Trao quyền cho người dân địa phương để phát triển bền vững du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trao quyền cho người dân xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng không chỉ sáng tạo mà luôn có tính kết nối quá khứ-hiện tại... Đó cũng là đặc trưng của các sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa.
Du lịch cộng đồng ở Hà Giang đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình này trong hoạt động kinh tế địa phương. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Du lịch cộng đồng ở Hà Giang đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình này trong hoạt động kinh tế địa phương. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Du lịch cộng đồng ở Việt Nam đang được xác định là loại hình mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. Loại hình này không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch cộng đồng trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì thế, tại hội thảo chuyên đề “Trao quyền cho cộng đồng địa phương thông qua du lịch bền vững” vừa diễn ra chiều qua (5/9), tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia đã chia sẻ các mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả để cùng học hỏi kinh nghiệm.

Tạo bản sắc, không “sao chép”

Phát biểu tại hội thảo, bà Chiaki Oya, Phó trưởng đại diện Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á Thái Bình Dương của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch dựa vào cộng đồng trong việc bảo tồn văn hóa và cải thiện sinh kế của người dân địa phương. Bà Chiaki Oya cũng khẳng định sự hợp tác giữa các bên liên quan là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch.

Việt Nam là quốc gia được UN Tourism đánh giá có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa bản địa đa dạng của các dân tộc với tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú từ các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng.

Chia sẻ về việc thực hành du lịch cộng đồng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiến sỹ Dương Đức Minh, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Du lịch và Phát triển Kinh tế (ITEDR) cho biết nhu cầu du lịch thế giới đang thay đổi. Theo tiến sỹ, thế giới hiện nay hướng tới những giá trị mới được thiết lập dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống là tính độc đáo, tính nguyên bản; giá trị tự nhiên là tính nguyên sơ, nguyên vẹn; giá trị sáng tạo và công nghệ cao với tính hiện đại, tính tiện nghi.

Các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Vì vậy, muốn đẩy mạnh du lịch cộng đồng, cần hiểu đặc điểm của loại hình du lịch này. Bên cạnh sinh kế du lịch cộng sinh với sinh kế chính để duy trì kinh tế hộ gia đình, sức chứa của các điểm đến hộ gia đình mặc dù thường khiêm tốn, dịch vụ du lịch và cơ sở hạ tầng có tính chất tối giản và mộc mạc, nhưng lại có điểm nhấn là trải nghiệm văn hóa độc đáo cho du khách. Đặc biệt, tiến sỹ Dương Đức Minh cũng nhấn mạnh: “Du lịch cộng đồng là cách thức hữu hiệu để phát triển du lịch bền vững và thực hành du lịch có trách nhiệm.”

Ông Dương Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CBT Travel một lần nữa nhấn mạnh du lịch cộng đồng bắt nguồn từ nhu cầu của những du khách thích lối sống gần gũi với người dân bản địa. Tuy nhiên, vị chuyên gia này đánh giá thực tế cho thấy người dân ở nhiều địa phương ở Việt Nam đang vận hành mô hình du lịch cộng đồng theo cách sao chép lẫn nhau chứ không theo một quy chuẩn nào.

Ông cho rằng các mô hình homestay của bà con đang xây dựng hiện nay còn nặng tính tự phát, chưa được tổ chức tính toán cân nhắc bài bản và chưa đi vào thực chất. Các hình thức hoạt động của loại hình du lịch này mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc, cái hay, cái đẹp trong văn hóa của cộng đồng bản địa.

“CBT Travel đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn, hội nghị, góp phần thay đổi tư duy của lãnh đạo nhiều địa phương về cách phát triển du lịch phục vụ mục tiêu giảm nghèo, giúp đồng bào nâng cao mức sống bằng du lịch đồng thời bảo vệ môi trường,” ông Dương Bình Minh cho hay.

