Đến giờ, những người trong dòng họ Rmah ở buôn Apa Ama Lim, xã Chư Mố (huyện Ia Pa) vẫn luôn tự hào mỗi khi nhắc đến Rmah Kmlă-người đầu tiên của dòng họ đậu đại học cách đây gần 30 năm. Ngày ấy, để chúc mừng sự kiện này, cả dòng họ Rmah đã mổ heo lớn, bò to cúng Yàng báo tin vui và cầu mong việc học hành của Kmlă “thuận buồm xuôi gió”.
Năm 1999, Rmah Kmlă tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành Toán học. Cầm tấm bằng quý giá trên tay, chàng trai Jrai trở về quê nhà với nguyện vọng đem ánh sáng tri thức mà mình lĩnh hội được truyền đạt lại cho học sinh nghèo ở buôn làng. Thế nhưng, cơ duyên lại đưa đẩy thầy giáo trẻ Kmlă về giảng dạy tại ngôi trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh-nơi mà trước đây mình từng theo học, tiếp nối trách nhiệm bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài người DTTS cho địa phương.
Được công tác tại trường, thầy Kmlă ví von bản thân như “cá về với nước”. Vì thế, không mất quá nhiều thời gian để thầy giáo trẻ bắt nhịp với môi trường sư phạm nơi đây. Một thuận lợi nữa là phần lớn học sinh của trường là dân tộc Jrai nên hầu như những chuyện khó nói, cần trải lòng hay tư vấn tâm lý bằng tiếng mẹ đẻ, học trò đều tìm đến người thầy giáo Jrai gần gũi này.
Thầy Rmah Kmlă mong muốn "truyền lửa" tình yêu con chữ cho học sinh DTTS để giúp các em có được một tương lai tươi sáng hơn. Audio: Nhóm P.V |
Năm 2014, thầy Rmah Kmlă được tín nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Trên cương vị mới, thầy không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ để đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyên môn. Năm 2015, thầy là một trong 2 cán bộ, giáo viên bộ môn Toán đầu tiên của trường đạt trình độ thạc sĩ. Mỗi giờ giảng dạy trên lớp, thầy luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp để học sinh có thể tiếp thu kiến thức nhanh, nhớ lâu trong bầu không khí học tập vui vẻ, thoải mái nhất.
“Đối với học sinh DTTS, trình độ tiếp thu kiến thức tương đối hạn chế. Vì vậy, khi dạy, tôi không bao giờ nóng vội hay đặt yêu cầu quá cao đối với các em, chưa kể Toán lại là một môn học khó. Trong quá trình giảng dạy, tôi cũng không gây áp lực cho học sinh, tránh tình trạng lâu dần các em sẽ chán học Toán. Thay vào đó, sẽ là những trò chơi nhỏ khi căng thẳng hay việc cho nợ điểm kèm điều kiện phải học tốt hơn trong lần kiểm tra sau. Việc tạo cơ hội cho học sinh mạnh dạn phát biểu xây dựng bài, không ngại khi trả lời sai… cũng là điều tôi luôn ưu tiên”-thầy Kmlă cho hay.
Gắn bó nhiều năm với ngôi trường chuyên biệt của tỉnh, thầy Kmlă bày tỏ niềm hạnh phúc khi bản thân đã góp sức vào hành trình “thắp lửa” tri thức cho học trò. Hơn 10 năm liên tiếp, 100% học sinh lớp 12 của trường đều đậu tốt nghiệp THPT; nhiều em đã và đang theo học tại các trường đại học tốp đầu cả nước.
Thầy Rmah Kmlă chia sẻ về hạnh phúc cũng như trăn trở với nghề, với học sinh DTTS. Audio: Nhóm P.V |
Là người duy nhất của làng Mrah (xã Kdang, huyện Đak Đoa) đỗ đại học trong năm nay, em An-cựu học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh-không quên tri ân thầy Kmlă: “Thầy lúc nào cũng gần gũi, tận tâm dạy dỗ chúng em từ kiến thức đến kỹ năng sống. Nhờ sự “truyền lửa” của thầy, em đã có thêm động lực để phấn đấu học tốt. Mới đây, em đã trúng tuyển vào Trường Đại học Y khoa Vinh, chuyên ngành Y đa khoa”.
Năm học 2024-2025 là dấu mốc vô cùng đáng nhớ đối với cô giáo Y Nết (xã Kon Pne, huyện Kbang) khi chính thức thực hiện được mong ước từ thuở bé: trở về dạy chữ cho những đứa trẻ ở vùng “ốc đảo” nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Đáng nói, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne sẽ được học với một cô giáo hết sức đặc biệt, là người Bahnar đầu tiên tốt nghiệp đại học ở xã xa xôi và khó khăn nhất tỉnh này.
Chỉ những ai từng đến Kon Pne mới hiểu hết cái khó tận cùng của vùng đất gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Xã cách thị trấn Kbang chừng 80 km nhưng trước năm 2000 muốn vào đây phải mất cả ngày bởi hành trình đầy trắc trở vượt núi Kon Hleng và sông Đak Pne. Sau đó, con đường vòng qua núi Kon Hleng được san ủi để phá thế biệt lập, song việc đi lại vẫn chưa hết gian nan do nhiều đoạn vẫn là đường đất, một bên vách núi dựng đứng, một bên thung lũng thăm thẳm.
