Trung Quốc tăng nhập, giá sắn tăng mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Giá sắn (khoai mì) xuất khẩu tăng khoảng 20 USD/tấn, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh trong tháng 2. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất trong nước lại đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu vì dịch bệnh.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, giá sắn xuất khẩu trong tháng 2 tăng khoảng 20 USD/tấn so với tháng 1.2023; sản phẩm sắn lát có giá khoảng 280 - 310 USD/tấn tùy loại (giá FOB tại cảng Quy Nhơn), còn tinh bột sắn từ 455 - 485 USD/tấn (giá FOB tại cảng TP.HCM).

Giá sắn (khoai mì) tăng nhưng bệnh khảm lá làm sản lượng sụt giảm

Giá sắn (khoai mì) tăng nhưng bệnh khảm lá làm sản lượng sụt giảm

Giá xuất khẩu tăng kéo theo giá sắn nguyên liệu trong nước cũng tăng. Hiện giá sắn tươi dao động ở mức 3.200 - 3.350 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg so với cuối tháng 1.2023.

Kết quả xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 2.2023 đạt kim ngạch 283 triệu USD, tăng gần 33% về giá trị so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu đạt gần 376 triệu USD, tăng 19% so cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chủ yếu với gần 95% tổng sản lượng.

Điểm tích cực là thời gian gần đây, một số thị trường khác có sự tăng trưởng đáng kể như Philippines và Malaysia, nhưng sản lượng vẫn còn thấp. Đặc biệt trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu tinh bột sắn vào thị trường Nhật Bản với số lượng 900 tấn.

Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam, cho biết: Xuất khẩu sản phẩm sắn chưa tăng về số lượng nhưng ghi nhận tăng đáng kể về giá trị. Nguyên nhân nhờ thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, các doanh nghiệp nước này bắt đầu tăng nhập hàng để bù vào số lượng sụt giảm trong thời gian đóng cửa. Thị trường bắt đầu sôi động lại từ sau Tết Nguyên đán, từ tháng 2.2023.

Theo ông Tiến, giá sắn tăng còn do sản lượng sụt giảm vì dịch bệnh (bệnh khảm lá) lan rộng trên cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng thu hoạch. Chính vì vậy, hiện nay tình trạng chung của nhiều nhà máy chế biến sắn là thiếu hụt nguyên liệu để sản xuất. Bệnh khảm lá do virus gây ra nên không có thuốc trị mà chỉ có thể phòng bằng các loại giống kháng bệnh và sạch bệnh.

Việt Nam hiện có khoảng 528.000 ha sắn trên địa bàn 27 tỉnh, chủ yếu ở miền Đông Nam bộ, miền Trung và Tây nguyên. Bên cạnh đó, có khoảng 120 nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kết 11,3 triệu tấn củ tươi/năm.

Có thể bạn quan tâm