"Thủ phủ" năng lượng tái tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Gia Lai đang nổi lên như “thủ phủ” của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo với “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ ở lĩnh vực điện mặt trời, điện gió và trong tương lai là điện sinh khối, điện mặt trời nổi. Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế

Gia Lai có khoảng 5,1-5,3 giờ nắng/ngày, tốc độ gió ở nhiều khu vực đạt 6-8 m/s. Qua khảo sát đo gió sơ bộ tại một số vị trí và dữ liệu được thu thập, lưu trữ tại trang web https://globalwindatlas.info, Gia Lai có 4 khu vực tiềm năng phát triển các dự án điện gió với quy mô công suất có thể đạt khoảng 11.950 MW. Trong đó, khu vực phía Đông khoảng 3.800 MW, phía Đông Nam khoảng 1.300 MW, phía Tây khoảng 6.350 MW và TP. Pleiku khoảng 500 MW.

Cùng với hệ thống sông suối, nhiều lòng hồ thủy điện ở Gia Lai rất phù hợp để phát triển điện mặt trời nổi. Việc đầu tư vào lĩnh vực này sẽ không chiếm diện tích đất. Theo khảo sát, năng lượng điện mặt trời tại Gia Lai có thể đạt công suất khoảng 7.500 MW, trong đó, điện mặt trời nổi trên nước hơn 2.500 MW. Mới đây, Dự án Nhà máy Điện mặt trời KN Ia Ly-Gia Lai do Công ty Điện mặt trời Ia Ly Gia Lai làm chủ đầu tư có công suất thiết kế 500 MW đã được phê duyệt, dự kiến hoàn thành vào quý IV-2023. Dự án được xây dựng trên 500 ha diện tích mặt nước của lòng hồ thủy điện Ia Ly và 5 ha diện tích mặt đất để xây dựng khu vực trạm biến áp và khu quản lý vận hành. Giai đoạn 2016-2020, Gia Lai có 4 dự án điện mặt trời được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 138 MW và tổng vốn 3.500 tỷ đồng; 17 dự án điện gió đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn 41.253 tỷ đồng, tổng công suất 1.242 MW; 1 dự án điện mặt trời nổi và một số dự án nhà máy điện sinh khối.

 Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa (xã Chư Gu, huyện Krông Pa). Ảnh: Nam Bình
Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa (xã Chư Gu, huyện Krông Pa). Ảnh: Nam Bình


Riêng về điện mặt trời, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 2 dự án đi vào vận hành có tổng công suất 84 MWp với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng là Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa và Nhà máy Điện mặt trời Chư Ngọc LICOGI 16 giai đoạn 1. Có 2 dự án đang thi công là Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa 2 tại xã Chư Gu và Nhà máy Điện mặt trời Chư Ngọc-EVNLICOGI 16 giai đoạn 2 tại xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) với tổng quy mô công suất 74 MWp, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.700 tỷ đồng. Cùng thời điểm này, Gia Lai đang có 5 dự án điện mặt trời được bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất 654 MWp; 10 dự án điện được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.125 MWp; 25 dự án được UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất dự kiến 4.563,5 MWp.

Năm 2021, nhiều dự án điện gió đã về đích trước thời hạn. Toàn tỉnh có 11/16 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại với tổng công suất 563 MW. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho hay: “Số dự án điện gió vận hành thương mại chiếm tỷ lệ 47,23% tổng số dự án đã triển khai. Trong số đó, có 7 dự án vận hành thương mại 100% với tổng công suất 446,2 MW gồm: Cửu An, HBRE Chư Prông, Ia Bang 1, Ia Pết-Đak Đoa 1, Ia Pết-Đak Đoa 2, Nhơn Hòa 1, Nhơn Hòa 2. 16 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đã thu hút nguồn vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng. Các dự án đã và đang phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông, tạo thêm việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Theo ước tính, trung bình 1 MW điện gió nộp ngân sách nhà nước khoảng 550 triệu đồng. Nếu 1.242 MW được đưa vào vận hành thương mại sẽ góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách khoảng 680 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với tiềm năng, Gia Lai chỉ mới khai thác được khoảng 20%, còn lại chính là dư địa mà tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư, khai thác”.

Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 và Nhà máy Điện gió Ia Pết-Đak Đoa 2 đã vận hành thương mại từ ngày 28-10-2021. Đây là 2 nhà máy thuộc nhóm công trình điện gió có tiến độ thực hiện nhanh nhất của cả nước và là điển hình về quy mô, tiến độ. Ông Nguyễn Quốc Huy-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Một-cho biết: “2 nhà máy có 44 trụ tua bin phát điện gió có tổng công suất gần 200 MW với tổng vốn đầu tư hơn 7.330 tỷ đồng. Sản lượng điện thương phẩm ước tính hơn 528 triệu kWh/năm. Mỗi tháng, sản lượng điện của 2 nhà máy đạt khoảng 34 triệu kWh, doanh thu đạt 68 tỷ đồng. 2 nhà máy đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho 200 lao động”.

Không chỉ giúp khai thác nguồn năng lượng từ gió mà các dự án còn góp phần phát triển du lịch. Ông Lê Bá Quốc Thắng-đại diện chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió phát triển Miền núi và Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên-chia sẻ: “Chúng tôi có kế hoạch vừa phát triển điện gió, vừa phát triển du lịch bằng cách kết nối các công ty du lịch đưa khách vào tham quan đồi chè và chụp ảnh với các trụ điện gió. Đây cũng là điểm mới của Gia Lai để thu hút du khách”.

