Thành phố Pleiku: Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên cạnh duy trì mục tiêu giảm sinh, TP. Pleiku còn thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Dù mức chênh lệch giới tính cho phép là 108 nam/100 nữ nhưng so với các địa phương trong tỉnh thì đây vẫn là vấn đề đáng quan tâm.
Buổi mít tinh “Ngày Quốc tế Trẻ em gái” (11-10) được UBND phường Phù Đổng tổ chức mới đây đã lồng ghép tuyên truyền Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Rất đông cán bộ, người dân và đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, trẻ em gái vị thành niên đã đến tham dự. Phát biểu tại buổi mít tinh, ông Lâm Quang Lợi-cán bộ Trạm Y tế phường Phù Đổng-nhấn mạnh: Một xã hội thừa nam, thiếu nữ sẽ dẫn đến mất cân bằng trong đời sống tình cảm, hệ lụy trước hết là phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng các tệ nạn xã hội và nhiều vấn đề khác.
 Cán bộ dân số Trung tâm Y tế TP. Pleiku (bìa trái) tuyên truyền tại gia đình sinh con 1 bề là gái. Ảnh: Đ.Y
Cán bộ dân số Trung tâm Y tế TP. Pleiku (bìa trái) tuyên truyền tại gia đình sinh con 1 bề là gái. Ảnh: Đ.Y


Bà Đinh Thị Thúy Kiều-Trưởng phòng Dân số Trung tâm Y tế TP. Pleiku: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể để chỉ đạo tuyên truyền bằng những cách làm cụ thể, phù hợp với đặc điểm của mỗi xã, phường. Tuyên truyền thanh niên nam nữ kết hôn đúng độ tuổi, thay đổi tư tưởng lạc hậu, phân biệt đối xử giữa nam-nữ để xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực thực hiện mục tiêu giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.


Theo bảng tổng hợp số liệu dân số-kế hoạch hóa gia đình 9 tháng qua của Trung tâm Y tế TP. Pleiku, vấn đề nổi lên là mức chênh lệch giới tính đang diễn ra cục bộ ở một số xã, phường. Xã Gào có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất với 148 nam/100 nữ, tiếp đó là phường Tây Sơn 145 nam/100 nữ. Lý giải vấn đề này, bà Đun-cán bộ Trạm Y tế xã Gào-phân trần: “Xã chúng tôi có 98% dân số là người dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn và nhận thức còn hạn chế, việc chênh lệch này là tự nhiên chứ không phải người dân có xu hướng lựa chọn giới tính khi sinh”.
 Trên thực tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh là do nhiều gia đình vẫn còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Một số gia đình sinh con một bề khi kinh tế khá giả thì tìm cách để “có nếp có tẻ”. Ngoài ra, sự can thiệp của y học hiện đại trong việc lựa chọn giới tính thai nhi ngày càng dễ dàng cũng làm cho tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, việc thực thi luật pháp trong việc lựa chọn giới tính thai nhi bằng y học chưa nghiêm cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng lo ngại nêu trên. Bà Đinh Thị Thúy Kiều-Trưởng phòng Dân số Trung tâm Y tế TP. Pleiku-cho rằng, điều đáng quan tâm là mức chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn TP. Pleiku diễn ra cục bộ, đòi hỏi phải có biện pháp can thiệp.  
Theo tìm hiểu, những nơi có mức chênh lệch giới tính ở mức cho phép phần nhiều là do nhận thức từ gia đình. Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (đường Đặng Thai Mai, phường Thắng Lợi) chia sẻ: “Tôi là viên chức nhà nước, chồng là bộ đội, vợ chồng sinh đôi 2 con gái. Tôi quan niệm con nào cũng là con. Cuộc sống hiện đại nên dừng ở việc sinh 2 con để có điều kiện chăm sóc con tốt nhất. Tôi không nặng nề việc phải có con trai hay con gái”.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh về việc ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, TP. Pleiku đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới; lồng ghép tuyên truyền thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ, các đoàn thể để người dân hiểu rõ nguy cơ của tình trạng mất cân bằng giới tính, từ đó thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ”. Đồng thời, Trung tâm Y tế TP. Pleiku phối hợp các Trạm Y tế xã, phường hàng năm tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tham mưu cho cơ quan chức năng xử lý những trường hợp vi phạm... Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là trên các cơ quan truyền thông; tuyên truyền miệng qua 389 cộng tác viên dân số xã, phường để thay đổi nhận thức ở những cặp vợ chồng còn trong độ tuổi sinh đẻ.
ĐINH YẾN
 
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:
 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy
 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.