Hãng cho rằng khó đạt điều kiện nội địa hoá nội khối 40% đối với những xe nhập từ ASEAN, vì vậy khó lòng được hưởng thuế ưu đãi 0%.
Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Trường Hải thay mặt hãng xe này có kiến nghị tới Chính phủ tiến hành hậu thanh kiểm tra với xe con đã nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN, hưởng thuế nhập khẩu 0%. Lý do mà hãng đưa ra là rất khó để đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối 40%. Đây vốn là điều kiện để xe nhập khẩu được hưởng thuế 0%.
Điều này đồng nghĩa với việc, Thaco cho rằng những xe đã về nước có thể thực tế không đạt được mức nội địa hóa trên, và phải chịu thuế cao hơn mức 0%. Như vậy cần hậu thanh kiểm tra nhằm "tránh gian lận thương mại và thất thu thuế".
Ông Tài hồi tháng 10/2018 từng phân tích, nội địa hóa là bài toán khó đối với doanh nghiệp ôtô vì cần bí quyết công nghệ và sản lượng lớn. Tức nếu sở hữu công nghệ đồng thời sản xuất số lượng nhiều thì mới mong giảm chi phí, từ đó có cơ sở kêu gọi các nhà sản xuất linh phụ kiện. Trong khi dung lượng thị trường Việt Nam còn tương đối nhỏ, đầu ra ít nên khó có thể giải quyết bài toán sản lượng. Bởi vậy, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa là rất khó khăn.
Camry là một mẫu xe nhập từ Thái Lan chịu thuế 0%. |
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia chiến lược của một hãng xe Nhật tại Việt Nam cho rằng, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam vẫn là câu chuyện "con gà, quả trứng". Khi tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ giảm giá xe từ đó tăng sản lượng. Nhưng nếu chưa có sản lượng, không có cơ hội để thu hút công ty linh phụ kiện, từ đó không thể tăng tỷ lệ nội địa hóa.
"Nếu để thị trường tự điều tiết, cách duy nhất là phải chờ đợi", vị này chia sẻ. Các hãng phải chờ nhiều năm nữa, khi nền kinh tế phát triển, giá xe dần dần giảm, lượng xe sản xuất và bán ra tăng lên, từ đó mới có hiệu quả.
Còn một cách nữa để tăng tỷ lệ nội địa hóa ngay lúc này, dù sản lượng chưa cao, là sự can thiệp của Chính phủ, có những ưu đãi lớn, dài hạn để hỗ trợ hãng xe cũng như các doanh nghiệp trong mạng lưới công nghiệp phụ trợ. Đây có thể là hướng đi của Việt Nam những năm tới.
Tuy nhiên, đó là tình huống của Việt Nam, còn với các nước mạnh về sản xuất ôtô trong khu vực như Thái Lan, Indonesia thì để đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% là không khó. Do vậy, nói các xe nhập từ ASEAN không đủ điều kiện hưởng thuế 0% là không có cơ sở.
Chuyên gia phân tích, ngành công nghiệp ôtô Thái Lan đi trước Việt Nam hàng chục năm, đã từng trải qua giai đoạn khó khăn như vậy, nhưng Chính phủ nước này đã có những chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy người dân mua xe, tạo điều kiện năng suất.
Cấu trúc nền công nghiệp ôtô Thái Lan, tổng hợp dựa trên số liệu của Thai Automotive Industry Association năm 2010. |
Cách làm của Thái Lan từ năm 1960 đi qua các giai đoạn từ sửa chữa xe CBU tới lắp ráp thành phẩm rồi chuyển sang sản xuất phụ tùng và cao nhất là tập trung vào R&D để biến nước này thành trung tâm công nghiệp ôtô của vùng. Mạng lưới các nhà cung cấp được phân bổ thành dạng kim tự tháp như hình trên.
Hiện nay ngành công nghiệp Thái Lan sản xuất khoảng 2 triệu xe mỗi năm. Số lượng lớn là cơ sở để tăng tỷ lệ nội địa hoá. Hiện những xe của Toyota nhập khẩu như Camry từ Thái Lan có tỷ lệ nội địa hoá hơn 60%, Fortuner từ Indonesia cũng có con số tương tự. Các hãng khác nhập Thái như Honda, Ford, Mitsubishi cũng đều cho biết xe có tỷ lệ nội địa hoá cao hơn 40%, hưởng thuế nhập khẩu 0%.
Ba tháng đầu 2019, lượng xe từ ASEAN đổ về nước là 39.000 chiếc. Tức quý I năm 2019 đã bằng nửa năm 2018 (đạt 78.200 xe). Xe nhập khẩu hiện là "cái gai trong mắt" của những hãng tập trung sản xuất như Trường Hải hay Hyundai Thành Công và cả VinFast.
Việc thuế nhập khẩu 0% từ ASEAN khiến xe nhập thêm lợi thế, vì vậy càng có nhiều hàng rào với xe nhập khẩu, cơ hội của xe lắp ráp càng rõ rệt. Sắp tới, thêm một chính sách nữa ủng hộ xe lắp ráp nhiều khả năng sẽ được áp dụng là miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước. Đây cũng là điều mong mỏi mà Trường Hải và Hyundai Thành Công ra sức đề xuất thời gian qua.
Đức Huy (VNE)