(GLO)- Ngày 27-4, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 1207/UBND-NC “Về việc không liên hệ công việc bằng tin nhắn qua điện thoại”. Toàn văn được phát trên đài truyền hình địa phương đã gây dư luận trái chiều. Một số ý kiến cực đoan cho rằng việc này tạo tiền lệ “xâm hại quyền riêng tư”(?); thậm chí coi đó là một “tiền lệ” không thể chấp nhận(!).
Công văn viết: “Theo báo cáo của lực lượng chức năng, thời gian gần đây, lợi dụng sự tiến bộ của công nghệ tin học, một số đối tượng đã sử dụng phần mềm để dùng số điện thoại di động của người này gửi các tin nhắn giả mạo vào số máy di động của người khác, dẫn đến tình trạng bất ổn về an ninh thông tin, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội”. Để tránh tình trạng lạm dụng thông tin giả mạo trong chỉ đạo, xử lý công việc, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc quyền “tuyệt đối không chỉ đạo, báo cáo, trao đổi, xử lý công việc (của đơn vị mình) bằng tin nhắn qua điện thoại. Các tin nhắn qua điện thoại với nội dung liên quan đến công việc chung coi như không có giá trị”.
Các tin nhắn rác quấy rầy “thượng đế” (ảnh minh họa). |
Ủng hộ hay không ủng hộ nội dung công văn này, người viết đã thử “khảo cứu” một số phương diện thông tin liên quan. Một cán bộ của Viettel Gia Lai cho rằng: Sự tiến bộ của phần mềm tin học hiện nay đã cho phép người dùng vô đạo đức dễ dàng giả mạo, dựng tin nhắn rác để can thiệp vào đời tư người khác, can thiệp cả vào chuyện làm ăn, kinh doanh nhằm thao túng thị trường, làm mất uy tín của cá nhân, đơn vị công quyền. “Hiện chỉ có Viettel với khả năng bảo mật cao là chưa bị lạm dụng; còn hầu hết các nhà mạng khác đều đã bị tình trạng này”, mà nạn nhân thì không biết kêu ai.
Thử vào google, gõ “phần mềm giả mạo tin nhắn điện thoại di động”, hàng loạt kết quả hiện ra một cách… ngoạn mục. Theo đó, từ nhiều năm trước, phần mềm giả mạo tin nhắn có tên fakesms đã được rao bán công khai với chỉ 50.000 đồng cho… 250 tin nhắn (rác). Sự can thiệp của Bộ Thông tin và Truyền thông sau đó đã khiến trang mạng rao bán phải ngừng hoạt động vĩnh viễn. Tuy vậy, gần đây, phần mềm mới-SMS touch-với tính ưu việt hơn hẳn (cài đặt trên iphone/iPad/iPod) đã được rao bán công khai trở lại. Khởi thủy và với mục đích tốt đẹp, Apple store đã tạo điều kiện cho người dùng gửi tin nhắn với giá rẻ trên phạm vi toàn cầu (11,99 USD cho 100 tin nhắn, 59,99 USD cho 500 tin nhắn, và 99,99 USD cho 1.000 tin nhắn) qua phần mềm SMS touch; chúng đã bị lạm dụng với nhiều mục đích không lành mạnh tại Việt Nam (qua các mạng 3G/GPRS/wifi). Một ví dụ đơn giản mà… phức tạp: Với các phần mềm này, tôi có thể “đánh cắp” tạm thời số máy của bạn để gửi tin nhắn “rác” đến chính… vợ bạn (…).
Vậy để thấy, với người dùng điện thoại di động bình thường đã (đang) là nạn nhân của sự quấy rối tin rác qua công nghệ đã đủ bức xúc, huống gì…
Trở lại với công văn “cấm” của UBND tỉnh Gia Lai. Từ nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra khá nhiều vụ “khủng bố” bằng tin nhắn rác, hầu hết liên quan đến chuyện làm ăn, cả hợp pháp lẫn phi pháp; liên quan cả đến công tác nhân sự của chính quyền. “Khủng bố” từ dân thường đến cán bộ, cả cấp lãnh đạo. Thậm chí đây đó còn có dư luận (khó kiểm chứng) rằng tin nhắn rác còn can thiệp vào kết quả bỏ phiếu trong một số kỳ họp, đại hội… ở địa phương; với sự “hỗ trợ” của công nghệ cao.
Chưa kể pháp quy theo Luật Hành chính (…) trong công tác điều hành mọi mặt mà hệ thống công quyền buộc phải tuân thủ từ lâu, thì trong các bối cảnh trên, việc “cấm” của UBND tỉnh Gia Lai, dù tạo “tiền lệ” chưa từng có trong phạm vi cả nước, cũng là điều nhất thiết cần ủng hộ. Ít nhất cho đến khi Bộ Thông tin và Truyền thông đủ chế tài cần thiết cho những hành vi “tin tặc” đang góp phần làm xáo trộn xã hội hiện nay.
Nguyễn Thịnh