(GLO)- Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ các chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Xoay quanh vấn đề trên, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn với ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
ông Kpă Đô, Ảnh: TN |
- P.V: Ông có thể cho biết kết quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua?
Ông Kpă Đô: Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 45% dân số, chủ yếu là đồng bào Jrai và Bahnar, do vậy công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã tổ chức định canh định cư ổn định được hơn 3.000 hộ với nguồn vốn trên 116 tỷ đồng theo Quyết định 33/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình 135 giai đoạn 2006-2015 với trên 1.300 tỷ đồng đã đầu tư xây dựng mới và sửa chữa nhiều tuyến đường giao thông, trạm bơm điện và kênh mương thủy lợi, tạo điều kiện về đi lại, phát triển sản xuất, lưu thông trao đổi hàng hóa giữa các vùng. Nhiều diện tích lúa 1 vụ đã chuyển sang làm lúa nước 2 vụ góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS. Đồng thời, tỉnh đã bố trí dân cư ổn định cho hơn 2.700 hộ theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn kinh phí của Trung ương và tỉnh hơn 239 tỷ đồng đã giải quyết đất sản xuất và đất ở cho hơn 15.000 hộ với trên 5.330 ha, hỗ trợ nhà ở cho hơn 19.000 hộ, xây dựng trên 4.000 công trình nước sinh hoạt tập trung cho hơn 29.000 hộ, hỗ trợ chăn nuôi gần 900 hộ và chuyển đổi ngành nghề 444 hộ. Năm 2015-2016 tiếp tục hỗ trợ cho hơn 21.000 hộ nghèo DTTS khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo cơ bản hoàn thành các mục tiêu và yêu cầu đề ra, toàn tỉnh có hơn 11.000 hộ thuộc diện được hỗ trợ-trong đó có trên 9.000 hộ DTTS. Ngoài ra các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đã hỗ trợ xây dựng được 500 nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng...
Ảnh có tính minh họa- TN |
Chính sách trợ giá, trợ cước và cấp không thu tiền các mặt hàng chính sách đã thực hiện khoảng 603 tỷ đồng, với trên 23.000 tấn muối i ốt, gần 10.000 con bò giống, hỗ trợ tiền điện cho 15.000 hộ, cấp dầu hỏa cho 15.000 hộ nơi chưa có điện, cấp giấy vở cho trên 123.000 học sinh, cấp giống cây trồng và phân bón trên 10.000 tấn... góp phần ổn định cuộc sống cho vùng DTTS.
- P.V: Theo ông, đâu là những khó khăn và hạn chế cần quan tâm trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc ở Gia Lai?
Ông Kpă Đô: Đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng về công tác dân tộc trong tình hình mới; phương thức công tác dân tộc một số địa phương, cơ sở chậm được đổi mới. Công tác nắm tình hình các lĩnh vực đời sống xã hội vùng dân tộc ở một số địa phương vẫn còn có mặt hạn chế... Việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án một số nơi chưa sát với nhu cầu của cộng đồng người dân, chưa phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống của đồng bào, đầu tư còn dàn trải, chất lượng một số công trình thấp, nên đã làm hạn chế hiệu quả trong thực hiện chính sách. Một số vùng DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng còn thiếu, chất lượng y tế và giáo dục còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... Đó là những vấn đề đặt ra cần tiếp tục quan tâm giải quyết trong thời gian tới.
- P.V: Công tác dân tộc từ nay đến năm 2020 cần tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Kpă Đô: Để thực hiện tốt công tác dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã đề ra, một trong những giải pháp cần quan tâm là tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc, cùng các nghị quyết và văn bản chỉ đạo liên quan về đoàn kết dân tộc. Tiếp tục thực hiện rà soát và bổ sung cơ chế chính sách mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện các vùng DTTS của tỉnh. Huy động nhiều nguồn lực cho giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết những khó khăn bức xúc tại các vùng DTTS khó khăn, vùng căn cứ cách mạng.
Đồng thời, tăng cường cán bộ có năng lực và phẩm chất, tinh thần trách nhiệm cao cho cơ sở, vùng DTTS, các địa bàn trọng điểm về chính trị, an ninh, quốc phòng. Đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ làm công tác dân tộc và kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, bồi dưỡng và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào DTTS về thực hiện chính sách dân tộc. Tăng cường vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong công tác dân tộc, gắn với triển khai các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn.
- P.V: Xin cảm ơn ông.
Thanh Nhật (thực hiện)