(GLO)- Sau khi có kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, dù dư điểm để xét tuyển vào đại học nhưng một số bạn trẻ lại xin phép gia đình được trì hoãn 1 năm. Sợ con lãng phí những tháng năm tuổi trẻ và mất thói quen đèn sách nên không phải phụ huynh nào cũng đồng tình.
Ảnh nguồn internet |
“Gap year” (năm trì hoãn) là khoảng thời gian trống sau khi tốt nghiệp THPT hoặc đại học mà các bạn trẻ dành để thực hiện những mục tiêu cá nhân, theo đuổi đam mê của mình, sau đó quay trở lại việc đèn sách với quyết tâm cao hơn. “Gap year” không nhất thiết là một năm như tên gọi mà có thể là nửa năm hoặc vài ba năm tùy vào mục tiêu của mỗi người. Khoảng lặng này nhằm tích lũy kinh nghiệm sống hoặc định hình lại bản thân sau thời gian dài chịu áp lực từ gia đình, trường lớp và thi cử, như cái “chiếu nghỉ” giữa những cầu thang lên tầng.
“Gap year” đem lại ít nhất 3 cái lợi: Trước tiên, con có cơ hội được mở rộng tầm mắt (ngắm nhìn cảnh quan và con người tại những vùng đất mới), đồng thời thấu hiểu hơn về văn hóa và phong tục của những dân tộc khác, dỡ bỏ hàng rào định kiến trước đó. Thứ hai, con có thời gian nhìn lại chính mình, đánh giá toàn diện về bản thân để phát huy điểm mạnh và khắc phục nhược điểm. Thứ ba là trang bị những kỹ năng cần thiết khi “ra riêng” (quản lý tiền bạc, rèn tính tự giác, chăm sóc bản thân trong thời gian dài), biết xử lý những tình huống thực tế ngỡ “chẳng là gì” khi còn sống chung với cha mẹ.
Tuy nhiên, phụ huynh chỉ nên ủng hộ “gap year” khi con giải thích được lý do, lên chương trình rõ ràng và trình bày được cách thực hiện. Hãy cùng con lập kế hoạch cụ thể, xác định mục tiêu và lộ trình để đạt được mục tiêu ấy.
Nếu mục tiêu đặt ra là định hình lại bản thân, cần trả lời được câu hỏi: “Con đang là ai?”, “Có những khả năng gì?”, “Con muốn trở thành người như thế nào?”. Nếu mục tiêu là tích lũy kinh nghiệm, cần xác định lịch học chi tiết, các kỹ năng cần cải thiện, thời gian hoàn thành việc học và “những việc cần làm ngay” khi “gap year” kết thúc.
Trong tâm trạng phấn khích, bay bổng trước những dự định đề ra, bạn trẻ dễ trở nên thiếu thực tế, vì thế cha mẹ cần trao đổi kỹ với con chuyện tiền bạc, cùng con liệt kê mọi khoản chi phí cho “năm trì hoãn”, những việc làm giúp con có thêm thu nhập trang trải cuộc sống độc lập bên cạnh nguồn tài chính từ cha mẹ.
Cũng đừng quên chuẩn bị “phương án 2” khi mọi sự diễn ra không theo dự kiến (việc làm thêm đem lại thu nhập không ổn định, thậm chí phải đền tiền vì sai sót hoặc bị quỵt tiền công, dự định khởi nghiệp bị cụt ý tưởng, viết sách tắc tị vì thiếu trải nghiệm…). Chẳng ai dám chắc “gap year” sẽ thành công “trên cả sự mong đợi” nên phải luôn đề phòng trường hợp xấu nhất để hạn chế tổn thất về tài chính và tinh thần cho cả gia đình.
Theo tôi, với những gia đình kinh tế bấp bênh, bản thân con chưa sẵn sàng về mặt sức khỏe hoặc tinh thần thì “gap year” chưa hẳn là lựa chọn tối ưu. Vì đâu phải lúc nào ta cũng có thể làm điều mình muốn. Nhiều bạn trẻ có những giải pháp rất linh hoạt như: rút ngắn thời gian học, đi làm sớm, tranh thủ thời gian rảnh để rèn luyện kỹ năng, vừa làm vừa học thêm môn mình thích... Nếu con chán học vì ngành học và môi trường không phù hợp thì cần cân nhắc việc chuyển trường, kẻo để lại những lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng và sự tự tin vốn có.
Nhiều cha mẹ từ chối thẳng thừng “gap year” của con, vì sợ “năm trì hoãn” bị biến thành kỳ nghỉ trá hình, lãng phí một khoảng thời gian vô ích. Hoặc cha mẹ đã chứng kiến ai đó kết thúc “năm trì hoãn” với tâm trạng buồn chán thất vọng, sau đó lại mất thêm thời giờ thích ứng với môi trường cũ. Nhưng như nhà khoa học A.Turgot (Pháp) từng viết: “Có người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì có khác nào chân đã gãy?”. Cha mẹ hãy cứ buông tay để con tự đi, tự chạy và tự chịu trách nhiệm đời mình.
Th.S Nguyễn Lan Hải