Thí sinh duy nhất đạt 9,5 điểm kỳ thi năng khiếu Trường ĐH Kiến trúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ Thừa Thiên-Huế vào TP.HCM, là một trong 3.000 thí sinh tham dự kỳ thi năng khiếu của Trường ĐH Kiến trúc (môn vẽ mỹ thuật), Lê Hữu Phước, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, đã trở thành thí sinh đạt điểm cao nhất với thành tích 9,5 điểm.

Cơ hội được bén duyên với hội họa

Từ nhỏ Hữu Phước đã có cơ hội được bén duyên với hội họa. Phước kể: "Em bắt đầu tiếp xúc và làm quen với lĩnh vực hội họa từ năm lớp 3, khi đó được mẹ dẫn đi học vẽ ở trung tâm thiếu nhi và từ đấy niềm đam mê với vẽ tranh trong em bắt đầu nảy nở".

Lê Hữu Phước. Ảnh NVCC

Lê Hữu Phước. Ảnh NVCC

Được tiếp xúc với hội họa từ khi còn nhỏ, Phước hiểu bản thân cần phải có sự chuẩn bị từ sớm và phải luôn nghiêm túc với việc theo đuổi lĩnh vực này như một ngành nghề mơ ước.

Vì vẽ mỹ thuật không nằm trong môn học được giảng dạy trong chương trình cấp THPT, nên Phước đã học ở các trung tâm bên ngoài từ 2 năm trước. Đây cũng là thử thách lớn cho Phước vì phải sắp xếp hợp lý và cân bằng được quỹ thời gian giữa học các môn văn hóa và rèn luyện thêm môn năng khiếu.

"Thời gian đầu em cũng gặp khó khăn trong việc sắp xếp lịch học. Khoảng thời gian hè thì em tập trung cho việc học vẽ nhiều hơn bên cạnh các môn văn hóa. Sau thời điểm nhập học, em tập trung vào các môn thuộc khối ngành sẽ thi nên dồn sức học trên trường khá nhiều. Lúc đó em chỉ vẽ như cách giải tỏa sau những giờ học áp lực. Từ đó vẽ dần trở thành nguồn động lực cũng như niềm đam mê cháy bỏng của em", Phước chia sẻ.

Bên cạnh việc có năng khiếu hội họa, Phước đã phải tự rèn luyện từng nét vẽ để có thể trở nên tiến bộ hơn. Phước cho biết những ngày đầu tiên học các nét vẽ tĩnh vật (quả táo, chai nước...), sau tầm 2 - 3 tháng sẽ luyện vẽ đến những khối cơ bản (khối cầu, tứ diện, lập phương, hình trụ). Đến khi đã chắc tay, Phước tập kết hợp các hình khối lại với nhau, luyện tập dần cho đến khi thành thạo sẽ bắt đầu vẽ thành các khối ngũ quan, cuối cùng mới luyện tập để vẽ các đầu tượng.

Đam mê với mỹ thuật

Thời điểm cận kề ngày thi, Phước đã luyện vẽ 8 tiếng đồng hồ một ngày, 6 tiếng cho 2 lớp luyện thi và 2 tiếng tự luyện thêm. Nhưng Phước lại không cho đó là áp lực, bạn cho biết: "Hai ngày trước thi, lớp luyện vẽ dạy từ 5 giờ chiều đến 3 giờ sáng. Nhưng đều trên tinh thần tự nguyện, vào lớp học là tất cả các bạn và em đều hăng say ôn luyện nên rất vui".

Khổ luyện xuyên suốt 2 năm là thế, nhưng vào ngày dự thi, Phước cho biết bản thân khá thả lỏng, có phần ung dung và thoải mái hơn rất nhiều. "Trước ngày thi, em đã luyện tập tâm lý phòng thi để giảm bớt áp lực nhất có thể, cũng như tham quan trường để làm quen với địa điểm thi", Phước cho hay.

Các tác phẩm của Phước

Các tác phẩm của Phước

Phước cho biết một phần bạn có thể bình tĩnh, tự tin như vậy là do bản thân đã luôn nỗ lực luyện tập và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt những năm qua. Bên cạnh đó, Phước luôn có được một điểm tựa tinh thần vững chắc, đó là sự ủng hộ và gắn bó của gia đình trong suốt hành trình vừa qua. Phước tâm sự: "Ba mẹ rất ủng hộ em theo đuổi con đường này. Nhất là 10 ngày cuối cùng trước hôm thi năng khiếu, ba đã theo em vào TP.HCM để chuẩn bị cho kỳ thi. Ba luôn ở đó cổ vũ và giúp đỡ em rất nhiều".

Sau khi biết điểm, Phước cho hay rất hạnh phúc vì công sức và nỗ lực của mình đã có những đền đáp xứng đáng. "Em cảm thấy tự hào vì đã luôn giữ vững đam mê với mỹ thuật đến tận bây giờ. Có thể em sẽ xem đây là bài vẽ đẹp nhất trong suốt quá trình học hội họa của em", anh chàng hạnh phúc nói.

Anh Bùi Quốc Đạt, người thầy luyện vẽ cho Phước, tâm đắc trước thành tích đạt được của học trò mình. Anh nhận xét: "Với một thí sinh dự thi thì việc hoàn thành một sản phẩm tốt như vậy chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ là cả một sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm".

Anh Đạt cũng cho biết Phước là người có tố chất về vẽ hình minh họa, cũng là một học trò ngoan, chăm và rất đam mê mỹ thuật. "Mình ấn tượng về bài vẽ Phước gửi khi xin học lớp của mình. Lúc đó mình đã nói với bạn quản lý lớp, đây có thể sẽ là thủ khoa năm nay", anh Đạt kể và cho biết thêm: "Những ngày cuối mình hay bắt lỗi và có phần khắt khe, khó tính hơn trong việc nhận xét tác phẩm của bạn. Nhưng Phước lại càng nỗ lực, nghe lời và tiếp thu hết nên sản phẩm ngày càng chất lượng. Phước là một học viên có năng khiếu bẩm sinh về hội họa, lại có định hướng rõ ràng và đặt mục tiêu phấn đấu từ rất sớm nên dù được thầy xếp vào "nhóm tốt" của lớp thì bạn vẫn nỗ lực gấp bội, quyết tâm luyện tập và học hỏi để đạt được thành tích cao nhất".

Hiện nguyện vọng của Phước là trở thành tân sinh viên ngành kiến trúc của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.

Có thể bạn quan tâm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Học viên Lào trên đất Gia Lai

Học viên Lào trên đất Gia Lai

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Binh đoàn 15 đã tiếp nhận đào tạo cho 100 học viên đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Dẫu khác nhau về phong tục tập quán nhưng các học viên đã nhanh chóng hòa nhập và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích để góp phần xây dựng đất nước.