(GLO)- Lựa chọn tiêu dùng thực phẩm sạch đang trở thành xu hướng chung của người dân trong những năm gần đây. Thế nhưng, mỗi loại thực phẩm có tiêu chuẩn sạch khác nhau, có loại được chứng nhận, loại chưa, rồi thì sạch bẩn đan xen làm cho người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” giữa các kiểu sạch. Trong khi đó, các sản phẩm sạch được chứng nhận lại không tìm được đầu ra.
Tự phong mác… sạch!
Khi nỗi lo thực phẩm bẩn tăng lên thì khái niệm sạch được quan tâm nhiều hơn. Ban đầu là thịt gia cầm sạch, rau sạch, rồi đến trứng sạch, gạo sạch, cà phê sạch, chè sạch, tiêu sạch, nước mắm sạch… Ngoại trừ số ít sản phẩm đã được cấp chứng nhận, còn lại sản phẩm tự phong mác sạch có mặt trên thị trường thật sự sạch hay không và sạch đến mức nào, chỉ có người sản xuất mới biết.
Thời gian qua, một bộ phận người dân bắt đầu chuyển qua dùng loại cà phê nguyên chất. Nhiều quán trưng bảng rất bắt mắt và không ít quán đã đầu tư máy xay cà phê để đảm bảo cho ra sản phẩm sạch 100% từ hạt cà phê không có tạp chất. Để thưởng thức một ly cà phê này, người uống phải chi tiền bằng 3 ly thông thường.
Gần đây, trứng gà omega được rất nhiều người mua dùng. Ngoài những nhãn hàng lớn được bày bán ở siêu thị, một số người tìm tới địa chỉ bán trứng gà omega của ông Trung (đường Âu Cơ, TP. Pleiku). Theo chủ nhà, việc nuôi phải áp dụng tiêu chuẩn cho gà ăn cá con, thóc, bắp và cả rau chùm ngây mới cho ra trứng có hàm lượng dinh dưỡng cao và đặc biệt là đảm bảo tiêu chuẩn sạch. Song, qua tìm hiểu, sản xuất trứng gà omega sạch phải có công thức và quy trình hẳn hoi. Ngoài ăn những loại thức ăn có chứa omega, thảo dược, gà còn được nghe nhạc giao hưởng!
Đối với mặt hàng rau củ, ngoài một công ty chuyên sản xuất rau an toàn duy nhất trên địa bàn với sản lượng bình quân 60 tấn/tháng, còn lại đều sản xuất theo cách thông thường. Chị H’Re-một người bán rau ở Trung tâm Thương mại Pleiku chỉ có 2 gùi rau nhưng liên tục giới thiệu khi có khách mua: “Rau này là rau sạch đấy, nhà mình trồng không phun thuốc đâu, về đừng ngâm muối làm gì”. Bà Ngân (nhà ở đường Trần Phú) là khách quen ngày nào cũng đến mua rau ở đây nói: “Chẳng qua là mua hàng nào quen hàng đó, mình có làm rau đâu mà biết có thuốc hay không. Giả sử mấy người này bán rau sạch đi chăng nữa ai mà kiểm chứng được điều này!”.
Ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Thực phẩm sạch được hiểu là thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, có quy trình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường và là sản phẩm được cấp chứng nhận đạt các tiêu chuẩn quốc gia. Hiện nay, ở Gia Lai chỉ có số ít sản phẩm được chứng nhận như rau an toàn Hương Đất An Phú, gia cầm Giai Lợi, chè Bàu Cạn, cà phê Classic, cà phê Thu Hà, hồ tiêu Maseco.
Bao giờ cung mới gặp cầu?
Đến Trung tâm Thương mại Pleiku, nơi có bán sản phẩm gà sạch Giai Lợi mới thấy sức tiêu thụ sản phẩm này thật chậm chạp so với các sản phẩm cùng loại không rõ nguồn gốc bày bán xung quanh. Giá bán so với gà ta chưa làm lông rẻ hơn khá nhiều và chất lượng thịt theo nhiều người đã dùng đánh giá là ngon cùng với yếu tố đã được kiểm dịch an toàn, có nhãn mác xuất xứ rõ ràng mà tại sao hàng vẫn không bán chạy? Đó là vấn đề đặt ra lâu nay vẫn chưa có lời giải. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Loan-Giám đốc Công ty TNHH Giai Lợi nêu vấn đề: Sở dĩ hàng bán chậm là do thói quen tiêu dùng của người dân về thực phẩm sạch có chứng nhận chưa được nâng cao, người dân chưa thật sự quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. “Ra đời từ năm 2007, với hy vọng thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về thực phẩm sạch có độ an toàn cao, song sản phẩm của Giai Lợi chỉ tiêu thụ được ít. Bình quân mỗi ngày doanh nghiệp bán ra thị trường khoảng 120 con gà. So với lượng gà sống tiêu thụ ở các chợ quả là con số ít ỏi”-bà Loan nói thêm.
Cũng không đâu xa, Công ty Hương Đất An Phú chuyên sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng mỗi ngày khoảng 2 tấn, nhưng chỉ tiêu thụ được chừng 600-700 kg (ở cả 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định)! 2/3 sản lượng rau còn lại không có đầu ra, Công ty đành phải bán xô cho thương lái ngang bằng giá với rau thông thường.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú cho biết: Được sự vận động của UBND TP. Pleiku về sản xuất rau an toàn có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình đã đầu tư 2 tỷ đồng để làm mô hình trồng rau trên diện tích 2,2 ha, trong đó có 4.200 m2 nhà lồng, đồng thời cũng đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 14 hộ dân ở xã An Phú (đã có giấy chứng nhận VietGAP) với diện tích 5 ha. Tuy nhiên, 2 năm đầu hoàn toàn không có lãi, mới năm vừa rồi đây mới gọi là có chút lãi.
Có một nghịch lý là trong khi nguồn thực phẩm sạch trên địa bàn ế ẩm thì người tiêu dùng lại kêu ca không tìm thấy kênh phân phối. Hiện nay, các nhà sản xuất thực phẩm sạch mới chỉ dừng lại ở việc phát triển thị trường qua kênh siêu thị là chính, hệ thống bán lẻ cũng chưa hình thành và để vào bếp ăn tập thể lại càng khó.
Ông Bùi Quốc Bình-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho biết: Đối với các loại thực phẩm sạch, siêu thị đều có công thức test nhanh để kiểm tra độ an toàn trước khi đưa ra kệ hàng. Tuy nhiên, sản lượng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thực phẩm sạch bán ở đây tiêu thụ cũng không đáng kể so với nhu cầu thực tế hàng ngày. Hiện nay, lượng gà sạch tiêu thụ khá chậm. Đối với mặt hàng rau củ sạch, mỗi ngày Siêu thị xuất bán khoảng 300 kg các loại (trong đó nhãn hàng sản xuất ở Gia Lai khoảng 100 kg).
Để mở rộng thị trường, một số công ty đã triển khai bán hàng qua điện thoại giao tận nơi cho khách. Thế nhưng khi được hỏi nhiều người vẫn có chung tâm lý là thích tự tay lựa chọn mới yên tâm. Còn một bộ phận lớn người dân có thói quen mua thực phẩm tại các chợ cóc, chợ tạm gần nơi sinh sống. Bên cạnh đó, cũng còn không ít người chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng thực phẩm sạch trên thị trường, nhất là đối với mặt hàng rau.
Thảo Nguyên