(GLO)- Tây Nguyên đang là cao điểm mùa khô. Từng cơn nắng dữ dội, hầm hập quất xuống những cánh rừng vốn đã không thể khô hơn kể từ đầu mùa khô đến giờ. Đây là địa bàn luôn nằm trong cấp dự báo cháy rừng cao nhất: Cấp V- cấp cực kỳ nguy hiểm.
Kon Tum: Chuyên trách đến tận thôn, làng
Kon Tum là tỉnh cực Bắc Tây Nguyên với 9 huyện, thành phố, bao gồm 97 xã, phường, thị trấn, trong đó đã có đến 80 xã, thị trấn có rừng. Với tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh gần 969.000 ha, Kon Tum có 657.000 ha rừng (chiếm 18,7% với các loại rừng tre nứa, lau lách xen lẫn cây bụi, rừng khộp, rừng thông). Đặc biệt, Kon Tum có khoảng 10.000 ha rừng trồng nguyên liệu giấy, hơn 9.500 ha rừng trồng của các Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp, gần 3.000 ha rừng trồng của các Ban Quản lý Rừng phòng hộ… đây là diện tích được xác định có nguy cơ cháy cao (hơn 20 ngàn ha). Mặt khác, Kon Tum có địa hình khó khăn, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt với ròng rã 6 tháng mùa khô… Trong khi đời sống của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn phụ thuộc nhiều vào rừng nên nguy cơ cháy rừng ở đây là rất cao và khi cháy thì rất khó khăn trong công tác dập lửa do địa hình khó khăn, hiểm trở.
Từ thực tế trên, ngay từ trước mùa khô 2013-2014, Ban Chỉ đạo Quản lý- Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã chủ động xây dựng “Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Kon Tum mùa khô 2013- 2014”. Theo đó, toàn tỉnh đã thành lập 90 Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) các cấp với gần 1.900 người luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: 470 người, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh: 185 người, Sư đoàn 10: 1.000 người, Công an tỉnh: 35 người, ngành Kiểm lâm tỉnh: 266 người). Bên cạnh đó, lực lượng dân phòng, bà con khắp các thôn làng cũng luôn sẵn sàng cứu rừng khi rừng bị cháy.
Bên cạnh con người, ngành lâm nghiệp tỉnh Kon Tum cũng đã chủ động xây dựng các công trình phòng cháy rừng với 36 km đường băng xanh, gần 1.700 km đường băng trắng cản lửa; 81 chòi canh, 199 công trình chứa nước cùng nhiều công trình khác. Ngoài ra, các phương tiện chữa cháy cũng đã được huy động tối đa với gần 6 ngàn dụng cụ thủ công, gần 300 máy móc, xe cơ giới, 58 xe ô tô các loại và gần 900 xe máy sẵn sàng huy động tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
Đặc biệt, trong công tác PCCCR, Kon Tum đã chủ động xây dựng lực lượng chuyên trách PCCCR từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, các chủ rừng, đến tận thôn làng. Ở cấp tỉnh gồm các lực lượng nòng cốt như ngành Kiểm lâm, Công an tỉnh, lực lượng quân đội… Ở cấp thôn làng thì mỗi thôn, làng lập một tổ, đội bảo vệ rừng và PCCCR gồm 10-15 người, chỉ huy trực tiếp là trưởng thôn; nhân lực tại chỗ là nhân dân toàn thôn trong đó tổ, đội PCCCR là lực lượng nòng cốt.
Ông Nguyễn Trung Hải-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kon Tum (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quản lý, Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum), cho biết: Phòng cháy, chữa cháy rừng phải dựa vào sức dân. Việc huy động toàn bộ nhân dân tham gia chữa cháy khi rừng bị cháy- bên cạnh việc kịp thời dập tắt ngọn lửa, còn là cách tuyên truyền cho nhân dân trong việc phòng-chống cháy rừng và bảo vệ rừng. Cũng theo ông Hải thì: “Phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời, khẩn trương, triệt để, không để tái cháy trên diện tích đã chữa”.
Gia Lai: Tập trung vào công tác phòng cháy
Ông Nguyễn Nhĩ-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, cho biết: “Công tác phòng cháy là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khi xảy ra cháy rừng, tỉnh cũng đã chuẩn bị đủ lực lượng, phương tiện để tham gia chữa cháy”.
Trên tinh thần đó mà ngay từ đầu mùa khô 2013-2014, ngành Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành lập đoàn liên ngành gồm Lâm nghiệp và Công an, đi kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố triển khai kế hoạch phòng cháy của mùa khô năm nay. Đồng thời chỉ đạo cho các Hạt Kiểm lâm, tham mưu cho huyện xây dựng phương án PCCCR theo phương châm bốn tại chỗ (gồm lực lượng, phương tiện, chỉ huy, hậu cần). Đến nay, 17 huyện, thị xã, thành phố đã có phương án PCCCR. Theo ông Nguyễn Hữu Long-Trưởng phòng Quản lý-Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Gia Lai) thì: Cần phải xác định chính xác các điểm có nguy cơ cháy rừng cao (Gia Lai hiện có 127 điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao). Đối với các Hạt Kiểm lâm, mỗi Hạt đã thành lập một đội chữa cháy khoảng 10 người với đầy đủ dụng cụ, phương tiện luôn sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy rừng. Đồng thời các Hạt phải thực hiện việc tuần tra canh gác liên tục, đặc biệt là đối với các trọng điểm cháy.
Bên cạnh những biện pháp trên, ngành Kiểm lâm Gia Lai cũng đã chú trọng việc kiểm tra, hướng dẫn nhân dân; nghiêm cấm đốt nương rấy trong thời kỳ cao điểm cháy rừng, hướng dẫn nhân dân ký cam kết “An toàn lửa rừng”…
Với các công trình PCCCR, đơn vị cũng đã triển khai tốt việc làm đường ranh cản lửa, đốt có điều khiển trước mùa khô… Chính nhờ làm tốt công tác phòng cháy mà đến thời kỳ cao điểm của mùa khô như ở thời điểm này, Gia Lai mới chỉ xảy ra một vài vụ cháy lẻ tẻ ở lớp thực bì trên đất lâm nghiệp, các vụ cháy trên đã được kịp thời phát hiện và cứu chữa.
Cũng theo ông Long, tổng kinh phí của ngân sách địa phương hỗ trợ cho công tác PCCCR năm nay là khoảng 5 tỷ đồng, tập trung vào 127 điểm có nguy cơ cháy cao của 17 huyện, thị xã, thành phố và 42 đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh (tính ra chỉ có 15 ngàn đồng cho 1 ha rừng).
Nắng nóng, khó khăn là vậy, nhưng lực lượng Kiểm lâm của Gia Lai-Kon Tum vẫn ngày đêm bám rừng, phát hiện từng đốm lửa nhỏ, đề phòng từng khả năng dẫn đến cháy rừng, để giữ cho rừng nơi đây mãi xanh tươi.
Trần Đăng Lâm