Tuyển dụng thừa rồi yêu cầu 79 cán bộ vùng sâu đi thi công chức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Nhiều công chức "tạm tuyển" dù đã lớn tuổi, sắp về hưu nhưng vẫn phải đi thi công chức ở huyện M'Đrắk. Ảnh: HL
Việc tổ chức tuyển dụng, thi tuyển, xét tuyển công chức “tạm tuyển” của huyện M’Đrắk tồn tại nhiều sự bất nhất. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến 79 trường hợp cán bộ công tác từ 10-20 năm bị mất các chế độ của nhà nước.
Chính quyền sai, sao cán bộ phải chịu?
Bà Nguyễn Thị Lượng – cán bộ phòng Thống kê xã Cư Prao, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) phản ánh, năm 2012, bà được UBND huyện M’Đrắk ký quyết định tạm tuyển chờ thi tuyển công chức. Năm 2016, UBND M’Đrắk ban hành quyết định về việc nâng bậc lương cho  công chức cấp xã đối với bà Lượng.
Tuy vậy, từ tháng 10.2015-10.2017, địa phương bất ngờ cắt chế độ phụ cấp công vụ, cắt phụ cấp thu hút đối với bà Lượng và hàng chục người khác trên địa bàn.
“Tôi thắc mắc nếu tuyển dụng tôi từ đầu là công chức “tạm tuyển” thì tại sao huyện lại đồng ý nâng bậc lương, qua đó thừa nhận tôi là công chức vào năm 2016?” – bà Lượng bức xúc.
Tương tự, ông Nguyễn Đăng Khôi – công chức tư pháp hộ tịch UBND xã Ea M’đoal kể, năm 2000, ông được huyện M’Đrắk tuyển dụng làm Phó Trưởng Công an xã Ea M’đoal. Đến năm 2004, huyện M’Đrắk quyết định phân bố cán bộ chuyên trách – công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách xã, thị trấn.
Cũng như trường hợp bà Lượng, ông Khôi bị cắt toàn bộ các chế độ của nhà nước đối vì ông là công chức “tạm tuyển”.
“Nếu huyện M’Đrắk coi chúng tôi là công chức “tạm tuyển”, sao nhiều năm trước không tổ chức thi tuyển để bây giờ, cán bộ chúng tôi đều lớn tuổi lại yêu cầu đi thi công chức” – ông Khôi thắc mắc.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra với các ông Bùi Trần Anh Tuấn – công chức xã Ea M’đoal, ông Ngô Đức Ảnh, Nguyễn Văn Hợi  - công chức xã Cư Prao, Trần Thị Diện, Phan Thị Hương – cán bộ xã Cư Króa…
Phần thiệt  thuộc về cán bộ
Đáng nói, mặc dù bị cắt các chế độ, nhưng ngày 23.8.2019, Thanh tra huyện tiến hành làm việc với Phòng Tài chính Kế hoạch và Phòng Nội vụ thì cả hai đơn vị này đều khẳng định UBND huyện chưa ban hành văn bản nào cắt các chế độ đối với công chức cấp xã, mà hằng năm vẫn cấp đầy đủ về cho các xã, thị trấn.
Lý giải về việc tuyển dụng công chức trong nhiều năm dài với dạng “tạm tuyển”, ông Hồ Tuấn Anh – Trưởng phòng Nội vụ huyện M’Đrắk thừa nhận, việc tuyển dụng 79 trường hợp công chức “tạm tuyển” là do yếu tố lịch sử. Theo ông Tuấn Anh, quá trình tuyển dụng dư thừa công chức là do trách nhiệm của các sở ngành từ tỉnh đến huyện và có thiếu sót của cả hệ thống.
Trước tình hình trên, tháng 10.2018, Bộ Nội vụ có văn bản về việc tuyển dụng công chức cấp xã đối với địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Trong văn bản, Bộ Nội vụ nêu rõ, những người được tiếp nhận làm công chức cấp xã từ 1.1.2010 đến nay phải thông qua tuyển dụng công chức cấp xã theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Tuy vậy, ông Tuấn Anh thừa nhận, UBND huyện M’Đrắk chưa từng tổ chức kỳ thi cho các công chức “tạm tuyển” trên địa bàn.
Đáng nói, trong quá trình ban hành văn bản nâng bậc lương, như trường hợp bà Lượng, ông Khôi… đã nêu ở trên, huyện M’Đrắk lúc thừa nhận họ là công chức, lúc lại cho rằng họ chỉ là công chức “tạm tuyển”.
“Việc xét bậc lượng là vì anh em đủ điều kiện để xét. Tuy vậy, đủ điều kiện nhưng sau đó cũng phải thi tuyển hoặc xét tuyển mới chính thức là công chức cấp xã”  -  ông Tuấn Anh nói.
“Sau khi tính toán, chúng tôi đã thống nhất đưa 79 trường hợp này thi tuyển theo quy định” – ông Tuấn Anh nói và cho biết, đối với những trường hợp không đậu thì buộc phải nghỉ việc.

Khoản 2 điều 37 Luật Công chức năm 2008 có nêu: Người có đủ điều kiện quy định như: Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ…, cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển.

Hữu Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm