(GLO)- Ngồi trên xe về Kbang trong một ngày nắng nhấp nhóa mặt đường, tôi chợt nhớ, té ra, chuyến đi công tác đầu tiên trong đời công chức của mình khi đặt chân lên Pleiku nhận việc chính là về Kbang.
Ấy là chuyến đi điền dã văn nghệ dân gian với đoàn của Giáo sư Tô Ngọc Thanh. Thời ấy thấy cái gì cũng tròn mắt ra nhìn. Vào nhà người ta lúc nhọ nhẹ mặt người, cứ ngồi to hó trong góc nhà nhìn và nghe mọi người nói với nhau bằng tiếng Bahnar. Ăn bữa cơm chiều đầu tiên với “văn hóa ẩm thực” Tây Nguyên là ở đây. Ấy là một cái nồi cơm rất to, khói nghi ngút và thơm lựng. Một nồi cà đắng cũng bốc khói, một cái tô mẻ, trong ấy là muối giã với ớt và lá é. Chả thấy bát đũa thìa nỉa đâu cả, chủ nhà thì cứ liên tục giục “Sa ngo”. Một người biết tiếng Kinh dịch là ăn, bà con mời ăn đi. Ăn thì tất nhiên thôi, đói rồi mà, nhưng ăn thế nào? Một quả bầu được chuyền tới, dốc nước trong ấy ra rửa tay. Rửa một tay thôi và bốc. Sau này sang Malaysia thì thấy, té ra cái chuyện ăn bốc có khi nó còn… văn minh hơn ăn đũa hay dao nỉa, bởi ngoài cái miệng, cái lưỡi, cái mắt, cái mũi… còn thêm các ngón tay được cảm nhận cái ngon lành ngọt ngào, cái tinh tế bâng khuâng của những món ăn.
Về khu làm việc của Tỉnh ủy Gia Lai những năm 1972-1974. Ảnh: Bích Hà |
Lần này tôi đã ôm vô lăng chạy hơn 100 cây số đến Kbang. Đường Đông Trường Sơn rất ngon, lại vắng người. Nhoang nhoáng nắng, nhoang nhoáng Kon Ka Kinh ẩn hiện loang lổ xanh. Thấy loang lổ bởi vẫn có những vệt rừng loang hoang cháy. Chợt nhớ hồi xuống đây, khi nó còn là Liên hiệp Lâm-Công-Nông nghiệp Kon Hà Nừng, thực chất là Đoàn 332 làm kinh tế, hồi rừng còn ken dày bên đường, xe chui dưới tán cổ thụ. Hồi ấy tôi đi tổ chức một cái trại sáng tác, đơn vị này mời về một tuần, các nhà văn nhà thơ Khuất Quang Thụy, Phạm Đình Ân… xuống và viết rào rào như mưa rừng, sau liên hiệp còn in một tập sách mỏng. Nằm cả tháng trời, khổ như... lính, dù mang danh nhà văn về đi thực tế. Nhưng nhờ thế mà có cơ sở để so sánh, từ trước khi tôi về, khi về và bây giờ...
Nơi đây ngày trước là chiến khu của Tỉnh ủy Gia Lai, có một địa danh mà thời ấy rất nhiều người mơ ước được đến, là thị trấn Dân Chủ. Thời chiến tranh, nó là hiện thân của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và vì thế mà được đặt tên là Dân Chủ... Nghe nói cán bộ ở tận Kon Tum, hay bên Đak Lak, những người hoạt động trong rừng ngày ấy, tranh thủ đi qua, hoặc được nghỉ, đều cố đến cho được thị trấn Dân Chủ này, dù phải đi bộ mất mấy ngày đường theo đường giao liên đầy nguy hiểm…
Ngày ấy, rừng đúng là rừng. 5 giờ chiều mà ngửa cổ nhìn lên đã âm u, những con người nhỏ bé và cô đơn nổi lửa bữa chiều, khói vấn vít quyện vào cổ thụ, vào âm u, vào tịch mịch, vào cái hoang sơ vẫn còn cất giữ giữa những tầng cây xen với lá với dây leo với những con sóc tinh nghịch nhìn chúng tôi như giễu cợt lại như tò mò. Bí ẩn và thâm nghiêm. Giờ, tất cả phơi ra dưới nắng, chỉ thấy mây bay dưới cái chang chang nhức mắt.
