Thương hiệu điện máy lạ đổ bộ thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hàng loạt thương hiệu điện máy lần đầu tiên thâm nhập thị trường Việt Nam với các dòng sản phẩm có giá khá cạnh tranh để thu hút người tiêu dùng
Sức mua mặt hàng điện máy vẫn chưa có dấu hiệu ấm lên cho đến thời điểm này. Tuy vậy, các nhà phân phối vẫn không ngần ngại đưa nhiều sản phẩm mới của những thương hiệu không phổ biến về để làm phong phú hàng hóa bày bán. 
"Nhà cung cấp mới chào hàng liên tục để đưa sản phẩm vào siêu thị, nhiều nhất là mặt hàng điện gia dụng với đa dạng xuất xứ, mức giá từ cao đến thấp" - ông Hoàng Minh Tiến, phụ trách marketing siêu thị điện máy ở quận 5 (TP HCM), cho biết.
Giá hấp dẫn
Những cái tên vừa mới "làm quen" người tiêu dùng gần đây có thể kể đến Casper, Ffalcon, Mobell, Hisense, Hafele, Galanz, Beko, MDV… Ông Hoàng Minh Tiến giới thiệu những thương hiệu này không chỉ có giá bán hấp dẫn hơn sản phẩm cùng loại của hãng khác mà còn có nhiều chính sách khuyến mãi, dịch vụ hấp dẫn. Chẳng hạn, thương hiệu Casper (Thái Lan) tung ra hàng loạt sản phẩm tivi, máy lạnh, tủ lạnh được trợ giá để làm thương hiệu, chấp nhận gần như không có lãi, thậm chí chịu lỗ. 
Ví dụ, smart tivi 43 inch có giá bán lẻ chưa tới 6 triệu đồng; máy lạnh 1,5 HP giá chỉ 5,8 triệu đồng trong khi sản phẩm tương đương của các thương hiệu khác từ 7-9 triệu đồng. Với tủ lạnh lớn side by side, khách mua hàng được tặng tivi 4K trị giá 11 triệu đồng. Đồng thời, chính sách một đổi một của hãng này được kéo dài lên tới 2 năm.

Bên cạnh những hãng nổi tiếng, trên thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu mới
Bên cạnh những hãng nổi tiếng, trên thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu mới
Trong khi đó, hãng sản xuất dụng cụ máy khoan cầm tay Bosch cũng mạnh dạn đầu tư sản xuất tủ lạnh, máy giặt và nhiều sản phẩm đồ điện gia dụng khác. Beko - một thương hiệu của Thổ Nhĩ Kỳ còn xa lạ với người tiêu dùng Việt - mới đây cũng giới thiệu khá nhiều sản phẩm tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, bàn ủi, lò vi sóng… 
Chưa kể, nhiều thương hiệu Trung Quốc trước đây đã tiêu thụ điện thoại di động khá thành công tại Việt Nam, chẳng hạn Mobell, nay chuyển sang làm thương hiệu cho các mặt hàng điện máy, điện gia dụng. Tivi 43 inch của Mobell giá chỉ hơn 5 triệu đồng/chiếc, tivi 32 inch giá dưới 3 triệu đồng/chiếc.
Các thương hiệu Braun, Ixor, Other, Pnesonic, Cuchen, Tefal, Zojirushi, Perfect, Elmich, Simple Home, Delonghi, Smeg, Kitchenlux, Junger… cũng góp mặt trên thị trường với các sản phẩm nồi cơm điện, bếp từ, lò vi sóng, bàn ủi…
Vẫn còn dư địa
Dù thị trường tiêu thụ sản phẩm điện máy, đồ điện gia dụng toàn cầu còn ảm đạm nhưng giới chuyên môn vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng thu hút các nhà sản xuất, kinh doanh. Thực tế, đã có không ít thương vụ đầu tư được đánh giá là khá thành công trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, Công ty Hisense Việt Nam (tập đoàn mẹ tại Trung Quốc) đã ra mắt nhiều mặt hàng điện máy được sản xuất tại nhà máy của họ ở Thái Lan. 
