(GLO)- Cứ mỗi độ Xuân về, khi những chúm mai, đào bắt đầu khoe sắc thì cũng là lúc loài hoa ấy bung những cánh trắng, hồng mỏng mảnh đón Xuân sang. Và có lẽ cũng bởi thế mà người dân ưu ái đặt cho loài hoa ấy cái tên: hoa Anh Đào (có nơi gọi Diệp Anh Đào).
Hoa được dân gian cho “gia nhập” vào họ mai, đào là bởi có nhiều điểm khá tương đồng: là loài thân gỗ, hoa có màu hồng nhạt và trắng, lại nở trúng vào mùa xuân sau khi trút bỏ hết những lớp lá đã trọn một năm khó nhọc đón nắng cho cây. Nhìn xa, loài hoa này khá giống với hoa anh đào của Nhật Bản.
Vẻ đẹp hoa anh đào. Ảnh Lê Hòa |
Chư Pah là nơi còn nhiều loài hoa này nhất. Với người dân một số vùng nơi đây, anh đào hiện diện khắp mọi nơi xung quanh cuộc sống con người: trước nhà, ngoài ngõ, trong vườn… Hoa kết thành những bờ dậu chắc chắn và đẹp đẽ bảo vệ vườn tược. Hoa còn xuất hiện và đem đến chút Xuân ở chốn nơi yên nghỉ của những con người khi đã khuất.
Xuân về, khắp các vùng Ia Khươl, Đak Tơ Ve, Ia Nhin, Ia Phí… (huyện Chư Pah) và rải rác ở rất nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều có thể được chiêm ngưỡng vẻ đẹp loài hoa anh đào dân dã này. Có mặt tại xã Ia Khươl-một trong những xã xa xôi và khó khăn của huyện Chư Pah trong một ngày Tết Nguyên đán cận kề, vượt qua điệp trùng nương đồi bát ngát, những vạt nương mì, lúa chứa đầy vẻ nghỉ ngơi sau mùa thu hoạch, buôn làng hiện ra với những mái nhà thấp thoáng uốn lượn theo cung đường nhựa thẫm màu. Đầu làng Tơ Ve, hai hàng anh đào khá lớn, duyên dáng bên đường, điểm xuyết những nụ chúm chím hồng. “Hoa anh đào xứ mình đó, mình trồng hơn chục năm rồi. Tết nào cũng nở, kéo dài hết tháng 3-4”- già Đinh Hanh (làng Tơ Ve, xã Ia Khươl) cười tươi rói chỉ tay về phía hàng anh đào trước cổng nhà giới thiệu.
Một nhành đào duyên dáng bên giậu vườn. Ảnh Lê Hòa |
Già Hanh bảo, bây giờ chưa phải Tết, thời tiết năm nay lại khá lạnh nên hàng anh đào trước cổng nhà chưa bung sắc rực rỡ. “Cái giống anh đào này có sức sống mãnh liệt đến vô cùng. Dễ trồng, nhanh trổ bông, nhành nhỏ mà hoa thì nhiều vô kể. Hoa nở suốt vài ba tháng mới hết mùa dù mỗi bông hoa chẳng nở được bao lâu đã bị gió cuốn đi mất”- già Hanh kể về hoa anh đào.
Loài hoa anh đào này không kiêu kỳ, bắt con người đổ công đổ sức trong việc trồng, chăm sóc. “Vào mùa mưa, chỉ cần chọn một nhành đào bánh tẻ, dài khoảng 40-50 cm sau đó cắm xuống vùng đất được xới tơi xốp, chẳng mấy chốc cây nhú mầm. Trồng mùa trước, mùa Tết sau đã có hoa đón Tết rồi”- già Hanh nói.
Anh đào đợi Xuân về khoa sắc. Ảnh Lê Hòa |
Bà Rơ Chăm H’Yéo là một người con của vùng đất Chư Paăh. Đây cũng là nơi ghi dấu những tháng ngày bà gắn bó và cống hiến cho cách mạng. Bà chia sẻ rằng, trong thời kỳ kháng chiến, vùng quê bà vẫn chưa thấy có loài hoa ấy. Sau giải phóng, khi người Kinh từ các miền đổ về đây làm kinh tế mới thấy có giống hoa này. Ban đầu là dọc tuyến đường 14 đi lên Kon Tum, sau thấy đẹp, bà con các xã, vùng khác mới thi nhau đem về trồng và nhân rộng như ngày nay. “Ấy là một loài hoa đẹp và có sức sống vô cùng mãnh liệt, như con người Tây Nguyên vậy”- bà H’Yéo tươi cười nhận xét.
Không sang quý như đào, mai vốn là những loài hoa được tôn vinh trong Tết truyền thống của dân tộc, hoa anh đào xứ cao nguyên bazan kiêu hùng chảy dọc dãy Trường Sơn đem đến một nét riêng đẹp mà bình dị, gần gũi. Với những người yêu vẻ đẹp các loài hoa, hẳn sẽ ngạc nhiên và thích thú vô cùng khi được nhìn ngắm những tàng cây trắng muốt hay hồng phai nhẹ đung đưa trong gió dưới sắc trời trong vắt miền cao nguyên. Trên những nhánh cây nhỏ bé và nhìn có vẻ khẳng khiu là những chùm hoa rực rỡ bởi hàng trăm bông hoa chen nhau khoe sắc. Sức sống tiềm ẩn trong cây được bung thành những chùm hoa đẹp và tràn đầy sức sống. Và, bởi hoa chóng tàn nên mùa hoa nở, dưới gốc anh đào cũng là một thảm cánh anh đào dày đặc, tạo nên nét lãng mạn riêng.
Những bóng anh đào khoe sắc mang đến nét đẹp riêng cho mùa xuân cao nguyên. Ảnh Lê Hòa |
Bà con người Jrai, Bahnar không có truyền thống đón Tết Nguyên đán nhưng sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người đã khiến nét đẹp này đã và đang bước vào cuộc sống của một bộ phận gia đình họ, ở những mức độ nhất định. Hẳn nhiên, loài hoa anh đào vốn “bén duyên” với cao nguyên khát cháy ấy cũng đã chiếm lĩnh một góc riêng tạo nên chút hồn, chút vẻ cho những bản làng trong những ngày Xuân.
Lê Hòa