Tín chỉ carbon - Giải pháp khôi phục rừng Tây Nguyên - Bài 2: Kỳ vọng từ thị trường tín chỉ carbon

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với diện tích rừng hiện có, nhiều địa phương ở Tây Nguyên đang mong muốn khai quật “mỏ vàng” lớn từ tài nguyên thiên nhiên.

Dự án Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) và Tổ chức điều phối của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng tại 11 tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026 với giá 10 USD/tấn là tín hiệu tích cực cho thị trường carbon tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội và kỳ vọng phát triển rừng bền vững.

Tín hiệu khả quan

Với diện tích rừng hiện có, nhiều địa phương ở Tây Nguyên đang mong muốn khai quật “mỏ vàng” lớn từ tài nguyên thiên nhiên. Ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng cùng với 10 tỉnh vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ (gồm các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) đang phối hợp với Cục Lâm nghiệp và các bên có liên quan triển khai hồ sơ, thủ tục để được cấp tín chỉ carbon rừng tự nhiên, làm cơ sở bán tín chỉ carbon rừng tự nhiên thông qua tổ chức LEAF/Emergent.

Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) có nhiều tiềm năng khai thác tín chỉ carbon nhờ hệ thực vật phong phú. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) có nhiều tiềm năng khai thác tín chỉ carbon nhờ hệ thực vật phong phú. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

“Đối với rừng tự trồng hiện tại, chưa có tổ chức, quốc gia nào đăng ký triển khai các hồ sơ, thủ tục để tỉnh Lâm Đồng được cấp tín chỉ carbon rừng trồng làm cơ sở bán tín chỉ carbon. Thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng sẽ liên hệ với Bộ NN-PTNT, Cục Lâm nghiệp, các ngành và tổ chức liên quan triển khai các hồ sơ, thủ tục để được cấp tín chỉ carbon rừng trồng làm cơ sở bán tín chỉ carbon nhằm tạo nguồn thu cho đơn vị chủ rừng và nhiều bên liên quan”, ông Hoàng Sỹ Bích cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, với diện tích đất rừng 616.000ha, là tiềm năng lớn cho tỉnh trong việc xây dựng tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon rừng là một vấn đề mới và đây được xem là nguồn tài chính bền vững hỗ trợ các địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng. Tuy nhiên, nội dung này chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Do đó, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, nghiên cứu ban hành các hướng dẫn cụ thể để thực hiện, nhất là vấn đề về cơ chế mua bán, quản lý sử dụng nguồn kinh phí tín chỉ carbon này. Tương tự, ông Trương Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết, trên địa bàn có diện tích rừng hơn 649.000ha, được phân bố trên 17 huyện, thị xã, thành phố. Sở NN-PTNT tỉnh cũng đang tích cực phối hợp với Cục Lâm nghiệp xây dựng đề án tín chỉ carbon trên địa bàn tỉnh.

Ông Hà cũng chia sẻ thêm, đối với diện tích rừng trồng, hiện nay Công ty Ecotree đề xuất các nội dung liên quan đến việc khảo sát để hợp tác đầu tư trồng và phát triển rừng bền vững, xây dựng đề án thí điểm tín chỉ carbon đối với diện tích rừng trồng. Công ty Ecotree đã khảo sát xong và đang hoàn thiện hồ sơ, đề xuất cụ thể. Sau khi Công ty Ecotree hoàn thiện hồ sơ đề xuất cụ thể, Sở NN-PTNT tỉnh sẽ phối hợp các sở, ngành có liên quan tiếp tục tham mưu đề xuất UBND tỉnh. Tuy nhiên, ông Hà cũng lo ngại, tín chỉ carbon là vấn đề mới, mang tính chất cam kết giao dịch quốc tế, chưa có các quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam. Do đó, cần có những hướng dẫn, quy định cụ thể từ Trung ương. Sở NN-PTNT sẽ phối hợp các sở ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện.

Cơ hội khôi phục, phát triển rừng

Trước những tín hiệu khả quan từ dự án tín chỉ carbon đối với 11 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, hiện nay, nhiều đơn vị chủ rừng tại Tây Nguyên đã sẵn sàng mọi nguồn lực để tiếp cận dự án mới. Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Vườn quốc gia Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông), cho biết, Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng đã chủ động các nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ Ban quản lý Vườn quốc gia để thực hiện việc chi trả dịch vụ tín chỉ carbon sau này. Đặc biệt, đến hết năm 2023, đơn vị đã trồng mới được hơn 620ha rừng. Việc phát triển rừng trên những diện tích đất trống đã và đang góp phần tăng trữ lượng carbon cho Vườn quốc gia Tà Đùng.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cũng đặt kỳ vọng về thị trường carbon rừng. Ông cho biết, dự kiến đến năm 2025, tỉnh Đắk Nông sẽ phát hành tín chỉ carbon, ước tính thu về 10 USD/tín chỉ. TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, nhận định, tín chỉ carbon là một trong những giải pháp để phục hồi rừng Tây Nguyên. Hiện nay nguồn lực để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế, trong khi đó rừng cung cấp nhiều dịch vụ sinh thái môi trường. Nếu xây dựng được thị trường tín chỉ carbon rừng sẽ tạo nguồn lực kinh tế cho chủ rừng, doanh nghiệp, người dân, người trồng rừng để đầu tư bảo vệ, phát triển rừng.

“Nếu thị trường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam phát triển tốt sẽ là cơ hội để phát triển, hướng đến quản lý rừng bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường. Do đó, ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, pháp lý, khuyến khích các đơn vị, người dân xây dựng tín chỉ carbon rừng”, TS Phan Việt Hà cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Quế, Phó trưởng Ban quản lý rừng Lâm Viên (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), cho biết: “Ngoài yếu tố cảnh quan, những khu rừng lá kim đặc trưng tại địa bàn nếu đáp ứng được tiêu chí của tín chỉ carbon không những mang về nguồn thu mà còn nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Chúng tôi đang chờ có quy định hướng dẫn cụ thể để xây dựng phương án phát huy hết giá trị tiềm năng của diện tích rừng hiện có”.

Có thể bạn quan tâm