Thú rừng vẫn bị tàn sát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tình trạng mua bán, sử dụng động vật hoang dã có chiều hướng gia tăng và Việt Nam bị đánh giá là một quốc gia có nguồn thị trường tiêu thụ và trung chuyển động vật hoang dã lớn trên thế giới.
Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên - ENV (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), chỉ tính riêng quý I/2022, cả nước ghi nhận 808 vụ vi phạm về động vật hoang dã, trong đó có 46 vụ buôn lậu, vận chuyển, buôn bán lớn động vật hoang dã; 588 vụ buôn bán và quảng cáo động vật hoang dã; 164 vụ tàng trữ, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép và 29 vụ săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Công khai mua bán
Với hệ động vật rừng đa dạng, nhiều loài quý hiếm, thời gian qua, Vườn Quốc gia Yók Đôn, tỉnh Đắk Lắk luôn trong tình trạng bị các đối tượng săn bắn nhòm ngó. Lực lượng kiểm lâm của vườn luôn tổ chức tuần tra để phát hiện các đối tượng săn bắn và gỡ hàng trăm chiếc bẫy thú. "Diện tích vườn rất lớn, 3 mặt là khu dân cư sinh sống, các khu vực lân cận không còn thú rừng nên đối tượng luôn nhăm nhe thú rừng trong vườn. Chúng tôi phải thường xuyên tuần tra, mật phục, kịp thời phát hiện các đối tượng săn bắn, gỡ bẫy dính thú để giải cứu, thả lại về tự nhiên" - ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc Vườn Quốc gia Yók Đôn, nói.
 
Lực lượng chức năng thả các loài động vật rừng bị săn bắt, nuôi nhốt trái phép về rừng
Lực lượng chức năng thả các loài động vật rừng bị săn bắt, nuôi nhốt trái phép về rừng
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV, cho biết Việt Nam bị đánh giá là một quốc gia có nguồn thị trường tiêu thụ và trung chuyển động vật hoang dã lớn trên thế giới. Những năm gần đây, số lượng các vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực này vẫn tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, một số đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép đã bị pháp luật xử lý nghiêm minh nhưng vẫn không làm giảm tình trạng săn bắt, tiêu thụ thú rừng. Trong vòng 16 năm qua, các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 21.000 vụ buôn bán động vật hoang dã, số vụ gia tăng theo thời gian.
Cũng theo bà Bùi Thị Hà, thời gian gần đây, các đối tượng còn công khai trên mạng xã hội việc mua bán động vật hoang dã. Những sản phẩm này được quảng bá có thể chữa bách bệnh, trong khi chưa có ngành khoa học nào chứng nhận. "Trong quý I/2022, ENV ghi nhận có 482 quảng cáo động vật hoang dã trên mạng xã hội đã được các ngành chức năng xử lý, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm; có 22 hội, nhóm buôn bán động vật hoang dã trên internet với 61.508 thành viên đã bị xóa bỏ" - phó giám đốc ENV cho hay.
Điểm nóng về ngà voi
Theo ENV, Việt Nam hiện còn là một trong những quốc gia đóng vai trò chính trong hoạt động buôn bán và tiêu thụ ngà voi bất hợp pháp. Các mạng lưới tội phạm người Việt Nam đã nhập lậu hàng tấn ngà voi để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam và trung chuyển đến những quốc gia khác ở châu Á.
Tỉnh Đắk Lắk là một trong những điểm nóng về tình trạng mua, bán lẻ các sản phẩm ngà voi. Với đặc thù là nơi phân bố quần thể voi lớn nhất của Việt Nam và thường tổ chức các hoạt động du lịch gắn liền với voi nên khách du lịch Việt Nam và châu Á có xu hướng mua bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi tại đây.
Bà Bùi Thị Hà cho biết cuối tháng 1-2022, ENV đã khảo sát 49 cửa hàng vàng bạc, mỹ nghệ, quầy lưu niệm, khách sạn, nhà hàng, ghi nhận có tới 26 cơ sở kinh doanh các sản phẩm chế tác từ ngà voi, xương voi, lông đuôi voi, móng hổ, móng gấu và lông đuôi công. "Cơ quan chức năng cần chỉ đạo dừng bán các sản phẩm liên quan ngà voi, lông đuôi voi, dù sản phẩm ấy là thật hay giả. Có thể xử phạt các cửa hàng lưu niệm, khu du lịch về hành vi kinh doanh sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ" - bà Hà nói.
Còn theo thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk, trong tháng 3 và tháng 4-2022, đơn vị đã kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh các sản phẩm, đồ lưu niệm du lịch trên địa bàn tỉnh thì phát hiện 7 cơ sở kinh doanh các sản phẩm, đồ lưu niệm liên quan đến các động vật hoang dã, nhất là các sản phẩm liên quan đến voi. Đơn vị đã tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định xử phạt các cơ sở vi phạm hơn 2,168 tỉ đồng.
Thiếu tá Anh cũng cho rằng có nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, đặc biệt là công tác giám định. "Khi đối mặt với mức phạt 180 triệu đồng cho dưới 300 g ngà voi, nhiều chủ cơ sở rất bất ngờ với mức phạt cao như thế. Do đó, chúng tôi mong muốn các sở, ngành, tổ chức liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, các cơ sở kinh doanh nắm rõ quy định" - thiếu tá Nguyễn Thế Anh nói. 
Làm xấu hình ảnh Việt Nam
Theo ENV, việc xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe vì lợi nhuận từ buôn bán động vật hoang dã là rất lớn. Do đó, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường xử lý hình sự các vụ án liên quan đến động vật rừng. Điển hình, ngày 12-7, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa và tuyên phạt 4 bị cáo với tổng mức án 18 năm tù về hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép 984 kg vảy tê tê, giá trị tang vật được ước tính lên tới hơn 1,3 tỉ đồng, lớn nhất từng được ghi nhận tại Việt Nam. "Buôn bán động vật hoang dã không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học trong nước và thế giới mà còn đang làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế nên cần xử lý nghiêm" - bà Bùi Thị Hà nhìn nhận.
Theo Bài và ảnh: Cao Nguyên (NLĐO)
 

Có thể bạn quan tâm