Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai hệ thống điểm cho người lái xe để kiểm soát tình trạng vi phạm giao thông, nếu bị trừ hết số điểm trên bằng lái, tài xế sẽ phải thi lấy bằng lại từ đầu.
|
Quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính. Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết 12 điểm, tài xế phải học và thi sau ít nhất 6 tháng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Nhiều ý kiến ủng hộ và đồng tình với quy định trừ điểm bằng lái xe sẽ giúp nâng cao việc chấp hành Luật Giao thông với chính người điều khiển phương tiện, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông.
Lái xe đúng luật, lo gì trừ điểm?
Mới đây, Chính phủ thống nhất quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm. Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm, tài xế phải học và thi sau ít nhất 6 tháng.
Trong thời hạn một năm, nếu người lái xe không bị trừ hết điểm thì sẽ được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. Nếu trong một năm mà tài xế không vi phạm thì được cộng điểm.
Số điểm sẽ không thể hiện trực tiếp trên bằng lái mà sẽ mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống chung toàn quốc. Cảnh sát giao thông ở mọi địa phương chỉ cần kiểm tra nhanh trên máy sẽ biết tài xế còn bao nhiêu điểm.
Trong khi đó, dự thảo Luật Đảm bảo trật tự An toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đưa ra 28 nhóm hành vi mà tài xế sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm bằng lái. Trong đó, có các lỗi như chạy quá tốc độ 10-20km/giờ, chở quá số người vượt trên 50-100% số người được phép chở, không nhường đường cho xe ưu tiên, vi phạm các quy định về an toàn giao thông trên cao tốc…
Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai hệ thống điểm cho người lái xe để kiểm soát tình trạng vi phạm giao thông, nếu bị trừ hết số điểm trên bằng lái, tài xế sẽ phải thi lấy bằng lại từ đầu.
Đơn cử như Trung Quốc cũng áp dụng hệ thống 12 điểm và sẽ được làm mới lại vào ngày 1/1 hàng năm. Nếu người vi phạm mất 12 điểm trong 1 năm thì bị treo bằng. Để lấy lại giấy phép, tài xế sẽ phải trải qua khóa học 2 tuần ở trung tâm, nộp phạt và thi lấy bằng. Nếu thi đậu thì được trả bằng, không đậu thì thi lại. Trong trường hợp không tham gia khóa học hay kỳ thi, bằng lái xe sẽ bị hủy bỏ.
Giống như tại Mỹ, lỗi say xỉn khi lái xe tại Trung Quốc cũng bị phạt rất nặng, một lần vi phạm bị trừ tới 12 điểm.
Còn tại Đức, người dân nước này chỉ cần chạm ngưỡng phạt 8 điểm là đã bị tịch thu bằng lái. Và những điểm phạt này tồn tại rất lâu trên hệ thống dữ liệu, có thể kéo dài từ 2,5 - 10 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Anh Nguyễn Trọng Hoàn, một tài xế chạy xe “taxi công nghệ” đưa ra ý kiến: “Nếu không đi sai thì không ai trừ được điểm của người điều khiển phương tiện. Lái xe an toàn, đúng luật thì lo gì trừ điểm?”
Đánh giá đề xuất trừ điểm bằng lái xe là quy định tiên tiến và sẽ đạt hiệu quả tốt với đội ngũ tài xế khi chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ và người tham gia giao thông, tuy nhiên, anh Hoàn vẫn bày tỏ sự hoài nghi bởi tâm lý người lái xe, đặc biệt là người đã bị trừ điểm bằng lái sẽ rất sợ bị trừ hết điểm, phải đi thi lại nên có thể phát sinh "thương lượng" với lực lượng chức năng.
“Hết điểm sẽ coi như bị tước bằng lái, áp lực này có thể nảy sinh việc ‘hối lộ’ lực lượng chức năng để không bị lập biên bản và trừ điểm. Do vậy, lực lượng chức năng cũng phải làm đúng quy trình tuần tra kiểm soát. Khi vi phạm, tài xế nộp phạt và ký biên bản thì không lo gì chuyện tiêu cực trên đường,” anh Hoàn chia sẻ.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho biết việc mỗi người được “cấp vốn” 12 điểm, khi vi phạm bị trừ điểm và đồng bộ hóa dữ liệu vi phạm không chỉ mang tính răn đe mà còn giúp cơ quan chức năng nắm được lịch sử vi phạm, qua đó đánh giá được năng lực, khả năng của từng lái xe.
Cần giám sát chéo để tránh tiêu cực
Theo tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trừ điểm bằng lái sẽ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu chung và việc này giúp khắc phục được trường hợp người vi phạm đối phó bằng cách báo mất bằng, xin cấp lại để xóa bỏ vi phạm trước.
Tuy nhiên, ông Bình cũng đặt vấn đề tới hệ thống cơ sở hạ tầng lưu trữ sẽ rất lớn và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư để lực lượng chức năng ở các địa phương có thể tra cứu cũng như lưu trữ trừ điểm người điều khiển phương tiện vi phạm.
Đánh giá đây là chủ trương được dư luận ủng hộ, Lê Thành Long, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải Trung Thành kiến nghị muốn làm được việc này, cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm phải liên thông toàn quốc, làm sao để dễ dàng kiểm tra, đối chiếu... và phải có sự giám sát chéo để tránh tiêu cực.
|
Cảnh sát giao thông xử phạt trường hợp vi phạm giao thông. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN) |
Đưa ra dẫn chứng nhiều nước cũng đã áp dụng thành công hình thức này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhìn nhận nếu thực hiện nghiêm chỉnh, công khai, minh bạch sẽ có tác dụng tốt góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đối với người điều khiển phương tiện.
Để việc này được công khai, minh bạch, ông Quyền đặt vấn đề đòi hỏi cơ quan thực thi phải áp dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu dùng chung để các cơ quan quản lý, người dân cùng giám sát. Đơn vị chủ trì sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tiêu cực.
Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng với các lỗi áp dụng trừ điểm thì nên bỏ hình thức tước giấy phép lái xe có thời hạn, tăng mức phạt hành chính để tránh tác động nhiều lần tới bằng lái của người vi phạm.
Việt Hùng (Vietnam+)