Đúng lúc tôi đang run rẩy trên chiếc cầu treo tự tạo của dân dài phải đến 500 mét bắc qua suối để vào khu căn cứ Dân Chủ cũ thì ông Lê Huy Mậu gọi điện. Cái cầu treo rất kinh, nó dài và yếu. Biết là không thể ngã, nhưng nó cứ chung chiêng giữa trời thế kia, trên là mây trắng, dưới là lổn nhổn, cầu là 3 sợi cáp kéo từ bên này sang bên kia, lót ván lên 3 sợi cáp dằng dặc ấy. Nhưng không phải chỗ nào cũng có ván, nhiều chỗ chỉ còn nhõn sợi cáp. Tôi đứng lại quẹt mồ hôi và trả lời: Tí em gọi lại chứ em đang giữa cầu treo. Lão này chắc tưởng cầu treo này giống sông quê khúc hát của lão nên cứ nói ầu ơ dai dẳng, tôi phải chủ động tắt…
Làng định cư xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: Văn Ngọc |
Trước khi vào Dân Chủ trời nắng chang chang, tôi nghe một bác cựu chiến binh nói rằng trời này thế nhưng vào rừng là mưa nên nói chú em đi cùng chuẩn bị mấy cái áo mưa. Và quả là không thừa. Vừa run rẩy qua cầu treo xong thì mưa, như trút nước, mưa rừng sầm sập. Trước đấy trời tối sầm khi chúng tôi bước những bước chân đầu tiên vào rừng.
Mưa tạt như bão, ướt sạch. Tôi lút thút trước căn hầm có biển đề “hội trường”, rồi vuốt nước mưa đọc cái biển “căn tin” bên cạnh và hình dung nơi này ngày xưa đã phục vụ ai, những gì. Nghe kể thời ấy có mấy bác nằm võng, một bác vô tình đánh rơi hạt muối gói trong nilon cất rất kỹ trong túi. Thế là mấy bác mất nguyên buổi sáng đào tung đám đất đá dưới ấy tìm bằng được hạt muối quý hóa kia. Nơi này cũng không xa “làng Kông Hoa” xưa của ông Núp, nơi dân làng đã đốt cỏ tranh thay muối, có vài hạt muối làng giữ hơn giữ… con ngươi mắt mình, chỉ để cho trẻ em, bà đẻ và người già sắp chết…
Là tôi trở lại cái nơi mười mấy năm trước đã tới, đã nhận cơn sốt rét rừng đầu tiên ở đấy, đã từng cùng ông lái xe của ông Núp (khi ấy là Chủ tịch Mặt trận tỉnh Gia Lai-Kon Tum), với 1 con dao găm và 1 cái rựa, ngả 1 con chó dân làng khiêng ra đãi ông Núp từ 21 giờ đêm đến 24 giờ thì xong và bắt đầu bữa ăn chiều. Bạt ngàn rau lốt, tôi giới thiệu với mọi người, nhờ rừng lá lốt này mà món thịt chó tôi làm hồi ấy dẫu không mẻ, mắm tôm... mà nó vẫn ngon đến thế.
Cứ tiếc vì mưa mà chúng tôi không thực hiện được dự định: ăn một bữa ăn dã chiến tại “thị trấn Dân Chủ”, có thể là ngay tại cái hội trường mà tôi đang cố nép vào gốc cây cổ thụ để đỡ đi cái rát rạt của mưa tạt, dẫu chỉ là treo cặp lồng lên bếp lửa nấu nước sôi rồi thả mì tôm vào. Nhìn quanh, chao ơi là ớt, bạt ngàn ớt, toàn loại bé như hạt lúa, chỉ thiên. Anh bạn đi cùng giải thích: ớt cán bộ trồng từ hồi chiến tranh, giờ nó cứ thế phát triển. Trong rừng, cơm không có ớt là không nuốt được, vì thức ăn chỉ có… ớt.
Tôi hình dung cặp lồng mì tôm nóng hổi với những quả ớt kim bỏng rẫy, xé lưỡi mà lại dôn dốt ngọt. Mưa, mưa rừng, sét đánh nhoáng nhoàng rất hãi, lần đầu tôi hưởng trọn vẹn một cơn mưa rừng ngay ở một nơi từng là rừng, giờ vẫn còn là rừng, nhưng đã kịp thưa rất nhiều…
Văn Công Hùng