Người dân ở xã Mường Sang, Mộc Châu, Sơn La giờ đây còn trở thành hướng dẫn viên bản địa. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Người dân ở xã Mường Sang, Mộc Châu, Sơn La giờ đây còn trở thành hướng dẫn viên bản địa. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Kinh nghiệm từ Thái Lan

Theo các chuyên gia, xây dựng được một sản phẩm du lịch chất lượng không chỉ cần sự sáng tạo mà luôn có tính kết nối liền mạch quá khứ-hiện tại... Đó cũng là đặc trưng tinh tế của các sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn và tạo khác biệt, hấp dẫn du khách.

Tại sự kiện, ông Natthawut Chaengkrachang, đại diện đến từ Cục quản lý du lịch bền vững (DASTA), tỉnh Nan, Thái Lan chia sẻ về việc cần có một tổ chức xuất sắc để tích hợp phát triển các vùng du lịch chỉ định và thúc đẩy các điểm đến du lịch có chất lượng, đạt chuẩn nếu muốn tăng trưởng bền vững.

Ông Natthawut Chaengkrachang dẫn chứng “CBT Thái Lan” (Community Based Tourism – Du lịch cộng đồng Thái Lan) đã được sử dụng như một công cụ quan trọng để liên tục lập kế hoạch và đánh giá kết quả phát triển du lịch cộng đồng ở Thái Lan. Đây là tiêu chuẩn để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của cộng đồng trong suốt quá trình phát triển du lịch.

Dựa trên cơ sở đó cộng đồng và các đơn vị tập huấn có thể xây dựng năng lực và phát huy tiềm năng của cộng đồng một cách hiệu quả. Quan trọng nhất là CBT Thái Lan được sử dụng như một công cụ giám sát giúp ngăn chặn những thay đổi tiêu cực không mong muốn trong cộng đồng khi giải quyết nhu cầu du lịch.

Người dân Huế mang làng nghề truyền thống đến gần hơn với du khách. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Người dân Huế mang làng nghề truyền thống đến gần hơn với du khách. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Đại diện từ Thái Lan cũng đề xuất ý tưởng du lịch của người dân địa phương cho người dân địa phương. Đây là một trong những giải pháp cho du lịch bền vững, bởi người dân địa phương sẽ là chủ thể trực tiếp đưa ra những quyết định chính nhằm phát triển du lịch tại địa phương và là người được hưởng hoàn toàn lợi ích từ du lịch phát triển.

Diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2024 (ITE HCMC 2024), hội thảo “Trao quyền cho cộng đồng địa phương thông qua du lịch bền vững” do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Văn phòng hỗ trợ khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) và Trung tâm Trao đổi Du lịch Châu Á (APTEC) phối hợp thực hiện. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của gần 200 chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện các tổ chức quốc tế, cùng các cơ quan quản lý trong lĩnh vực du lịch tới tham dự.

Theo M.Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Những ngày qua, từ khóa được nhắc tới nhiều nhất tại TP.HCM có lẽ là "lễ diễu binh, diễu hành 30.4". Hình ảnh từng khối diễu binh khổ luyện và buổi hợp luyện đầu tiên lần lượt được chia sẻ khắp các nền tảng, khiến người người, nhà nhà càng thêm háo hức, cấp tập đi "săn" chỗ đón sự kiện lịch sử.

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

(GLO)- Nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vừa chính thức ra mắt 3 video clip quảng bá vẻ đẹp du lịch Việt Nam. Trong đó, Gia Lai góp mặt với 2 đại diện là núi lửa Chư Đang Ya và thác K50.

'Nóng' với du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5

'Nóng' với du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, tạo cơ hội cho nhiều gia đình lên lịch vui chơi. Đặc biệt, tour nội địa có xu hướng dịch chuyển ngược, khi lượng khách đổ về TPHCM khá đông nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Phát huy lợi thế và tiềm năng về phát triển kinh tế đêm của địa phương, UBND phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) triển khai xây dựng Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum với quy mô 51 gian hàng trên khu đất rộng hơn 5.100m2 tại khu vực đường Bạch Đằng.