(GLO)- Sau gần 1 tháng thực hiện các quy định xử phạt mới theo Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 1-8, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an TP. Pleiku đã tích cực phối hợp tuyên truyền, trong đó tăng cường kiểm tra, xử phạt chủ phương tiện điều khiển xe khi đã xử dụng bia, rượu. Có trường hợp bị phạt tiền đến 17 triệu đồng dù đinh ninh cho rằng chỉ uống 1 lon bia.
Theo Nghị định 46 của Chính phủ áp dụng từ ngày 1-8, người điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở thì bị phạt từ 16-18 triệu đồng, tước GPLX từ 4- 6 tháng; người điều khiển xe mô tô nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở bị phạt 3-4 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 3-5 tháng.
Để kịp thời tuyên truyền về các quy định mới trong vi phạm Luật Giao thông Đường bộ cũng như nâng cao ý thức người tham gia giao thông, kiềm chế, đẩy lùi đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra trên địa bàn TP. Pleiku. Ngoài việc tăng cường lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền ý thức người tham gia giao thông trên các tuyến đường nội, ngoại thị, Đội Cảnh sát Giao thông-Công an TP. Pleiku thành lập tổ lưu động kiểm tra nồng độ cồn.
Tối 23-8, ghi nhận tại chốt kiểm tra nồng độ cồn trên quốc lộ 19, đoạn qua đường Lê Duẩn, TP. Pleiku, tổ kiểm tra đã thực hiện phân luồng, đặt biển báo cũng như xử lý kịp thời khi có tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình kiểm tra chủ phương tiện. Tại đây, trong khoảng hơn 2 giờ, tổ tuần tra đã tiến hành kiểm tra trên 150 người điều khiển các loại phương tiện lưu thông qua chốt. Qua đó, đã phát hiện một số trường hợp có sử dụng rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện và có người tỏ ra không hợp tác dù được hướng dẫn cụ thể, dể hiểu nhất cho việc thổi máy để đo được chính xác nồng độ cồn hiện tại để đưa ra mức phạt chính xác nhất.
Cụ thể, trong số 10 trường hợp (3 ô tô, 7 mô tô) vi phạm bị lập biên bản, xử phạt, tạm giữ phương tiện trong đêm 23-8, có trường hợp không tích cực phối hợp, thực hiện thổi hơi vào máy đo hơn chục lần nhưng vẫn không được dù người này cho là đã lấy hết sức thổi. Có người lại tìm mọi cách từ việc gọi điện thoại, xin tổ kiểm tra bỏ qua... đến khi không được lại tỏ ra bức xúc nói những lời khó nghe đối với những người đang thực thi nhiệm vụ.
Cụ thể, anh Nguyễn Tấn P. điều khiển xe ô tô 77A-035.23, khi kiểm tra tại xe phát hiện chủ phương tiện đã sử dụng rượu, bia khi điều khiển xe. Đến lúc được mời ra khu vực kiểm tra, thổi máy thì anh hết lần này đến lần khác không chấp hành. Sau nhiều lần hướng dẫn, nồng độ cồn đo được trên máy qua việc đo trực tiếp từ việc thổi hơi của anh P. là 0.432mg/l khí thở, với mức này anh P. vi phạm và bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng và tạm giữ phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng.
Nói về lỗi vi phạm của mình, anh P. khẳng định: Biết là lái xe không được sử dụng bia, rượu. Bạn mời quá nên chỉ uống đúng 1 lon bia. Nếu uống nhiều đã không lái xe được. Bị phạt mức nặng như thế tôi nghĩ mình không bao giờ uống bia khi điều khiển xe.
Tổ kiểm tra đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên quốc lộ 19. Ảnh: N.G |
Một trường hợp khác, anh cho là ngồi buồn nên uống 2 lon bia nhưng khi kiểm tra thì nồng độ cồn cho phép vượt quá giới hạn của 2 lon như anh nói. Anh Trần Trung N. đến từ Lâm Đồng điều khiển xe mô tô vi phạm bộc bạch: Tôi biết mình vi phạm, nhưng không nghĩ số tiền phạt sẽ đến 3 triệu đồng. Số tiền công làm không bao nhiêu mà phạt nhiều đến vậy, lần này cũng là lần cuối.
Theo tổng hợp từ tổ kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, qua các ngày triển khai, tổ đã kiểm tra trên 300 lượt phương tiện, người lái, qua đó nhắc nhở, tuyên truyền, đồng thời lập biên bản, xử phạt 20 trường hợp, trong đó, có 2 chủ phương tiện điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt cao ở giới hạn cho phép và số tiền xử lý đối với mỗi trường hợp này là 17 triệu đồng.
Nói về kết quả và ý thức người tham gia giao thông khi được kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trung tá Phan Tiến Doãn-Phó Đội trưởng-Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP. Pleiku: Qua 2 tuần triển khai việc đo nồng độ cồn trên tuyến quốc lộ, tổ đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, có người chấp hành tốt quy định, tuy nhiên có người cố tình kéo dài thời gian lập biên bản. Bằng biện pháp nghiệp vụ, tuyên truyền, người điều khiển vi phạm chấp hành hiểu rõ hơn quy định mới và hệ lụy của việc sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông.
Hiện tại, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục triển khai đo nồng độ cồn, trong đó tập trung tuyến Quốc lộ nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên các tuyến đường này. Tiếp đến thực hiện phối hợp cùng các phường, tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 46/CP...
Nguyễn Giác