Trồng chanh tứ quý: Hướng đi mới của nông dân Chư Pưh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước tình hình hồ tiêu chết hàng loạt, giá giảm sâu, từ năm 2016 đến nay, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chư Pưh, Gia Lai đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập. Trong đó, mô hình trồng chanh tứ quý của nhiều nông dân ở địa phương này bước đầu đã phát huy hiệu quả kinh tế.
Huyện Chư Pưh hiện có gần 20 ha chanh tứ quý thì riêng xã Ia Phang đã có hơn 6 ha. Đây cũng là địa phương có diện tích chanh tứ quý lớn nhất huyện. Ông Nguyễn Viết Lưu (thôn Hòa Sơn) là một trong những hộ tiên phong trồng loại cây này ở xã Ia Phang. Ông Lưu cho biết, năm 2016, khi hơn 3.000 trụ hồ tiêu của gia đình vẫn đang cho thu hoạch ổn định, ông đã đầu tư trồng 214 cây chanh tứ quý. Hơn 1 năm sau, ông tiếp tục trồng thêm 400 cây. “Cây chanh tứ quý rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Chư Pưh nên sinh trưởng nhanh, tỷ lệ đậu quả cao. Trong khi đó, chi phí đầu tư cây giống, phân bón, nhân công không tốn bao nhiêu nếu so với đầu tư cho cây hồ tiêu. Mặt khác, cây chanh lại cho nguồn thu quanh năm chứ không tập trung vào cuối vụ”-ông Lưu chia sẻ.
Ông Nguyễn Viết Lưu (bìa phải) có nguồn thu nhập ổn định từ vườn chanh tứ quý. Ảnh: S.C
Ông Nguyễn Viết Lưu (bìa phải) có nguồn thu nhập ổn định từ vườn chanh tứ quý. Ảnh: S.C

Ông Nguyễn Xuân Hùng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pưh: “Hội Nông dân huyện đã tổ chức cho hội viên tham quan học hỏi các mô hình tiêu biểu, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, định hướng cho hội viên sản xuất cây trồng, vật nuôi mà thị trường cần, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, lấy ngắn nuôi dài để có nguồn thu xoay vòng”.

Mặc dù chỉ trồng hơn 600 cây chanh tứ quý nhưng gia đình ông Lưu có nguồn thu khá đều đặn từ việc bán quả cho thương lái và chiết cành nhân giống. Bình quân mỗi cây chanh tứ quý cho thu hoạch 50-60 kg quả/năm. Với giá thu mua tại vườn bình quân 15 ngàn đồng/kg, ước tính mỗi năm gia đình ông Lưu thu khoảng 400 triệu đồng tiền bán quả. Ngoài ra, gia đình ông còn thu về 60-70 triệu đồng/năm từ bán cây giống (20-25 ngàn đồng/cây). Theo nhẩm tính của ông Lưu, nếu nguồn thu từ vườn chanh ổn định như hiện nay thì chỉ vài năm nữa gia đình ông có thể trả hết các khoản nợ vay ngân hàng trước đây.
Có nguồn thu khá ổn định từ vườn chanh tứ quý nhưng gia đình ông Lưu không ồ ạt mở rộng diện tích mà hướng đến đa dạng hóa cây trồng. Sau khi tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường và tiềm năng của các loại cây ăn quả, gia đình ông quyết định chỉ giữ lại 300 trụ hồ tiêu, chuyển phần diện tích còn lại sang trồng ổi Indonesia, bưởi da xanh, cam, quýt theo hướng chuyên canh. Hiện tại, ngoài mối thương lái thu mua tại vườn, gia đình ông còn chủ động phân phối các loại trái cây qua kênh bán lẻ online cho khách hàng. Từ kinh nghiệm thực tế khi chuyển hướng sang trồng chanh tứ quý và cây ăn quả, ông Lưu cho rằng, nông dân cần nắm chắc nhu cầu thị trường để có kế hoạch đầu tư phù hợp thì hiệu quả kinh tế mới cao.
Trồng chanh tứ quý nhanh được thu là nhận định của ông Hoàng Văn Anh (thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang) sau hơn 3 năm chuyển đổi diện tích hồ tiêu sang trồng loại cây này. Năm 2016, nhận thấy trồng cây hồ tiêu không còn cho hiệu quả cao, cây chết vì bệnh ngày càng nhiều, ông Anh đã quyết định chuyển hướng sản xuất. “Tôi thấy bên Đak Lak, bà con trồng chanh tứ quý rất tốt, nhanh có thu. Loại cây này lại dễ trồng, thích nghi với nhiều loại thổ nhưỡng nên tôi quyết định mua giống về trồng”-ông Anh kể. Khác với cây hồ tiêu, đầu tư trồng chanh tứ quý không cần nhiều vốn nên ông Anh đã xuống giống 1.300 cây trên vùng đất đồi sỏi đá. Chỉ sau 15-18 tháng chăm sóc, chanh bắt đầu cho thu bói. Khi tròn 2 năm thì vườn chanh bước vào giai đoạn kinh doanh, bình quân mỗi cây cho khoảng 50-70 kg quả/năm. Theo ông Anh, trồng chanh tứ quý mỗi năm cần bón 3 đợt phân, mùa nắng khoảng 10 ngày tưới 1 đợt thì cây sẽ phát triển tốt, cho quả đều đặn quanh năm. Nếu gặp thời tiết mưa bão, quả chanh tới vụ có thể lưu cây khoảng 2 tháng mới thu hoạch mà chất lượng vẫn đảm bảo. Khi cây chanh bước vào năm thứ 4, cành đủ lớn thì bắt tay thực hiện chiết cành nhân giống để bán.
Từ đầu năm 2019 đến nay, vườn chanh tứ quý của gia đình ông Anh đã cho thu hơn 40 tấn quả, bán với giá bình quân 15 ngàn đồng/kg. Ước tính đến cuối năm 2019, sản lượng chanh tứ quý của gia đình ông đạt khoảng 70 tấn. Bên cạnh đó, gia đình đã bán trên 5.000 cành chanh giống, thu về khoảng 100 triệu đồng. “Nhờ thu nhập từ vườn chanh, gia đình tôi đã trả bớt khoản nợ vay ngân hàng”-ông Anh cho hay. Cũng theo ông Anh, chu kỳ kinh doanh của cây chanh tứ quý kéo dài khoảng 7-8 năm nếu được chăm sóc đầy đủ.
Theo ghi nhận của Hội Nông dân huyện Chư Pưh, từ năm 2018 đến nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện diễn ra mạnh mẽ. Một số hộ đi đầu chuyển đổi đã có nguồn thu khá tốt. Tuy nhiên, quy mô, mức độ chuyển đổi cây trồng của người dân chỉ mang tính chất đơn lẻ, thận trọng chứ không phát triển đại trà, ồ ạt như cây hồ tiêu trước đây.
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.