Tuổi càng nhiều càng dễ bị bệnh xương khớp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nên đi bộ, tập luyện nhẹ nhàng mỗi ngày, hạn chế lao động quá sức, bổ sung canxi kết hợp chế độ ăn uống đầy đủ chất...

 Ở giai đoạn sớm Xquang không phát hiện được các bệnh lý xương khớp mà phải cần tới chụp phim MRI. Ảnh: MT.
Ở giai đoạn sớm Xquang không phát hiện được các bệnh lý xương khớp mà phải cần tới chụp phim MRI. Ảnh: MT.



Các vấn đề về loãng xương, thoái hoá khớp, đau gối, đau lưng là những bệnh lý thường gặp nhất ở người cao tuổi. Chúng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra các cơn đau làm người bệnh khó chịu, giảm khả năng vận động, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.

Tiến sĩ Phạm Chí Lăng, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quốc tế City cho biết, càng lớn tuổi chất lượng xương và sụn khớp càng suy giảm. Từ đó khả năng hấp thu canxi vào trong xương kém, gây ra tình trạng loãng xương. Quá trình loãng xương diễn tiến tự nhiên, âm thầm từ từ chứ không xuất hiện đột ngột, biểu hiện rõ ràng như các bệnh lý khác. Các vấn đề của loãng xương lại khá nguy hiểm, gây cản trở trong sinh hoạt, đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh.

Có nhiều nguyên nhân gây loãng xương. Trong đó nguyên nhân khách quan tác động bởi yếu tố tuổi tác. Tỷ trọng khoáng chất của xương ở người già sẽ bị suy giảm một cách đáng kể. Theo thời gian, sụn khớp bị mòn dần đi, khi mòn nhiều sẽ gây đau khớp, đi lại khó khăn. Hiện tượng mòn sụn khớp ở khớp gối hay còn gọi là thoái hóa khớp gối.

Những người thừa cân, béo phì hay khi còn trẻ bị chấn thương khớp, tật bẩm sinh, mắc các bệnh về chuyển hóa, di truyền cũng làm tăng nguy cơ ảnh hưởng tới các khớp xương.

Ở người ngoài 50 tuổi, nếu thấy triệu chứng đau mỏi thường xuyên kèm theo một số biểu hiện như thấy khớp bị co cứng vào mỗi sáng khi thức dậy, những cơn đau khớp xuất hiện bất thình lình khi thời tiết thay đổi, nên nghĩ đến bệnh đau khớp ở người cao tuổi.

 Việc chẩn đoán thường dựa trên lâm sàng và X-quang. Ở giai đoạn sớm, X-quang không phát hiện được hoàn toàn mà phải cần tới chụp phim MRI để thấy các tổn thương xương sớm. Ở giai đoạn này có thể điều trị bằng các phương pháp như tập vật lý trị liệu, dùng thuốc giảm đau khi đau nhiều, hạn chế lao động nặng hay tập luyện thể thao nhiều đông tác khó.

Bác sĩ Lăng khuyến cáo, để phòng tránh các bệnh lý loãng xương, đau lưng, đau khớp gối ở người cao tuổi, nên có chế độ sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng, đều đặn mỗi ngày như đi bộ, tập thể dục. Hạn chế lao động nặng, quá sức. Về chế độ dinh dưỡng, nên bổ sung canxi kết hợp chế độ ăn uống đầy đủ chất, khoa học. Nếu có hiện tượng nghi ngờ về khớp cần đi khám bác sĩ ngay để được tư vấn đầy đủ.

Mỹ Lê (VNE)

Có thể bạn quan tâm