Thanh niên Kon Gang liên kết phát triển sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua hơn 1 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên phát triển kinh tế xã Kon Gang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã góp phần thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp tại địa phương.

Nghĩ cách làm giàu trên mảnh đất quê hương

Thay vì đi làm ăn xa, anh Quứ (làng Ktu) quyết định lập nghiệp tại địa phương. Tài sản của anh lúc khởi nghiệp là 2 ha cà phê bố mẹ cho, nhưng một nửa diện tích đã già cỗi, năng suất kém. Năm 2020, anh chuyển đổi diện tích này sang trồng các loại cây ăn quả như: ổi, nhãn, chôm chôm, bưởi… Anh cũng cải tạo gần 2 sào đất để trồng cà đắng, cà chua, mướp ngọt.

Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình kinh tế của anh Quứ cho thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, nhằm chủ động nguồn thức ăn cho 5 con bò, anh tận dụng quỹ đất của gia đình để trồng cỏ. Hiện tại, mỗi năm, anh Quứ có thu nhập hơn 250 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Mô hình kinh tế tổng hợp của anh trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các thành viên CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Kon Gang. Anh Quứ cho biết: Mỗi thành viên trong CLB có những thế mạnh riêng. Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi. “Mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các thanh niên khác ở làng để cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương”-anh Quứ bộc bạch.

 Anh Quứ (làng Ktu, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) cùng vợ chăm sóc vườn cà đắng của gia đình. Ảnh: Minh Nhật
Anh Quứ (làng Ktu, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) cùng vợ chăm sóc vườn cà đắng của gia đình. Ảnh: Minh Nhật


Tương tự, anh Tý (cùng làng) cũng đã xây dựng được mô hình chăn nuôi bò kết hợp trồng trọt khá hiệu quả. Ngoài 2 ha cà phê, 300 cây cao su, 7 con bò bố mẹ cho, anh Tý đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng của ngân hàng và vay mượn thêm của người thân để đầu từ trồng 100 gốc măng tre Đài Loan, 300 cây chanh dây, 100 cây sầu riêng, 1 sào rau. Anh Tý cho biết: “Mình thấy nhiều hộ dân ở trong làng trồng măng tre Đài Loan có năng suất cao, đầu ra đảm bảo nên quyết định làm theo. Hiện tại, mình thu nhập từ các loại cây trồng hơn 250 triệu đồng/năm, chưa trừ chi phí”.

Môi trường học hỏi, kết nối

Cùng chung chí hướng làm giàu, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương, tháng 6-2021, 7 thanh niên Bahnar đã kết nối để thành lập CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Kon Gang. Mỗi tháng, CLB tổ chức sinh hoạt 1 lần nhằm trao đổi kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi, cây trồng. Khi tham gia CLB, một số thanh niên đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư chuồng trại bài bản để chăn nuôi bò, heo. Các thành viên còn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để cùng làm giàu. Anh Kư-thành viên CLB-chia sẻ: “Mình có 1 ha cà phê. Nhờ tham gia CLB, mình học hỏi kinh nghiệm của các thành viên để chăm sóc cây cà phê tốt hơn. Mình cũng đang được các bạn hướng dẫn để mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng các loại cây trồng”.

Nhờ tham gia Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế xã Kon Gang, thanh niên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Nhờ tham gia Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế xã Kon Gang, thanh niên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Minh Nhật


Tài sản chung của CLB hiện có là 2 con bò giống sinh sản được các thành viên nuôi xoay vòng. Ngoài phát triển kinh tế, các thành viên trong CLB còn năng nổ, tích cực đi đầu trong các hoạt động Đoàn ở địa phương. Tuy nhiên, CLB vẫn còn gặp một số khó khăn như: một số thành viên thiếu kiến thức về thị trường, chưa tập hợp được nhiều đoàn viên tham gia… Anh Hy-Bí thư Đoàn xã Kon Gang, Chủ nhiệm CLB-thông tin: Lâu nay, đa số đoàn viên, thanh niên ở địa phương chủ yếu canh tác đơn lẻ, thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là thanh niên người dân tộc thiểu số. Vì vậy, CLB được thành lập với mong muốn hỗ trợ thanh niên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, liên kết sản xuất để nâng cao thu nhập. Hiện CLB đang tích cực vận động, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng để kết nạp thêm nhiều thanh niên tham gia, cùng nghĩ cách làm giàu.

Nhận xét về hoạt động của CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Kon Gang, anh Lê Đình Chiến-Bí thư Huyện Đoàn Đak Đoa-cho biết: Câu lạc bộ được thành lập đã tạo sự liên kết giữa các đoàn viên, thanh niên; tạo cầu nối hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, hạn chế tình trạng thanh niên rời quê đi làm ăn xa. Tới đây, Huyện Đoàn sẽ tổ chức cho các Đoàn xã, thị trấn tham quan mô hình thành công của CLB. Đồng thời, Huyện Đoàn phối hợp với các ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho đoàn viên, thanh niên. “Huyện Đoàn tin tưởng mô hình thanh niên phát triển kinh tế ở xã Kon Gang sẽ tạo sự lan tỏa, là động lực để thanh niên nỗ lực khởi nghiệp, lập nghiệp thành công”-anh Chiến nói.

 

 MINH NHẬT

 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.