Tháo gỡ khó khăn cho ngành Công thương địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 18-4, tại TP. Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương với 63 tỉnh, thành phố nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững ngành Công Thương tại các địa phương.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: V.T
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: V.T

Báo cáo tại hội nghị cho thấy trong 3 tháng đầu năm nay, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế. Trước bối cảnh đó, trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Trong quý I-2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%. Có 48 địa phương có IIP tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD (giảm 11,9% so với cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%), điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD (giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước); trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD (giảm 13,3% so với cùng kỳ); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 49,07 tỷ USD (giảm 15,4%). Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, thương mại, các hoạt động liên kết vùng được triển khai thực hiện hiệu quả.

Hội nghị đã đề ra một số nhiệm vụ và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững ngành Công Thương tại các địa phương. Ảnh: V.T
Hội nghị đã đề ra một số nhiệm vụ và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững ngành Công Thương tại các địa phương. Ảnh: V.T

Tại hội nghị, các địa phương và các đơn vị thuộc bộ đã thảo luận về thực trạng, chỉ ra một số nguyên nhân gây khó khăn cho sản xuất và xuất nhập khẩu thời gian qua; việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam; thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất; các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao… Trước những khó khăn đó, một số kiến nghị, đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đặc biệt là việc mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch; đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quan tâm, chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận, giải ngân gói vốn ưu đãi để đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chấp thuận cho các dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành được đấu nối, hòa lưới, thử nghiệm thiết bị trong thời gian chờ đàm phán giá mua bán điện...Đồng thời, trên cơ sở dự báo tình hình, năm 2023, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 8-9% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước dự kiến giảm khoảng 8-9% so với năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự kiến tăng 6% so với năm trước.

Kết luận hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị đối với những khó khăn liên quan đến các vấn đề thuộc thẩm quyền, Bộ Công thương sẽ giao các đơn vị trực tiếp giải quyết và những vấn đề vượt thẩm quyền Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại. Bám sát tình hình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch được giao trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược về thương mại-công nghiệp của từng địa phương; tháo gỡ khó khăn từng dự án lớn trên địa bàn; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi, phát triển sản xuất; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nghiên cứu cơ chế, chính sách để gỡ khó cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ và tạo thuận lợi trong thực hiện các dự án bất động sản góp phần thúc đẩy các ngành khác phát triển.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương cần quyết liệt trong việc quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi đáp ứng yêu cầu của thị trường; tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng. Đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước thông qua kết nối giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan. Tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực… Ngoài ra, cần tập trung chấn chỉnh kỹ cương trong thực thi nhiệm vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. “Trên tinh thần Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương luôn chia sẻ với các địa phương và Bộ sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”-Bộ Trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

V.T

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.