Còn với Công ty CP Viettronics Tân Bình (VTB), ông Vũ Dương Ngọc Duy, tổng giám đốc, cho biết doanh nghiệp cũng hợp tác với hãng điện tử Sansui (Nhật Bản) nổi tiếng về các thiết bị âm thanh để sản xuất tivi Sansui tại Việt Nam. Hiện sản phẩm tivi Sansui đã có mặt trên thị trường với mức giá cạnh tranh để thu hút người tiêu dùng. "Đúng là thị trường đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng sẽ nhanh chóng phục hồi và sức tiêu thụ hàng điện máy sẽ tốt trở lại vì đây là nhu cầu thiết thực" - ông Duy nhận định.
Ghi nhận thực tế cho thấy dù người tiêu dùng lâu nay đã quen với sản phẩm thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc và không mấy tin tưởng thương hiệu lạ nhưng sản phẩm có mức giá thấp vẫn tiêu thụ được ở khu vực nông thôn. Các chuỗi bán lẻ cũng xác định nông thôn chính là khu vực phân phối có tiềm năng lớn trong tương lai với nhóm khách hàng dễ tính hơn và chưa mua sắm nhiều hàng điện máy, còn các thành phố lớn gần như đã hết dư địa.
Về mức giá, các sản phẩm này đa phần thấp hơn sản phẩm cùng loại khoảng 20%-30%, ông Hoàng Minh Kiệt, phụ trách kinh doanh Công ty Tân Minh Phát (chuyên phân phối hàng điện máy, điện gia dụng), lý giải các thương hiệu mới đổ hàng vào Việt Nam trước mắt để giúp người tiêu dùng biết và nhớ đến họ. Giai đoạn đầu, các thương hiệu chấp nhận lỗ, tiêu tốn nhiều chi phí để quảng bá, đưa ra mức giá thấp đáng kể nhằm gây chú ý.
Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cũng là một câu chuyện đáng quan tâm. Theo ông Kiệt, sản phẩm điện máy của các thương hiệu mới đa dạng về xuất xứ. Nhiều sản phẩm đến từ châu Âu, châu Mỹ, ASEAN nhưng cũng có nhiều thương hiệu của Trung Quốc. Không ít thương hiệu châu Âu đặt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, còn thương hiệu Trung Quốc lại sản xuất và được lấy xuất xứ từ nước khác. 
Nhưng nhìn chung, phần lớn thương hiệu hàng điện máy, gia dụng giá cạnh tranh là của nhà sản xuất Trung Quốc, chủ yếu được sản xuất tại nước này nên có mức giá khá thấp. "Khi mua sắm, người tiêu dùng cần xem kỹ trên bao bì sản phẩm để biết thương hiệu của nước nào và sản xuất ở đâu, từ đó cũng phần nào đánh giá được chất lượng" - ông Kiệt khuyến cáo.
Dễ sản xuất
Ông Phùng Đình Lực, Giám đốc kỹ thuật Công ty Sharp Việt Nam, cho hay công nghệ sản xuất tivi hiện nay không khó để tiếp cận, hầu như doanh nghiệp nào cũng có thể làm được. Do vậy, nhiều thương hiệu mới xuất hiện trên thị trường là điều dễ hiểu. "Trung Quốc là đại công xưởng của thế giới nên khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất rất lớn. Từ đại công xưởng này, hàng hóa được sản xuất theo đặt hàng có thể tỏa đi khắp nơi, trong đó có nước láng giềng là Việt Nam. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng thường sản xuất theo từng cụm linh kiện rồi chuyển về Việt Nam lắp ráp hoàn chỉnh và tiêu thụ với đủ mức giá từ cao đến thấp" - ông Lực giải thích về nguồn hàng điện máy giá rẻ khá lớn trên thị trường.
Bài và ảnh: Nguyễn Hải (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.