Thu hút đầu tư các dự án ngàn tỷ

Đổ bê tông móng trụ tuabin điện gió Nhà máy Điện gió phát triển miền núi (huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy
Đổ bê tông móng trụ tuabin điện gió Nhà máy Điện gió phát triển miền núi (huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy

Theo Giám đốc Sở Công thương, hầu như tất cả các đường dây 500 kV từ Bắc vào Nam đều đi qua địa bàn nên Gia Lai có vị trí rất quan trọng về truyền tải công suất để hỗ trợ các vùng, miền khi thiếu điện. Trung bình 1 MW điện gió sẽ thu hút 35 tỷ đồng; điện mặt trời nối lưới 25 tỷ đồng/MW; thủy điện 30 tỷ đồng/MW, điện mặt trời mái nhà 15 tỷ đồng/MW. “Tuy nhiên, việc xem xét phát triển các dự án năng lượng tái tạo luôn phải đảm bảo các tiêu chí như: nằm tại khu vực có tiềm năng phát triển, gần đường giao thông và các điểm đấu nối lên lưới điện quốc gia; không chồng lấn, ảnh hưởng đến các quy hoạch khác. Tuyệt đối không sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên, đất quốc phòng. Khi triển khai, nhà đầu tư phải có năng lực về tài chính và kinh nghiệm thực hiện; phải cam kết với chính quyền địa phương về các nội dung như thực hiện an sinh xã hội và bố trí đất sản xuất cho người dân nhằm đảm bảo sau khi thu hồi đất để thực hiện dự án”-ông Binh cho biết thêm.

 


Những kết quả bước đầu mà Gia Lai đạt được trong thu hút đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tạo tiền đề để tỉnh phát huy lợi thế, phù hợp với chương trình hành động mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thông tin: “Giai đoạn 2021-2025, Gia Lai dự kiến thu hút 82 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch với tổng vốn khoảng 194.000 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo dự kiến có tới 38 dự án với tổng mức đầu tư gần 157.000 tỷ đồng”.

Theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Tỉnh ủy, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút và đưa vào hoạt động mới 3.000-3.500 MW. Trong đó có 1.242 MW được triển khai năm 2021, còn lại tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng và vận hành những năm kế tiếp khoảng 2.310 MW gồm các dự án: thủy điện Ia Ly, điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời nổi, điện gió, thủy điện và điện sinh khối. Bên cạnh đó, tập trung triển khai 4 dự án lưới điện 500 kV, 5 dự án 220 kV và 110 kV.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Gia Lai mới đây, ông Tharanut Koonyotying-Tổng Lãnh sự Thái Lan-bày tỏ: “Thái Lan rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tới thời điểm này, Thái Lan cũng đã có sự hợp tác đầu tư tại miền Nam và miền Trung với nguồn vốn 5 tỷ USD, chiếm 30% tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Riêng Gia Lai, tôi nhận thấy đây là địa phương cực kỳ giàu tiềm năng, chắc chắn trong tương lai gần, các nhà đầu tư của Thái Lan sẽ đến để tìm hiểu cơ hội hợp tác”.

 

KIM LINH - VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Peugeot E-408 có thể chạy khoảng 400 km cho mỗi lần sạc, giá trên 1,1 tỷ đồng

Peugeot E-408 có thể chạy khoảng 400 km cho mỗi lần sạc, giá trên 1,1 tỷ đồng

(GLO)- Peugeot E-408, phiên bản chạy điện của mẫu SUV lai coupe 408, là một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại Triển lãm Paris 2024. Dự kiến, đây sẽ là lựa chọn nổi bật trong phân khúc SUV coupe hạng C tại Việt Nam, với thiết kế độc đáo, sang trọng và khả năng vận hành thân thiện môi trường.

Honda Winner X: Sức mạnh đột phá, thiết kế thể thao đầy cá tính với giá trên 46 triệu đồng

Honda Winner X: Sức mạnh đột phá, thiết kế thể thao đầy cá tính với giá trên 46 triệu đồng

(GLO)- Honda Winner X là mẫu xe côn tay thể thao mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa hiệu năng mạnh mẽ và thiết kế hiện đại. Chiếc xe có những cải tiến vượt bậc cả về công nghệ và kiểu dáng, Winner X nghiễm nhiên trở thành lựa chọn hàng đầu của giới trẻ đam mê tốc độ và phong cách.

Piaggio MP3: Chiếc xe tay ga 3 bánh hiện đại cho đô thị với giá 340 triệu đồng

Piaggio MP3: Chiếc xe tay ga 3 bánh hiện đại cho đô thị với giá 340 triệu đồng

(GLO)- Piaggio MP3 không chỉ nổi bật với thiết kế 3 bánh độc đáo, mà còn mang lại sự an toàn và thoải mái trên đường phố đông đúc. Với công nghệ tiên tiến cùng khả năng vận hành linh hoạt, đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai tìm kiếm sự mới lạ và tiện nghi trong phân khúc xe tay ga cao cấp.

Ford Mustang: Mẫu Coupe thể thao bán chạy nhất toàn cầu có giá từ 3,18 tỷ đồng

Ford Mustang: Mẫu Coupe thể thao bán chạy nhất toàn cầu có giá từ 3,18 tỷ đồng

(GLO)- Ford Mustang 2024 là một trong những mẫu xe thể thao đáng chú ý nhất hiện nay với thiết kế cơ bắp, hiệu suất ấn tượng và loạt trang bị tiện nghi hiện đại. Dòng xe này không chỉ đáp ứng nhu cầu vận hành mạnh mẽ mà còn thu hút người dùng nhờ vẻ ngoài hầm hố, đậm chất thể thao.