(GLO)- Bác Hồ từng dạy: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1). Từ ngày thành lập đến nay, trải qua các cuộc kháng chiến, kiến quốc, trong sứ mệnh lãnh đạo của mình, nhiều khi Đảng ta rơi vào khó khăn tưởng không thể vượt qua, tựa “ngàn cân treo sợi tóc”, thế nhưng biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc, “dễ một lần, không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, cho nên khó khăn thử thách đến đâu Đảng ta cũng đã vượt qua, đưa đất nước giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điều đó đã được lịch sử chứng minh, ghi nhận.
Tư tưởng của Bác về gắn bó với nhân dân bắt nguồn từ quan niệm của Người về sức mạnh của nhân dân, có nguồn gốc từ truyền thống dân tộc, từ tình cảm tự nhiên, triết lý nhân sinh, phép ứng xử và tư duy chính trị của dân tộc Việt Nam, từ những quan niệm: “Trên dưới đồng lòng, cả nước chung sức”; “Tướng sĩ một lòng phụ tử”; “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc”; “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”(2)... Từ gốc cội này, những ngày đầu sau giải phóng một phần hai đất nước-1955, Bác đã viết: “…Với sự đoàn kết nhất trí của tất cả những người xứng đáng là con Lạc cháu Hồng-Mặt trận nhất định sẽ thành công trong việc đánh tan âm mưu Mỹ và bè lũ tay sai của chúng và thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”(3).
Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin nói chuyện với già làng ở xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: B.H |
Đồng thời, tư tưởng gắn bó với nhân dân của Bác còn bắt nguồn từ tổng kết kinh nghiệm của phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới. Người chỉ ra nguyên nhân không thành công của các phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là do chưa tập hợp được đông đủ quần chúng nhân dân tham gia. Điều này, lịch sử cách mạng nước ta đã chứng minh, những cuộc cách mạng cứu nước do một số người yêu nước lãnh đạo đã không thành công, thậm chí bị thực dân phong kiến dìm trong bể máu. Nói rộng hơn, trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp là cuộc cách mạng “không đến nơi”, bởi kết quả cuối cùng là chính quyền rơi vào tay một số người và bảo vệ lợi ích của một nhóm ít người đó.
Đối với cách mạng nước ta, Bác Hồ khẳng định phải bắt đầu từ giác ngộ, tổ chức tập hợp quần chúng. Truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, khơi dậy Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, tập hợp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là những nhân tố vô cùng quan trọng, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Với thành công vang dội của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945, là từ phong trào cách mạng của lực lượng to lớn từ quần chúng, là một trong những bài học về công tác quần chúng có ý nghĩa lịch sử của Đảng ta về sau này. Đáng tiếc, kết thúc chiến tranh, trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, đâu đó, không ít các cấp ủy, chính quyền đã không còn gắn bó máu thịt với nhân dân, công tác quần chúng, việc tập hợp, xây dựng các tổ chức đoàn thể không được coi trọng và chính điều này đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Đất nước ta sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đã vượt qua, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội, từng bước xây dựng và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh phát triển, ổn định và giữ vững. Tuy thế, Đảng ta từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (20 đến 25-1-1994) đã từng chỉ ra 4 nguy cơ, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, chỉ cần một trong những nguy cơ ấy không được nhìn nhận thấu đáo, có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu thì sẽ đưa đất nước ta lâm vào tình hình phức tạp. Như đã nói, “khó trăm lần dân liệu cũng xong”, cho nên càng không thể chủ quan, xem nhẹ công tác vận động quần chúng, công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ cơ sở. Có được lòng dân là có tất cả, cho nên dù có những nguy cơ “nguy cơ” đến đâu, khi lòng dân đã thuận thì cũng sẽ vượt qua.
Làm được điều nói trên, chỉ có thể dựa vào dân, gắn bó với nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm công tác vận động quần chúng, phải làm gương trên mọi mặt đời sống xã hội trước quần chúng. Thiết nghĩ, chẳng bao giờ lạc hậu với việc phân công cán bộ, đảng viên về sinh hoạt với thôn xóm, phố phường; lấy sự hiểu hiết về thực tế từ cơ sở của cán bộ, đảng viên để đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm.
Có thể nói thêm, thử kiểm tra một số cán bộ, đảng viên về nhận thức thực tiễn công tác vận động quần chúng, người viết bài này chắc chắn sẽ có đáp số đến kinh ngạc về trình độ nhận thức yếu kém như thế nào về cơ sở, về công tác quần chúng của không ít cán bộ đảng viên thời nay. Mà đã có không ít cán bộ “mù” về công tác quần chúng, không gắn bó với nhân dân, quan liêu, xa rời cơ sở-cụ thể là gia đình, chòm xóm ngay quanh nơi mình sinh sống, làm việc, thì lấy đâu ra nhận được lòng tin của quần chúng, thì làm sao có được sự gắn bó với nhân dân. Rộng ra, lần này thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “Gắn bó với nhân dân”, các tổ chức Đảng, chính quyền, đặc biệt là cấp cơ sở, cần đánh giá lại công tác quần chúng thời gian qua ra sao, và có biện pháp khắc phục yếu kém, đề ra rất cụ thể những việc làm cụ thể để gắn bó với nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả.
Cấp trên cần kiểm tra thường xuyên việc học tập và làm theo này, xử lý cho nghiêm những tổ chức, cá nhân làm lấy lệ, càng làm càng xa rời nhân dân, càng mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Có thực hiện được như vậy thì hiệu quả của sự học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác nói chung và nội dung về gắn bó với nhân dân lần này mới đi vào cuộc sống, mới đạt được mong muốn!
Đoàn Minh Phụng
(1), (2), (3) Hồ Chí Minh toàn tập-Tập 10, NXB CTQG-ST, 2011, và tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương, do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản tháng 1-2015.