Y Nết là con thứ 4 trong gia đình có 7 anh chị em ở làng Kon Ktonh. Cảnh khó, con đông, cứ 2-3 hôm cả nhà lại phải ăn cơm độn với khoai, mì, thức ăn thì chỉ có rau rừng, cá suối. Không đèn điện, tối đến anh chị em Nết phải học bài trong ánh sáng hắt ra từ bếp lửa nhà sàn. Trong cảnh sống ấy, bố chị là ông Đinh A Nhát vẫn nêu cao vai trò của tri thức để động viên con cái học hành.
Từ lời dạy bảo của bố, học hết lớp 5, Nết lần lượt theo học tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kbang và Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê). Quãng đường 80 cây số từ nhà đến trường trở thành thử thách lớn nhất. Mùa mưa, không quấn xích vào bánh xe thì không qua nổi một số đoạn đường đất.
Ngay sau đó, Y Nết trở về làm giáo viên hợp đồng tại chính ngôi trường mà cô từng theo học. Song do trường không có chỉ tiêu biên chế nên năm học tiếp theo, cô được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học và THCS Trạm Lập (xã Sơn Lang, huyện Kbang), cách nhà vài mươi cây số. Đến năm học này, Y Nết mới được trở thành giáo viên biên chế tại ngôi trường kỷ niệm.
Khoảng thời gian dạy hợp đồng trước đó đã giúp cô giáo trẻ nắm bắt được thực trạng học sinh bỏ học theo cha mẹ lên nhà đầm sản xuất; không ít gia đình vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc học của con. Có em 1 tuần nghỉ học đến 2-3 ngày, khiến giáo viên phải chật vật đến tận nơi để vận động học sinh tới lớp. May thay, với lợi thế ngôn ngữ và sự am hiểu về tâm lý, văn hóa bản địa, Nết không gặp khó trong việc thuyết phục phụ huynh.
Biết cô Nết là người đầu tiên ở Kon Pne tốt nghiệp đại học, các em tò mò: “Cô ơi, ngày trước cô học ở đâu? Ngoài đó có gì vui?”. Bằng cách nhẹ nhàng giải đáp những câu hỏi ấy, Y Nết đã mở ra cho học trò một khung trời mơ ước bên kia núi Kon Hleng.
Ngày còn là học sinh THPT, Kpă H’Hân (SN 2000; trú làng Tung Đao, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) đã chứng kiến một số bạn đồng trang lứa nghỉ học và lấy chồng, lấy vợ sớm. Với đồng bào DTTS ở Tây Nguyên, tảo hôn là tập tục không dễ xóa bỏ hoàn toàn. Nhưng không như bè bạn, H’Hân lại có một định hướng khác. Cô quyết tâm theo đuổi việc học vì hiểu rất rõ giá trị mà con chữ mang lại.
Năm 2018, H’Hân thi đỗ chuyên ngành Giáo dục Tiểu học tại Trường Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Để có tiền trang trải cuộc sống và đóng học phí, cô vừa học vừa làm gia sư, phục vụ ở quán cà phê.
Tốt nghiệp đại học năm 2022, cô giáo trẻ người Jrai trở về quê nhà và được nhận vào giảng dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (xã An Phú, TP. Pleiku). Năm học 2024-2025 này, H’Hân xin chuyển công tác về Trường Tiểu học và THCS Anh hùng Đôn (xã Gào, TP. Pleiku) để được gần hơn với học sinh DTTS. Với lợi thế của mình, H’Hân sử dụng linh hoạt tiếng Việt và tiếng Jrai trong quá trình giảng dạy để giúp các em dễ dàng tiếp cận kiến thức.
Đặc biệt, H’Hân luôn dành tình thương cho các em thiếu nhi ở nơi mình được sinh ra. Suốt 3 tháng hè vừa qua, H’Hân đã mở lớp dạy học miễn phí để củng cố kiến thức Toán và Tiếng Việt, tạo “sân chơi” lành mạnh cho các em.
Lớp học duy trì từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần với 50 học sinh (độ tuổi từ 6-12) ở làng Tung Blai và làng Tung Đao theo học. Buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ với 30 học sinh Jrai; buổi chiều từ 14 giờ đến 16 giờ với 20 học sinh người Kinh.
Cô Kpă H’Hân dạy học miễn phí cho học sinh DTTS ở xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh). Clip: Nhóm P.V |
Ngày đầu mở lớp, H’Hân nhanh chóng rà soát, đánh giá năng lực của từng em để phân chia nhóm học. Trẻ em vùng DTTS thường nhút nhát, hôm nay học, ngày mai lại quên bài song cô giáo vẫn chịu khó, kiên nhẫn dạy lại từ đầu. Em nào mạnh dạn phát biểu và trả lời đúng thì được nhận phần thưởng khích lệ từ cô như: vở, bút, dây buộc tóc...
Song song với ôn luyện kiến thức, H’Hân còn dạy hát, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp trước đám đông, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ. Khóa học hè kết thúc, phụ huynh đều bày tỏ sự cảm kích trước sự tận tâm của cô giáo trẻ.
Tính đến hết năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai có 2.733 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; 100% đạt chuẩn theo yêu cầu của vị trí việc làm.