Thương hiệu ''Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành'' nâng cao vị thế của Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành“, mục tiêu của Lâm Đồng là hình thành nhãn hiệu uy tín của tỉnh, trở thành nhãn hiệu hàng đầu tại Việt Nam, sản phẩm rau - hoa đứng đầu khu vực Đông Nam Á, du lịch canh nông đứng đầu toàn quốc và thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Những sản phẩm nông nghiệp độc đáo đã góp phần nâng cao vị thế của Lâm Đồng
Những sản phẩm nông nghiệp độc đáo đã góp phần nâng cao vị thế của Lâm Đồng


Từ lợi thế so sánh đặc biệt về thời tiết, phong cảnh, nét văn hóa độc đáo, sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên cùng sản vật của vùng đất Đà Lạt gắn liền với quá trình hình thành, phát triển để mang đến điều kỳ diệu cho cuộc sống, được Tổ chức JICA Nhật Bản hỗ trợ, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với 4 sản phẩm đặc trưng gồm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông tại thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.
 
Để đưa nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đến với cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng biết, cảm nhận về giá trị và lợi ích của nhãn hiệu, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch hành động về phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” giai đoạn 2017 - 2020. Kế hoạch đặt ra các mục tiêu, bao gồm: Tập trung các nguồn lực để phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông trở thành thương hiệu số 1 của Việt Nam.
 
Triển khai 13 nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn; khảo nghiệm, tuyển chọn và phát triển các giống cây ăn quả và cây công nghiệp; xây dựng thành công 4 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nuôi trồng nấm dược liệu.
 
Tổ chức ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tính đến nay có khoảng 95% diện tích canh tác rau, hoa đạt tiêu chí công nghệ cao, phổ biến là công nghệ giống (invitro), canh tác trong nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, có nhiều diện tích đã ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong điều khiển hệ thống canh tác và bón phân. 100% mẫu rau đều đạt an toàn, tỷ lệ mẫu không đạt tiêu chuẩn an toàn chỉ chiếm 0,13%.

 

Thu hoạch rau công nghệ cao tại Phường 7, thành phố Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
Thu hoạch rau công nghệ cao tại Phường 7, thành phố Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu

 
Đồng thời, tổ chức vận hành tốt mô hình Trung tâm sau thu hoạch tại Công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy, huyện Đức Trọng từ công nghệ và kinh phí hỗ trợ của Tổ chức JICA Nhật Bản, trung tâm đã hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả, có khả năng phân loại cà chua theo các tiêu chí về kích thước, màu sắc theo yêu cầu của doanh nghiệp và đối tác đặt hàng; góp phần tăng năng suất phân loại mặt hàng cà chua lên 66,67%/tháng, giảm 75% công lao động/ngày.
 
Bên cạnh sản phẩm cà chua, Trung tâm sau thu hoạch còn sơ chế, phân loại đóng gói hơn 60 mặt hàng nông sản khác, sản lượng bình quân khoảng 7.800 tấn/năm. Ngành công thương chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương đã và đang hướng dẫn, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện nhân rộng mô hình trung tâm sau thu hoạch.
 
Tập trung khuyến khích doanh nghiệp phát triển du lịch canh nông, đến nay đã thẩm định, công nhận 33 mô hình du lịch canh nông “Một điểm dừng”; tổ chức cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 373 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh 4 nhóm sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông.
 
Thông qua đó, các sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông của tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định chất lượng, uy tín và đang trở thành thương hiệu mạnh trong nước, số 1 của Việt Nam và từng bước vươn ra thế giới; thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Đà Lạt - Lâm Đồng tăng trưởng qua các năm.
 
Xây dựng chuyên trang website: www.dalatkettinhkydieutudatlanh.vn để quảng bá riêng cho thương hiệu và đặc biệt truyền thông tập trung trên quy mô lớn, tạo điểm nhấn qua các hoạt động trong Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Trà và Tơ lụa Bảo Lộc.
 
Hàng năm, các cơ quan quản lý tổ chức các đoàn doanh nghiệp sản xuất nông sản, chế biến nông sản, tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; tổ chức khảo sát thị trường, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu tại 63 tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ, các tỉnh miền Trung - Tây nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long; cũng như kết nối giao thương, tham gia hội chợ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
 
Theo ông Hoàng Trọng Hiền - Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng: “Đến nay, sản phẩm rau, hoa, cà phê của doanh nghiệp Lâm Đồng đã kết nối, phân phối tiêu thụ tại nhiều hệ thống siêu thị như Coopmart, Citimart, V-mart, Intimex, Vinmart, Big C, Lotte, Aeon, MM mega, Auchan,...; chợ đầu mối phân phối khu vực tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội; các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng chuyên doanh rau, hoa, cửa hàng cà phê,... trong cả nước. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản đều có sự tăng trưởng qua các năm, trong giai đoạn 2017-2019 kim ngạch xuất khẩu rau củ tăng 26,88% về lượng và 29,12% về giá trị; kim ngạch xuất khẩu hoa tăng 7,6% về lượng; kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng 23,69% về lượng và 18,98% về giá trị; thị trường xuất khẩu chủ yếu đối với mặt hàng rau, củ, quả xuất sang 11 nước tại khu vực Đông Á, EU, Mỹ, ASEAN; hoa xuất khẩu sang 12 nước tại khu vực Đông Á, châu Úc, châu Âu và ASEAN; và cà phê đã xuất khẩu sang tất cả các châu lục”.
 
Với những thành công đã đạt được, có thể thấy, nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã tạo giá trị vượt trội về chất lượng sản phẩm, uy tín khi sử dụng và mang lợi ích đến với người tiêu dùng, ngày càng nâng cao vị thế của tỉnh.

Theo LINH ĐAN (LĐ Online)

Có thể bạn quan tâm