Từ giấc mơ Kpop ở nhạc Việt đến cú ngã ngựa của Sơn Tùng M-TP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sơn Tùng M-TP không giấu niềm đam mê với G-Dragon (Big Bang), cũng như không giấu tham vọng được trở thành người giống như thủ lĩnh Big Bang của Kpop.
Giấc mơ Kpop ở nhạc Việt
Có nhiều ca sĩ trẻ của Vpop chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Kpop, nhưng Sơn Tùng M-TP luôn là một “biểu tượng”. Từ phong cách thời trang, cách xây dựng hình ảnh đến những sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng – luôn vướng tranh cãi đạo nhái vì luôn có nét giống với các sản phẩm Kpop.
Bản thân Sơn Tùng M-TP chưa bao giờ giấu diếm niềm đam mê mãnh liệt dành cho G-Dragon. Sơn Tùng từng bị coi là bản sao của thủ lĩnh Big Bang khi luôn cố tình ăn mặc, nhuộm tóc, xăm hình giống G-Dragon. Sơn Tùng thừa nhận chịu ảnh hưởng lớn từ Kpop.
Sơn Tùng M-TP từng ôm nhiều hoài bão, tham vọng với âm nhạc một phần nhờ Kpop truyền cảm hứng. Khi Kpop bước ra thế giới, Sơn Tùng M-TP cũng từng chia sẻ, mong muốn được bước ra thế giới như thế.

 
Sơn Tùng M-TP luôn muốn xây dựng hình ảnh giống như G-Dragon (Big Bang). Ảnh: CMH
Sơn Tùng M-TP luôn muốn xây dựng hình ảnh giống như G-Dragon (Big Bang). Ảnh: CMH
Ở Vpop, nhiều nhóm nhạc từng được thành lập theo mô hình Kpop. Năm 2019, nhóm nhạc D1Verse được thành lập với 5 thành viên theo đúng chuẩn Hàn Quốc.
Nhóm nhạc D1Verse từng được RBW - một công ty giải trí nổi tiếng của Hàn Quốc, hiện đang quản lý nhóm Mamamoo sang Việt Nam chọn lựa thành viên, đào tạo và thành lập nhóm. D1Verse ra mắt MV Monster vào năm 2020 theo đúng mô hình, tiêu chuẩn của Kpop.
Tương tự như D1Verse, nhóm nhạc SGO48 được thành lập với đội hình 28 thành viên vào năm 2018 theo mô hình AKB48 của Nhật Bản. Nhóm T.A.S cũng được thành lập với giấc mơ sẽ là nhóm nhạc “chuẩn” Kpop hoạt động tại thị trường nhạc Việt.
Thông qua những dự án hợp tác, giấc mơ Kpop từng được nhen nhóm và kỳ vọng sẽ làm nên chuyện ở Vpop. Thế nhưng, giấc mơ đã nhanh chóng sụp đổ, vì nhiều lý do.
Vpop không có chỗ cho mô hình nhóm nhạc Kpop
Sau 2 năm tồn tại tĩnh lặng, nhóm D1Verse tuyên bố tan rã vào đầu 2022. Đại diện D1Verse cho biết, họ đã chờ đợi và cố gắng suốt 2 năm qua nhưng công ty quản lý của Hàn Quốc RBW đã thông báo họ phải dừng lại vì không thể tiếp tục hoạt động.

Mô hình nhóm nhạc Kpop không tồn tại được tại thị trường nhạc Việt. Ảnh: NSX
Mô hình nhóm nhạc Kpop không tồn tại được tại thị trường nhạc Việt. Ảnh: NSX
Nhóm nhạc SGO48 tồn tại được lâu hơn, trong khoảng 3 năm, phát hành được 4 MV, nhưng các sản phẩm này đều không gây được chú ý. Cuối cùng, tháng 12.2021, nhóm tuyên bố tan rã.
Hàng loạt nhóm nhạc được xây dựng theo mô hình Kpop đều ngậm ngùi tuyên bố tan rã sau thời gian “vật vờ” tồn tại. Nhóm T.A.S (tên nhóm viết tắt của Time and Space) thành lập với 5 thành viên cũng nhanh chóng tan rã sau khi phát hành duy nhất một MV.
Thị trường nhạc Việt không có cơ chế hoạt động phù hợp dành cho các nhóm nhạc. Nếu Kpop có cả hệ thống chuyên nghiệp giống như bộ máy công nghiệp với nhiều thành phần từ đơn vị quản lý, đào tạo, đến các chương trình giải trí hỗ trợ cho các nhóm nhạc hoạt động, Vpop lại là thị trường ưa chuộng ca sĩ hát đơn lẻ.
Kpop được đồng bộ hóa một cách chuyên nghiệp từ những lò đào tạo ca sĩ thần tượng, thành lập nhóm nhạc, quản lý nhóm nhạc và đưa nhóm nhạc lên sân khấu trình diễn.
Ở thị trường nhạc Việt việc chi tiêu cho một nhóm nhạc là quá tốn kém. Vợ chồng ca sĩ Ông Cao Thắng – Đông Nhi có công ty đào tạo và quản lý một số nhóm nhạc là UNI5, LipB. Ông Cao Thắng từng cho biết, việc quản lý một nhóm nhạc gồm nhiều thành viên rất phức tạp. Việc nuôi cả một bộ máy cồng kềnh từ quản lý nhóm nhạc, tổ chức ăn uống, tập luyện, đi lại, mua sắm phục trang...  tốn kém hơn rất nhiều so với một ca sĩ solo.
Trong khi đó, giới bầu sô cũng có xu hướng mới ca sĩ hát đơn để dễ dàng tiết kiệm chi phí. Khi mời một nhóm nhạc biểu diễn, bầu sô sẽ phải trả cát-sê cho tất cả các thành viên. Chưa kể, việc mua vé máy bay, sắp xếp phòng khách sạn lưu trú cho một nhóm nhạc cũng phức tạp hơn một ca sĩ hát đơn.

Hàng trăm nhóm nhạc làm nên đế chế hùng mạnh cho Kpop. Vpop không phải là thị trường được đầu tư để phát triển mô hình nhóm nhạc. Ảnh: Xinhua
Hàng trăm nhóm nhạc làm nên đế chế hùng mạnh cho Kpop. Vpop không phải là thị trường được đầu tư để phát triển mô hình nhóm nhạc. Ảnh: Xinhua
Khi chưa có cơ chế hoạt động đồng bộ, mô hình nhóm nhạc Kpop đã thất bại nhanh chóng ở Vpop.
Trở lại giấc mơ của Sơn Tùng M-TP. Sơn Tùng với “chiếc áo rộng” của G-Dragon cũng đã ôm rất nhiều hoài bão, muốn tiến ra thế giới. Chính vì bị thôi thúc bởi hoài bão này, Sơn Tùng đã sáng tác và phát hành ca khúc bằng tiếng Anh đầu tiên, “There is no one at all”.
Tiếc rằng, bước đột phá này lại đánh dấu một cú ngã ngựa nhớ đời khi MV “There is no one at all” có nội dung, hình ảnh tiêu cực, tăm tối. Nói thêm, ngay cả sự tăm tối ở MV này cũng gợi nhắc đến Big Bang của Kpop.
Theo Mi Lan (LĐO)

Có thể bạn quan tâm