(GLO)- Trong dịp rằm tháng bảy âm lịch, tại các chùa, tịnh thất, tịnh xá, niệm phật đường trong toàn tỉnh Gia Lai đã đồng loạt tổ chức Lễ Vu lan - Phật lịch 2.556. Lễ Vu lan diễn ra với phần nghi lễ cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ; nghe thuyết giảng về ý nghĩa thiêng liêng về báo hiếu tứ ân, cũng như ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nghi thức cài hoa hồng, cầu nguyện hòa bình quốc thái dân an, tưởng nhớ công ơn của những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì hòa bình, độc lập tự do cho đất nước.
Ảnh: Thanh Nhật |
Bên cạnh đó, chức sắc và tăng ni, phật tử đã triển khai các hoạt động từ thiện xã hội giúp đỡ đồng bào nghèo khó, người neo đơn và tàn tật, bệnh nhân ở các bệnh viện. Riêng Chùa Bửu Nghiêm tổ chức gặp mặt thân mật và tặng quà cho hơn 80 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại phường Yên Đổ, Diên Hồng và Ia Kring (TP. Pleiku), mỗi suất gồm 10 kg gạo và 100 ngàn đồng thuộc nguồn ủng hộ của bà con phật tử, giúp các hộ khắc phục một phần khó khăn trong cuộc sống.
Cũng trong dịp này, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai đã tổ chức Lễ tạ pháp an cư và bế mạc mùa an cư kiết hạ - Phật lịch 2.556 tại tất cả 6 điểm gồm: Chùa Bửu Nghiêm, Bửu Thắng, Bửu Sơn, Tịnh xá Ngọc Phúc (TP. Pleiku), Tịnh xá Ngọc Trung (thị xã An Khê), chùa Bửu Tịnh (thị xã Ayun Pa). Qua đó giúp chức sắc và tăng ni ở tất cả các chùa, tịnh xá trong toàn tỉnh trau dồi giới hạnh, thực hiện tốt đường hướng “Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra.
* Gia Lai: Ấm áp lễ Vu Lan
Ảnh: Trần Dung |
Một mùa Vu Lan nữa lại về. Hòa chung với cả nước, không khí ngày lễ báo hiếu tại Phố núi cũng không kém phần nhộn nhịp và ấm áp. Mọi người cùng nhau đi chùa, cùng nhau kết đèn thả hoa và nguyện cầu những điều tốt đẹp nhất đến các bậc sinh thành, dưỡng dục.
Tại nhiều ngôi chùa trên địa bàn Gia Lai, đại lễ Vu Lan được tổ chức trong bầu không khí linh thiêng và ấm áp. Vào đêm trăng tháng 7 này, ký ức về bao nỗi nhọc nhằn, lo toan của mẹ cha suốt năm dài tháng rộng như dồn nén, ùa về trong lòng những người con. Khoác lên mình chiếc áo dài màu xám có cài bông hồng ở ngực, mọi người cùng nhau tụng kinh niệm phật, thắp hương, khấn nguyện cho gia đình, người thân của mình được nhiều sức khỏe, bình an.
Tại Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku), từng dòng người tấp nập đổ về khu vực hồ Đức An để thả đèn hoa đăng. Dưới màn đêm mờ ảo, khung cảnh nơi đây bỗng trở nên lung linh hơn bởi ánh sáng của hàng trăm hoa đăng được thả trôi lênh đênh trên mặt nước. Nhiều gia đình tìm đến đêm Vu Lan bởi đây là dịp nuôi dưỡng truyền thống gia đình - một phần quan trọng trong văn hóa Việt. Anh Lê Đức Lộc (34 Lê Quý Đôn- Phường Ia Kring- TP Pleiku) tâm sự: “Vào ngày này hàng năm tôi vẫn đưa gia đình nhỏ của mình tới đây thả nến và cầu nguyện cho cả gia đình sức khỏe, hạnh phúc. Qua đó, tôi cũng muốn nhắc nhở các con luôn nhớ ơn về tổ tiên và khắc sâu lòng hiếu thuận”.
Bên cạnh đó, lễ Vu Lan còn là dịp để mọi người thể hiện thiện tâm của mình. Gia đình chị Phan Thị Lợi (38/26 Nguyễn Thái Học, phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã 3 năm bán đèn hoa đăng tại công viên Diên Hồng. Chị Lợi cho biết: Ngay từ đầu tháng, các thành viên trong gia đình đã tập trung lại để làm đèn. Số tiền bán đèn mỗi năm, chúng tôi đều dùng hết để tặng cho các viện dưỡng lão và trẻ em mồ côi, khuyết tật. Năm nay gia đình tôi làm được gần 1000 cái, hy vọng là sẽ bán được hết.
* Lễ cài hoa hồng nhớ mẹ tại Huế
Những đóa hoa của tình yêu thương được cài lên áo tăng ni Thừa Thiên-Huế. |
Tối 30-8, hàng nghìn người bao gồm tăng ni, phật tử, người dân và cả du khách đã tập trung tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán (thành phố Huế) để tham gia lễ cài hoa hồng báo hiếu cha mẹ nhân mùa báo hiếu Vu lan báo hiếu năm 2012.
Hàng trăm người còn mẹ, già có, trẻ có đã tự tay cài cho mình những đóa hoa hồng màu đỏ lên ngực áo như muốn cảm tạ, báo đền công sinh thành người mẹ hiền. Có những người còn rất trẻ phải rơm rớm nước mắt khi cài trên ngực mình một bông hoa trắng, như đang ngậm ngùi tưởng nhớ đến người mẹ vĩnh viễn khuất xa. Hòa thượng Thích Hải Ấn, ủy viên hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: Người Huế cũng như bao người dân ở vùng miền khác trên đất nước Việt Nam đều đặt việc báo hiếu lên hàng đầu. Nhưng có lẽ do tính cách riêng nên việc tham gia hay tổ chức các hoạt động báo hiếu ở Huế cũng thầm lặng, nhẹ nhàng hơn.
Trong đó, lễ cài hoa hồng nơi cửa chùa là mọi người muốn thể hiện tất cả tấm lòng hiếu kính của người con Phật.
Tiếp đó, một chương trình văn nghệ Vu Lan diễn ra nhẹ nhàng ngắn gọn, những bài hát về ân nghĩa sinh thành do các ca sĩ và nghệ sĩ thuộc Nhạc viện Huế và thành phố Hồ Chí Minh trình bày trong niềm xúc động của nhiều người.
T.Nhật+D.Thi+B.Oanh