giá bán điện gió ngoài khơi đã giảm 75% kể từ năm 2014, gần đây nhất, Maryland đã ký hợp đồng bán điện gió ngoài khơi với giá 132USD/MWh trong hơn 20 năm cho dự án U.S.Wind có công suất 248MW và dự án Skipjack Wind có công suất 120MW. Ngay sau đó, dự án Vineyard Wind 800MW cũng đã ký hợp đồng bán điện cho 20 năm với giá trung bình là 70USD/MWh…", ông Quân cho hay.
 
(Ảnh minh hoạ: Báo đầu tư)
Chia sẻ những cơ chế, chính sách của Việt Nam trong việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, bà Phạm Hương Giang - Phó Trưởng Phòng Năng lượng tái tạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đặc biệt nhấn mạnh tới Quyết định 39 của Chính phủ (ban hành ngày 10/09/2018) về cơ chế giá điện gió với mức ưu đãi giá FIT cũng như các chính sách khác, như EVN phải ưu tiên mua toàn bộ lượng điện phát cũng như các ưu đãi về thuế ở mức cao nhất hiện nay (được hưởng thuế 0% trong vòng 4 năm đầu; giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp theo và giảm 10% trong các năm từ năm thứ 10 đến năm thứ 20) ; Đồng thời giảm thêm một số loại thuế khác như thuế nhập khẩu thiết bị, thuế môi trường, thuế đất...
Bà Phạm Hương Giang cho biết: "Cơ chế ưu đãi cho phát triển điện gió ở ngoài khơi của Việt Nam cụ thể là Chính phủ đã đặt ra giá điện gió để hỗ trợ cho các dự án ngoài khơi là 9.8 cent/kWh. Các cơ chế khuyến khích bao gồm giá FIT, các ưu đãi về thuế, các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng mua bán điện do Bộ Công Thương ban hành, nghĩa vụ mua bán điện của EVN,.. Tất cả những cơ chế này đều nhằm khuyến khích các chủ đầu tư đầu tư vào các dự án điện gió ở Việt Nam".
Đánh giá cao tiềm năng điện gió ở Việt Nam, ông Hans De Boer - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hà Lan cho rằng, những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn là cơ hội để giảm tải sự căng thẳng trong hệ thống điện của quốc gia.
Từ kinh nghiệm thực tế của Hà Lan trong phát triển năng lượng gió thời gian qua cũng như theo lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi, ông Hans De Boer chia sẻ: "Chính Phủ Hà Lan có thể phối hợp trong việc tạo ra một lộ trình bền vững cho các dự án điện gió ngoài khơi. Chúng tôi có thể phối hợp trong các quá trình, từ thiết lập hệ thống điện hiệu quả, bao gồm kết nối lưới cũng như cung cấp các hoạt động tập huấn để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm ở Hà Lan trên từng lĩnh vực. Tiếp đến là cộng tác giữa mặt tri thức và trí thức, vì chúng tôi triển khai các chương trình nghiên cứu rất lớn, với các doanh nghiệp ở rất nhiều các khía cạnh khác nhau, từ trong đất liền, đến ngoài khơi, sinh thái... Qua đó, chúng ta cũng có thể sáng tạo được rất nhiều những việc khác nhau trong chuỗi giá trị".
Ngoài ra, theo ông Hans De Boer, Hà Lan có thể chia sẻ những kinh nghiệm, những kiến thức, kỹ năng chuyên môn… để nghiên cứu thiết kế xây dựng các trạm năng lượng gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Cũng tại buổi Tọa đàm, những khó khăn, thách thức trong phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam cũng được đặt ra, trong đó, đáng kể như việc thiếu thông tin đánh giá về tiềm năng điện gió ngoài khơi cũng như khả năng nối lưới các dự án sau khi hoàn thành.
Đặc biệt, cả cơ quan quản lý Nhà nước phía Việt Nam cũng nhu các nhà đầu tư đều cho rằng, những quy định tại Luật Quy hoạch có hiệu lực từ đầu năm nay cho thấy rõ những thách thức về tiến độ dự án, bởi thời gian triển khai và hoàn thành các dự án để có thể được hưởng chính sách ưu đãi giá điện gió ngoài khơi theo Quyết định 39 của Chính phủ Việt Nam không còn nhiều (Quyết định quy định giá này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021)./.
Nguyên Long (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm

Peugeot E-408 có thể chạy khoảng 400 km cho mỗi lần sạc, giá trên 1,1 tỷ đồng

Peugeot E-408 có thể chạy khoảng 400 km cho mỗi lần sạc, giá trên 1,1 tỷ đồng

(GLO)- Peugeot E-408, phiên bản chạy điện của mẫu SUV lai coupe 408, là một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại Triển lãm Paris 2024. Dự kiến, đây sẽ là lựa chọn nổi bật trong phân khúc SUV coupe hạng C tại Việt Nam, với thiết kế độc đáo, sang trọng và khả năng vận hành thân thiện môi trường.

Honda Winner X: Sức mạnh đột phá, thiết kế thể thao đầy cá tính với giá trên 46 triệu đồng

Honda Winner X: Sức mạnh đột phá, thiết kế thể thao đầy cá tính với giá trên 46 triệu đồng

(GLO)- Honda Winner X là mẫu xe côn tay thể thao mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa hiệu năng mạnh mẽ và thiết kế hiện đại. Chiếc xe có những cải tiến vượt bậc cả về công nghệ và kiểu dáng, Winner X nghiễm nhiên trở thành lựa chọn hàng đầu của giới trẻ đam mê tốc độ và phong cách.

Piaggio MP3: Chiếc xe tay ga 3 bánh hiện đại cho đô thị với giá 340 triệu đồng

Piaggio MP3: Chiếc xe tay ga 3 bánh hiện đại cho đô thị với giá 340 triệu đồng

(GLO)- Piaggio MP3 không chỉ nổi bật với thiết kế 3 bánh độc đáo, mà còn mang lại sự an toàn và thoải mái trên đường phố đông đúc. Với công nghệ tiên tiến cùng khả năng vận hành linh hoạt, đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai tìm kiếm sự mới lạ và tiện nghi trong phân khúc xe tay ga cao cấp.

Ford Mustang: Mẫu Coupe thể thao bán chạy nhất toàn cầu có giá từ 3,18 tỷ đồng

Ford Mustang: Mẫu Coupe thể thao bán chạy nhất toàn cầu có giá từ 3,18 tỷ đồng

(GLO)- Ford Mustang 2024 là một trong những mẫu xe thể thao đáng chú ý nhất hiện nay với thiết kế cơ bắp, hiệu suất ấn tượng và loạt trang bị tiện nghi hiện đại. Dòng xe này không chỉ đáp ứng nhu cầu vận hành mạnh mẽ mà còn thu hút người dùng nhờ vẻ ngoài hầm hố, đậm chất thể thao.